• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ra đồng cùng nông dân

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng, 1/12/2013
Ngày cập nhật: 1/1/2014

Những giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học (đang làm việc tại Lâm Đồng) chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, đã chọn cách ra đồng cùng nông dân bằng những nghiên cứu của mình, để giúp người dân bớt đi mồ hôi, thay đổi cuộc sống nghèo khó.

Các loại cây giống khoai tây của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp Lâm Đồng luôn là lựa chọn của nông dân

Những con bò mang thai hộ

Thời gian gần đây, rất nhiều con bê sữa đẹp, khỏe được chào đời ngay tại khu chăn nuôi tập trung của Công ty cổ phần sữa Ðà Lạt. Tuy nhiên, không giống như những con bê khác được sinh sản theo cách truyền thống, những con bê này được sinh ra từ một con bò vàng lai sind. Những con bê ấy, được ra đời từ sự thành công của chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước với tên gọi “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên”. Ðề tài nằm trong khuôn khổ Chương trình Tây Nguyên 3, do TS Lê Thị Châu - Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (VNCKHTN thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm chủ nhiệm.

Trước khi đề tài triển khai, TS Lê Thị Châu cùng các đồng nghiệp cũng đã từng băn khoăn và đặt ra câu hỏi: “Nếu chỉ cấy phôi từ bò sữa Holstein Friesian (HF) cao sản sang bò HF thuần thôi thì nhiệm vụ nâng cao giá trị của đàn bò của đề tài có thể hoàn thành được, nhưng làm thế nào để vừa nâng cao được năng suất của đàn bò sữa, vừa nhân nhanh được đàn bò HF sinh sản. Và liệu cấy chuyển phôi bò HF sang bò lai, bò vàng có giải quyết được vấn đề này không?”.

Câu hỏi trên gần như là thách thức, đồng thời cũng là đích để các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu chinh phục. Bởi việc cấy phôi bò HF vào bò lai, bò vàng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn và đặc biệt phù hợp nếu đặt tình trạng phát triển của đàn bò sữa nước ta trong thời gian hiện tại 20 năm tới.

Dùng bò lai ze - bu (bò lai giữa bò sữa và bò lai sind), bò vàng địa phương làm bò nhận phôi, sẽ giảm được chi phí đầu vào cho bò nhận phôi. Theo phép tính đơn giản, bò cái sinh sản ze - bu tốt có giá chỉ từ 12 - 15 triệu đồng, trong khi bò cái sinh sản HF có mức giá lên đến 50 - 60 triệu đồng/con. Bên cạnh đó, chi phí chăn nuôi của bò lai ze - bu, bò vàng địa phương có mức thấp hơn nhiều; đồng thời dùng bò lai ze - bu làm mẹ nhận phôi cũng tiết kiệm được 70 - 100% số sữa nuôi bê, vì bê HF bú trực tiếp từ bò mẹ với khoảng 700 - 750 kg sữa giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi.

Ðể giải quyết câu hỏi của bài toán trên, TS Lê Thị Châu và các nhà khoa học của VNCKHTN đã tiến hành gây siêu bài noãn bò HF cao sản và khai thác phôi từ những bò cao sản này, sau đó lấy mỗi con từ 5 - 7 phôi để cấy trực tiếp vào bò lai ze - bu, bò vàng được gây đồng dục đồng pha, hoặc được bảo quản đông lạnh để cấy phôi vào thời điểm thích hợp.

Ngoài bò ze - bu và bò vàng, công nghệ chuyển cấy phôi theo kiểu “đẻ thuê” này còn có thể được thực hiện đối với giống bò lai sind, các giống bò thịt chất lượng khác, cũng như cấy chuyển từ bò sữa sang bò sữa.

Ông Nguyễn Ðắc Cường - Phó TGÐ Công ty cổ phần sữa Ðà Lạt cho biết: “ Việc các nhà khoa học của VNCKHTN nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Công ty cổ phần sữa Ðà Lạt, sẽ góp phần tích cực vào việc hạ giá thành nguồn nguyên liệu sữa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, giảm chi phí cho người nuôi bò, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người nông dân của Lâm Ðồng nói riêng, Tây Nguyên và các vùng chăn nuôi bò lớn khác trong cả nước nói chung”.

Nông dân B’lao không còn phải đi mua nấm giống

Vài năm trở về trước, người trồng nấm ở Bảo Lộc gần như chỉ tập trung vào sản xuất nấm mèo, dù không mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng cho thu nhập ổn định và cũng dễ nuôi trồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, người dân đã lấn sân sang nuôi trồng các loại nấm cao cấp khác như bào ngư Nhật, bào ngư xám, sò đùi gà... bởi thu nhập cao và hơn hết là họ không còn phải phụ thuộc vào nguồn giống từ nơi khác ươm, cấy.

Kỹ sư Nguyễn Ðăng Ðịnh - Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài nấm của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Ðồng (TTNCTNNLNLÐ) cho biết: “Không giống như ở Ðà Lạt và các trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn trên cả nước, người nông dân Bảo Lộc thường không mấy quan tâm đến việc sản xuất các loại nấm (dù rất có nhu cầu), nhất là các giống nấm cao cấp. Bởi họ thường phụ thuộc nguồn giống từ các nơi khác với chi phí giá thành, vận chuyển đều rất cao. Chúng tôi đã quyết định khảo sát, nghiên cứu cho triển khai đề tài cấy mô các giống nấm cao cấp đang có giá trên thị trường để giúp người dân chủ động được nguồn giống và đẩy mạnh sản xuất”.

Hiện nay, TTNCTNNLNLÐ đã thành lập được khu nuôi giống cấp 1 với 14 loại nấm, trong đó tập trung phát triển 3 loại nấm sò đùi gà, bào ngư Nhật và bào ngư xám. Các loại nấm trên đã được người nuôi trồng nấm ở các xã Ðạm B’ri, Ðại Lào (Tp.Bảo Lộc) lấy về sản xuất trên diện tích rộng, bởi nấm giống ở TT phát triển nhanh, cho năng suất cao, tai nấm ra nhiều, chân nấm dài và đặc biệt rất ít khi bị nhiễm bệnh. Các loại nấm cao cấp trên cũng được tiểu thương Tp.Bảo Lộc và các vùng lân cận đến thu mua tại vườn với giá ổn định từ 12 -13.000đ/kg (cao gấp đôi so với nấm mèo tươi).

Đến rất nhiều các giống rau, hoa là bạn của nông dân...

Cũng như rất nhiều các trung tâm khoa học nông nghiệp (TW và địa phương) đóng chân trên địa bàn tỉnh, việc ra đồng cùng nông dân, giúp nông dân có được những nguồn giống tốt, năng suất cao đang là mục tiêu hàng đầu của các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp Lâm Ðồng (TTNCUDKTNNLÐ).

Ðược hình thành từ sự chuyển giao KHCN của Phân viện Khoa học Việt Nam (Tp.Hồ Chí Minh) cho Tp.Ðà Lạt thông qua cơ sở nuôi cấy mô khoai tây. 25 năm qua, những thành tựu khoa học kỹ thuật của TT chủ yếu về lĩnh vực nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao đã giúp rất nhiều thuận lợi cho người nông dân, cũng như góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Một trong những thành công nổi bật của TT, khi là đơn vị đầu tiên của Lâm Ðồng thực hiện chương trình ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật để nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng những cây con cấy mô, thay cho phương pháp gây giống bằng củ từ những năm 80 của thế kỷ trước và được phát triển bền vững cho đến nay.

Bên cạnh giống khoai tây, TTNCUDKTNNLÐ cũng đã triển khai chương trình ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật trong công tác nhân giống hoa địa lan Cymbidium (Chương trình LÐ05). Nghiên cứu thành công này đã mở ra bước ngoặt về giá cây giống hoa địa lan so với củ giống của loại hoa này, giúp cho người dân mở rộng diện tích sản xuất, thúc đẩy sự phát triển chương trình xuất khẩu của cây địa lan trên địa bàn tỉnh tăng nhanh ngay từ những năm 1990.

Có thể nói, ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống đã đem lại một bước tiến quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Cụm từ “nuôi cấy mô” đã trở nên quen thuộc với nông dân Ðà Lạt - Lâm Ðồng. Và cũng từ đó, Ðà Lạt được xem là trung tâm hàng đầu của cả nước trong việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để sản xuất giống khoai tây, dâu tây, địa lan và hoa cắt cành...

TTNCUDKTNNLÐ cũng đã trở thành địa chỉ quen thuộc, tin cậy trong việc cung cấp các loại giống cấy mô các loại rau, củ, hoa cho người nông dân, không chỉ trên địa phận tỉnh Lâm Ðồng.

Lâm Ðồng - mảnh đất Nam Tây Nguyên màu mỡ, đang có những bước tiến mạnh mẽ, vượt bậc trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của nền nông nghiệp Lâm Ðồng, với những thương hiệu nông sản đã được khẳng định; sự đổi thay, khởi sắc của diện mạo nông thôn với những cánh đồng bạc tỷ, trong từng nếp nhà của người dân; có sự đóng góp không nhỏ của những nhà nghiên cứu khoa học, vẫn đều đặn hàng ngày ra đồng cùng nông dân.

LINH ÐAN

Các tin mới:

1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014
1/1/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang