• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

TP Hồ Chí Minh mở hướng giúp nông dân làm giàu

Nguồn tin:  Nhân Dân, 11/01/2014
Ngày cập nhật: 13/1/2014

Trang trại trồng lan ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).

Họ là những nông dân chân chất, nhưng giờ đã ở biệt thự, đi xe hơi, có thu nhập tiền tỷ mỗi tháng. Ở TP Hồ Chí Minh, số "đại gia Hai Lúa" như vậy không phải là số ít. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với một đô thị tầm cỡ khu vực là cách mà TP Hồ Chí Minh đã mở hướng cho nông dân làm giàu trên đồng đất quê nhà...

Nhiều tỷ phú nông dân

Ðến ấp An Hòa, xã An Hội, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), nhìn ngôi biệt thự bề thế của anh Võ Thanh Phong, ít ai nghĩ rằng chủ nhân của nó đã từng là anh thợ sửa xe vỉa hè để kiếm sống qua ngày. Chính anh Phong cũng không ngờ việc nuôi heo lại giúp gia đình anh có được tài sản tiền tỷ như hiện nay. Không chỉ sở hữu đàn heo được nuôi trong chuồng có máy điều hòa nhiệt độ với 100 con heo nái, nhiều lứa heo thịt, gia đình anh Phong còn là hộ đầu tiên tại Củ Chi trồng và cho nở hoa thành công hoa lan Hồ Ðiệp với quy mô 1.000 m2. Tết năm nay, ngoài việc xuất chuồng khoảng 2.500 heo thịt, gia đình anh cũng sẽ cung ứng cho thị trường chừng 37 nghìn chậu lan, dự tính thu về hàng tỷ đồng. Hỏi về kinh nghiệm làm giàu, anh Phong khiêm tốn: "Sau nhiều năm mày mò, tự học hỏi kỹ thuật và cũng không ít lần thất bại, tôi mới có được như ngày nay".

Tương tự, trước đây gia đình bà Trần Ngọc Tuyết ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi sống chật vật vì chỉ chuyên canh lúa, hoa màu, nay, nhờ chuyển sang trồng lan cắt cành đã giúp gia đình bà có cuộc sống khá giả. Doanh thu từ vườn lan rộng 4,6 ha với hơn 60 nghìn gốc cho giá trị bình quân khoảng 1,8 tỷ đồng/năm. "Trừ chi phí công lao động, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác, lợi nhuận mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 1,3 tỷ đồng" - bà Tuyết chia sẻ. Cùng nghề trồng lan, ai cũng phải ao ước khi trực tiếp đến thăm trang trại lan Huyền Thoại của bà Lê Thị Huyền Thoại ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Trang trại này rộng bốn ha, riêng tiền đầu tư cho mỗi ha đã lên đến bốn tỷ đồng. Tết năm nay, cả bốn ha đều sẽ cho lứa hoa đầu tiên.

Cũng tại xã An Nhơn Tây, ông Lê Văn Phi được bà con thân mật gọi kèm thêm phụ danh: Phi bò sữa. Trước, ông Phi sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Nhờ chịu thương, chịu khó, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, đến nay ông đã sở hữu đàn bò sữa 72 con. Bình quân mỗi ngày ông bán được 450 kg sữa, thu nhập khoảng năm triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng, ông thu về hơn 100 triệu đồng.

Tạo điểm nhấn cho nông nghiệp

Tính đến cuối năm 2013, TP Hồ Chí Minh có gần 700 trang trại, gần 900 cơ sở sản xuất, dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp. Mỗi năm, thành phố có hơn 135 nghìn lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trưởng phòng Kế hoạch và Ðầu tư (Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) Lê Ngọc Ðức cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng, tất yếu của TP Hồ Chí Minh. Ðến nay, Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố đã có 14 dự án đầu tư với tổng diện tích 56,8 ha, tổng vốn 450 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo, nhân giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao; công nghệ tế bào thực vật; công nghệ sinh học phân tử; xử lý nông sản sau thu hoạch bằng nhiệt; sản xuất chế phẩm sinh học. Trong năm 2013, các doanh nghiệp tại Khu nông nghiệp công nghệ cao đã cung cấp cho thị trường 14 tấn hạt giống F1 chất lượng cao các loại, 2.000 tấn thành phẩm (nấm rơm, dưa leo, dưa lưới, dưa leo thủy canh, bầu thủy canh, bí đao thủy canh...), 4.788 lít chế phẩm sinh học, 3.500 bình nấm linh chi cảnh, 27 nghìn túi meo nấm giống và 300 nghìn bịch phôi nấm với doanh thu 98 tỷ đồng (tăng 68% so với năm 2012). Với hướng đi đúng đắn này thì mục tiêu của TP Hồ Chí Minh nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân lên mức 450 triệu đồng/ha/năm vào năm 2015 và 800 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020 sẽ nằm trong tầm tay.

Ðể tương xứng với tiềm năng

Mặc dù đã đạt được khá nhiều thành tựu, nhưng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Ðua, thì thành phố vẫn phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện tại, nông nghiệp thành phố vẫn phát triển chưa thật bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ sở vật chất hiện có, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thành phố vẫn còn yếu. Chẳng hạn, nông dân các huyện ngoại thành trồng rau an toàn rất nhiều, nhưng các nhà hàng, khách sạn ở thành phố vẫn phải nhập khẩu rau từ nước ngoài về. Hay như việc dạy nghề cho người lao động, nhiều địa phương còn làm hời hợt, dạy những nghề thời thượng nhưng không hợp với nhu cầu, khả năng của người nông dân...

Ðồng quan điểm trên, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một doanh nhân Việt kiều ở Ca-na-đa, nhận định rằng: Sản xuất rau quả, thực phẩm công nghệ cao là hướng đi tích cực của thành phố nhằm khai thác lợi thế tài nguyên đất đai, nhân lực dồi dào để tạo ra khối lượng lớn hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thành phố cần lựa chọn các bước đi phù hợp về đối tượng cây trồng, công nghệ áp dụng, quy mô và khả năng đầu tư, đầu ra của sản phẩm và nhất là phải phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng, dân trí.

Ðể nâng cao hiệu quả hướng đi này, theo kiến trúc sư Thái, Nhà nước nên bớt tham gia vào những việc chi tiết, mà nên tập trung vào xây dựng cơ sở pháp lý cho thị trường, đất đai, từ đó người dân sẽ tự quyết định trồng gì và nuôi gì. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đàm phán những Hiệp định quốc tế, làm quy hoạch, các dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn công tác.

Hồng Lâm và Tùng Quang

Các tin mới:

13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014
13/1/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang