• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vì sao nông dân chưa mặn mà với GAP?

Nguồn tin:  Nhân Dân, 14/09/2014
Ngày cập nhật: 16/9/2014

GAP - thực hành nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice) là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đủ sức cạnh tranh, vươn ra thị trường thế giới. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai GAP vẫn chưa thật sự hấp dẫn nhà nông.

Sản xuất theo GAP còn quá "khiêm tốn"

Vùng đất phương nam, nhất là khu vực Nam Bộ, lâu nay là vựa lúa, cây ăn trái, thủy sản... của cả nước. Ðể các mặt hàng nông sản phát triển ổn định, bền vững, thời gian qua, bà con nông dân các địa phương trong vùng đã chú ý sản xuất hướng đến chất lượng cao, an toàn, theo quy trình GAP. Tuy nhiên, việc sản xuất theo quy trình này vẫn chưa thể nhân rộng. Vì sao?

Sản xuất hướng đến an toàn, chất lượng cao

Nông sản sản xuất theo quy trình an toàn là vấn đề đang có tính thời sự và là mối quan tâm của người tiêu dùng trong, ngoài nước. Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), "luật chơi" về số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm đang trở thành rào cản lớn cho nhiều vùng nông sản hàng hóa.

Sản xuất theo quy trình GAP bảo đảm được các lợi ích: Truy được nguồn gốc sản phẩm; sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, các địa phương phía nam, nhất là vùng Nam Bộ, đã mạnh dạn quy hoạch, chọn lựa những đặc sản có lợi thế cạnh trạnh cao để đầu tư phát triển theo hướng GAP, được nông dân đồng tình hưởng ứng.

Với hơn 70 nghìn ha, cho sản lượng hằng năm hơn một triệu tấn trái cây các loại, tỉnh Tiền Giang đã chọn các loại trái ngon đặc sản để tập trung đầu tư phát triển thành vùng chuyên canh. Ðồng thời, tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân cùng các nhà khoa học tham gia xây dựng các mô hình sản xuất theo GAP, từng bước nhân rộng. Ðến nay, các đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, khóm (dứa) Tân Phước, sơ-ri Gò Công, thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn (Châu Thành)... đều áp dụng quy trình sản xuất theo GAP. Ngoài ra, cây lúa, rau màu cũng từng bước chú ý sản xuất theo quy trình này.

Là "thủ phủ" cây thanh long của cả nước, tỉnh Bình Thuận áp dụng rất thành công sản xuất theo quy trình VietGAP đối với loại trái cây nhiệt đới "rồng xanh" này. Khởi động từ năm 2008, đến nay, Bình Thuận có gần 400 tổ, nhóm với hơn 8.700 hộ tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích gần 7.400 ha trong tổng số hơn 20 nghìn ha toàn tỉnh. Bình Thuận cũng có mười trang trại và hợp tác xã (HTX) được cấp chứng chỉ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích hơn 200 ha. Bình Thuận đang đứng đầu cả nước về sản xuất theo VietGAP trên cây ăn quả.

Tại nhiều địa phương khác, hầu hết các loại nông sản có lợi thế đều được chú ý sản xuất theo GAP, như nho ở Ninh Thuận; cây chanh Bến Lức (Long An); chôm chôm, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ở Vĩnh Long, Bến Tre; quýt hồng ở Ðồng Tháp, xoài Phủ Lý (Ðồng Nai)... Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam cho biết: Các mô hình sản xuất rau an toàn, trái cây, lúa gạo, thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP đã giúp đưa ra thị trường nhiều nông sản "sạch", an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường. Khi áp dụng mô hình, lợi nhuận của nông dân được cải thiện vì tiết giảm được phân, thuốc, vật tư đầu vào...; nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.

GAP còn quá ít

Thực tế, xảy ra nghịch lý: Nông dân xây dựng mô hình GAP cho nông sản, thủy sản rất thành công, nhưng hiệu quả đạt được từ GAP mang lại không cao, nên chưa nhân rộng được.

Từ cuối năm 2000, cây nho tại Ninh Thuận bắt đầu suy thoái, năng suất và sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với một số loại nho nhập khẩu, có nhiều hộ phải dỡ bỏ giàn nho thay những loại cây trồng khác. Ông Nguyễn Văn Mọi, ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước đã tiên phong thực hiện mô hình khảo nghiệm "dùng phân hữu cơ sinh học trên giống nho mới NH01- 48" do Viện Nghiên cứu - Phát triển cây bông Nha Hố (Ninh Thuận) lai tạo và cung ứng giống cho ông trồng thử nghiệm trên 1.000 m2. Ðến năm 2003, ông đưa sản phẩm nho sạch vào bán tại các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, sức tiêu thụ lớn hơn cả nho xanh nhập khẩu từ Thái-lan. Ðến năm 2007, bắt đầu có chương trình canh tác VietGAP, ông theo luôn và đến năm 2010 được cấp chứng nhận. Trồng nho theo VietGAP rất có hiệu quả, nhưng phần nhiều nông dân ở đây chưa mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, nên rất khó mở rộng diện tích, ông Mọi cho biết.

Tháng 5-2008, Tổ hợp tác (THT) thanh long VietGAP Hàm Liêm 1, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc là tổ chức đầu tiên ở Bình Thuận sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, gồm 120 hộ tham gia với tổng diện tích 85 ha. Ông Phạm Hữu Trường, Tổ trưởng THT tâm sự: "Tôi cùng Hội Nông dân xã đi vận động bà con trồng thanh long tham gia vào tổ sản xuất VietGAP khó khăn lắm, bởi vì người nông dân chưa hiểu thế nào là GAP.

Qua 15 tháng hoạt động, số hộ tham gia VietGAP giảm xuống còn 85 hộ. Lý do, các hộ dân ngại đi họp, không quen ghi chép "nhật ký đồng ruộng", không muốn xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn... Người nông dân không dễ thay đổi tập quán sản xuất truyền thống để theo một quy trình sản xuất khoa học và an toàn".

Tổ trưởng THT sản xuất gần 50 ha nhãn ở xã Long Hòa, huyện Bình Ðại (Bến Tre) Võ Văn A phân tích: "Nông dân tham gia, hợp tác quy trình VietGAP sẽ được tập huấn nên kỹ thuật chăm sóc cây tốt hơn, năng suất cao hơn và chất lượng trái an toàn hơn; được hỗ trợ một phần vốn để mua máy móc, phân bón, thuốc,...; hỗ trợ vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để xây nhà kho, nhà vệ sinh; tập trung được sản lượng, quản lý dịch bệnh. Nhưng, cũng còn những trở ngại như đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, người sản xuất nhiều khi phải tự tìm thị trường tiêu thụ.

Có thể nói, HTX lúa Mỹ Thành, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) với 175 hộ góp vốn là HTX đầu tiên của cả nước thực hiện thành công quy trình sản xuất cây lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (Global GAP) và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm gần 100 ha lúa với giá cao hơn giá thị trường 20%. Thế nhưng HTX Mỹ Thành cũng rơi vào tình trạng gần như phá sản vì không đủ khả năng tái chứng nhận Global GAP và hiện nay, doanh nghiệp không còn bao tiêu sản phẩm.

Bà Bùi Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bến Lức (Long An) cho biết, thiếu kinh phí tái chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global GAP là một trong những nguyên nhân khiến diện tích sản xuất cây chanh theo tiêu chuẩn quốc tế ở vùng Bến Lức còn quá ít. Nếu có doanh nghiệp hỗ trợ về mặt này, hoặc kinh phí tái chứng nhận không quá cao, thì người dân trồng chanh sẽ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhiều hơn...

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP ở các tỉnh phía nam chưa nhiều, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có chưa tới 1% trên tổng diện tích gần 300 nghìn ha, còn các loại rau, màu, thủy sản, lúa gạo thì không đáng kể.

Ðiều đáng quan tâm là con số được chứng nhận theo thống kê sẽ thấp hơn vì thực hiện quy trình GAP đã bộc lộ những khó khăn, bất cập, khiến nông dân có chiều hướng quay lưng lại với GAP.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP ở các tỉnh phía nam chưa nhiều, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có chưa tới 1% trên tổng diện tích gần 300 nghìn ha, còn các loại rau, màu, thủy sản, lúa gạo thì không đáng kể.

NHÓM PHÓNG VIÊN CƠ QUAN THƯỜNG TRÚ TP HỒ CHÍ MINH

Các tin mới:

16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014
16/9/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang