• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An toàn vệ sinh lao động: Nông dân còn xem nhẹ

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang, 04/09/2014
Ngày cập nhật: 5/9/2014

Lao động nông nghiệp vốn nặng nhọc, độc hại. Thế nhưng vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lại chưa được nhiều nông dân quan tâm. Vì thế, không ít trường hợp đã bị tai nạn, mất sức khoẻ, giảm khả năng lao động, thậm chí tử vong.

Nông dân xã Chu Điện (Lục Nam) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đủ bảo hộ lao động.

Tai nạn do chủ quan, bất cẩn

Vừa qua, trong khi làm đồng, chị Hoàng Thị Chuyên ở thôn Dâu, xã Nghĩa Hoà (Lạng Giang - Bắc Giang) bị mảnh chai thuốc trừ sâu đâm thủng bàn chân phải đến cơ sở y tế tiêm phòng bệnh uốn ván, điều trị bằng kháng sinh dài ngày. Chị cho biết: “Mảnh vỡ nằm khuất trong bụi cỏ xanh, không nhìn rõ nên tôi giẫm phải. Do không đi ủng nên vết thương khá sâu, mất nhiều máu. Từ đó, mỗi lần ra đồng tôi luôn thấy không an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Ràng ở thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) bị tai nạn lao động do sơ suất. Dịp thu hoạch lúa chiêm vừa rồi, đang tuốt lúa thì trời đổ mưa, ông vội cào, hót thóc. Mưa tạnh, ông vận hành tiếp máy tuốt, không ngờ bị điện giật do cuộn dây bị hở, ngấm nước, rò điện. Rất may có người phát hiện kịp thời cứu ông thoát nạn. Tuy nhiên, da bàn tay bị hoại tử khiến ông phải điều trị hơn một tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay sau mấy tháng xảy ra sự việc nhưng sức khoẻ ông vẫn chưa bình phục, người gầy rộc, xanh xao.

Ngoài tai nạn do bất cẩn, nhiều người dân còn bị nhiễm độc do bỏ qua các khuyến cáo sử dụng bảo hộ lao động khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh Mai Văn Hoàn, thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) kể, mới đây bơm thuốc trừ sâu cho lúa, anh không đeo khẩu trang, mặc áo vải thường, đội mũ lá cộng với bình bơm bị rò nên thuốc ngấm vào da. Về đến nhà, khắp người anh mẩn đỏ, chân tay bủn rủn, choáng váng, phải nghỉ làm mất mấy ngày.

Không thể kể hết những sự cố hoặc tai nạn nhiều nông dân gặp phải khi vận hành máy thái rau, máy tuốt lúa, máy làm đất, giẫm phải vật sắc nhọn; bị thương do trâu, bò húc, ngã khi thu hoạch cây ăn quả, cây lâm nghiệp; nhiễm độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, không mang bảo hộ...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ số vụ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp nhưng nguy cơ mất an toàn trong lĩnh vực này luôn ở mức cao. Số liệu khảo sát của Sở giai đoạn 2006-2012 cho thấy mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 60-70 người tử vong do bị điện giật, sét đánh, ngã cây, đuối nước.

Cần trang bị kỹ năng ATVSLĐ

Được biết, từ năm 2012 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 700 hội viên nông dân, đồng thời tổ chức ba cuộc thi bảo đảm an toàn lao động trong nông nghiệp thu hút hàng trăm nông dân tham gia. Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức 11 lớp trang bị kiến thức sử dụng máy nông nghiệp, công cụ an toàn, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Nhưng trên thực tế, phần lớn nông dân vẫn không quan tâm thực hành những quy tắc bảo đảm an toàn cho chính mình trong khi làm việc.

Theo ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an toàn lao động trong nông nghiệp song lý do chính là người lao động còn chủ quan, bất cẩn khi sản xuất. Đơn cử, đang trong thời kỳ cao điểm phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa nhưng đa số nông dân không tuân thủ quy định về bảo hộ như: Không đeo khẩu trang, ủng, găng tay cao su, không mặc áo mưa…

Anh Đặng Văn Bắc, thôn Lý, xã Việt Lập (Tân Yên) chủ quan cho rằng: “Mặc áo mưa, đeo khẩu trang mùa này nóng bức và vướng lắm. Có vài sào lúa bị sâu cuốn lá tôi chỉ phun một lúc là xong, chưa đủ thời gian cho thuốc ngấm vào người. Khi xong việc về tắm gội kỹ sẽ không sao”.

Đối với máy nông cụ, người dân thường mua về sử dụng theo kinh nghiệm. Ông Dương Văn Hướng, thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung (Việt Yên) nói: “Khi mua máy phụt lúa, chủ cửa hàng cũng đưa cho vài quyển sách hướng dẫn sử dụng nhưng tôi thấy dài quá, chữ lại nhỏ nên chẳng đọc. Hỏi qua vài người trong thôn đã dùng trước là tôi vận hành được ngay”.

Tình trạng nông dân không tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật như vậy khá phổ biến và đã có người bị tai nạn khi bỏ lúa vào máy tuốt, máy phụt. Ông Trần Văn Đông, thôn Hai, xã Hương Lạc (Lạng Giang) đã bị mất bàn tay khi vận hành máy tuốt lúa là một ví dụ.

Bỏ qua ATVSLĐ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm thu nhập, thậm chí tử vong. Để nâng cao ý thức cho người dân về vấn đề này trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở cần thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn lao động để người dân thấy được, từ đó có trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Các cơ quan chuyên môn, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân tiếp tục quan tâm phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho nông dân; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách thông qua lồng ghép các chương trình như: Khuyến nông, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, hội thi văn hóa, văn nghệ để thu hút người dân tham gia.

Theo cơ quan chuyên môn, nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật sẽ để lại di chứng như: Rối loạn thần kinh, mất ngủ, trí nhớ kém, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể. Phụ nữ dễ bị các tai biến sinh sản, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Một số trường hợp bị biến đổi gen, mắc bệnh hiểm nghèo.

Trịnh Lan

Các tin mới:

5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014
5/9/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang