• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Giảm lúa tìm sinh kế mới

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 24/06/2014
Ngày cập nhật: 25/6/2014

Câu chuyện tìm đầu ra cho hạt gạo đang chồng chất khó khăn. Mà nóng nhất là nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa Hè thu sớm trong buồn bã khi giá lúa rớt thê thảm. Đã đến lúc nhìn lại những cái lợi, cái hại của quá trình sản xuất lúa 3 vụ/năm. Ngoài sản xuất 1,5-1,7 triệu ha lúa Đông xuân, Hè thu, ĐBSCL đã gia tăng lúa vụ (Thu đông) từ 200.000ha lên gần 600.000ha trong vài năm trở lại đây đã tạo ra những hệ lụy nhãn tiền. Tìm một giải pháp giữ cân bằng sinh thái gắn với an sinh đang là vấn đề cấp bách của ĐBSCL.

Càng làm, càng khó !

“Tôi là người có công nhưng cũng có tội, có khuyết điểm gây ra nhiều chuyện. Khi còn đương chức, thầy Xuân (GS-TS Võ Tòng Xuân) có hỏi tui làm chi 3 vụ lúa/năm? Tôi hỏi lại không làm thì nông dân làm gì? Cứ nghĩ gắng làm lúa vụ 3, giải quyết việc làm cho nông dân mong khó khăn sẽ qua… Nhưng khó khăn cứ chồng chất, càng làm thì càng nghèo, bây giờ chúng ta phải sửa” - ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ. Có lẽ đây là “hệ lụy” của việc chạy theo gia tăng sản xuất lương thực để “lấy thành tích” của một địa phương.

Cần giảm trồng lúa để tăng sinh kế bằng các giải pháp khác.

“Làm lúa vụ 3 là không hiệu quả nhưng phải đánh đổi rất lớn. Xuống gặp nông dân, họ nói: Mấy thầy nói tôi cũng không tin lắm!? Có thể nói, việc sản xuất lúa vụ 3, phải tăng chi phí do nông dân bón thừa phân bón, gây ô nhiễm môi trường” - tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) chỉ ra những tác hại của làm lúa vụ 3. Câu nhận xét: “Mấy thầy nói tôi cũng không tin lắm” có lẽ bắt nguồn từ các diễn giả là nhà khoa học xuất hiện trên truyền hình để tuyên truyền kèm theo quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Cách đây vài năm, một điều tra ngẫu nhiên đã phát hiện nông dân sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn nông dân bên ngoài. Kết quả này, không thể làm người ta liên tưởng đến cách “vội bơm thuốc” của các doanh nghiệp BVTV tham gia vào cánh đồng lớn! Thời điểm đó, Cục BVTV, đã có văn bản cấm cán bộ, chuyên gia ngành mình tham gia các chương trình tư vấn trên báo chí, phát thanh, truyền hình... liên quan đến quảng cáo thuốc của các doanh nghiệp thuốc BVTV. Lão nông Cao Văn Lù, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tâm sự: Làm lúa tăng năng suất, tăng vụ, khi thu hoạch trúng mừng, nhưng giá lúa cứ bấp bênh, lợi nhuận teo tóp buồn. Giờ tôi 65 tuổi thấy tiếc cho môi trường đồng ruộng. Khi xưa, đi ruộng khát, lấy cái nón lá vẹt lung năn múc nước uống trong veo thiệt đã! Giờ thì nước từ ruộng, kênh, sông đều đục ngầu. Ngay nước của cây nước ở xã cung cấp cũng không biết chắc có là nước sạch không !?

“Làm lúa 3 vụ, có lợi trước mắt, sau đó có hại. Nói chung là chúng ta “tự nguyện uống thuốc độc để chết từ từ” - ông Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ví von một cách chua xót cho hệ lụy của việc sản xuất lúa vụ 3 gắn với tình trạng lạm dụng thuốc BVTV của nông dân hiện nay!

Xả lũ, bao giờ ?

Một chuyên gia nước ngoài khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL nên nhìn nhận lại quá trình sản xuất lúa, gạo trong hai thập niên qua ai thắng, ai thua và những được mất của tài nguyên môi trường. Dễ thấy nhất, tác hại của việc làm lúa vụ 3 là nguồn tài nguyên thủy sản cạn kiệt. Khi lượng cá tự nhiên cạn kiệt tác động đến sinh kế của nhiều người sống bằng nghề khai thác thủy sản. “Ngày xưa cá thát lát lưỡi mèo, cá chốt dân bắt được chẳng ai ăn, thả chúng lại sông. Giờ kiếm những thứ đó trong tự nhiên cũng hiếm” - lão nông Cao Văn Lù, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tiếc nuối.

Đây là hậu quả nhãn tiền của việc sản xuất lúa vụ 3. Có thể nói việc gia tăng lúa vụ 3 nhanh trong vài năm gần đây là kết quả của việc các địa phương kiên cố hóa các hệ thống đê bao. Xuất phát từ việc lũ sớm thường chụp đồng gây thiệt hại nặng cho nông dân trồng lúa, các địa phương đã nỗ lực xây dựng kiên cố hóa đê bao để bảo vệ diện tích lúa Hè thu. Tuy nhiên, sau khi kiên cố hóa, nhiều địa phương đã lạm dụng sản xuất lúa vụ 3, không thực hiện đúng cam kết sản xuất 3 năm/8 vụ phải xả lũ. Theo các nhà khoa học, nếu các vùng đê bao kiên cố ngưng sản xuất lúa vụ 3, xả lũ thì hàng ngàn tấn phân bón hóa học trên đồng ruộng sẽ được gột rửa, trả lại độ phì nhiêu đất ruộng. Theo ông Bảy Nhị, người dân ĐBSCL cần học cách người Campuchia không đánh bắt thủy sản trong mùa cá sinh sản.

Có thể nói, xưa nay Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là hai túi chứa nước. Đây là nơi điều hòa dòng chảy, cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng đê bao kiên cố đã làm mất tính năng điều hòa hệ thống lũ, đẩy “bịch nước” về vùng hạ lưu. Mà hậu quả là các vùng hạ lưu như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang liên miên chịu ngập nặng trong những năm gần đây.

“Cái khó của An Giang hiện nay khi xả lũ ở vùng đê bao kiên cố sẽ xử lý ra sao khi người dân đã làm vườn, xây dựng nhà, chuồng trại… trong đó. Nhưng nếu tiếp tục làm và tăng lúa vụ 3, chuyện nước lũ “thổi bay” mấy cù lao ra biển cũng phải nghĩ đến!” - ông Bảy Nhị nhận định. Việc xây dựng đê bao kiên cố gắn liền với tăng vụ lúa trong năm đã tạo ra những hệ lụy. Trong đó, nguy cơ mai một đa dạng sinh học là rất cao. “Hiện nay, quy hoạch của các địa phương đi ngược: quy hoạch kinh tế đi trước, quy hoạch đa dạng sinh học đi sau, thậm chí nhiều địa phương chưa thực hiện” - tiến sĩ Dương Văn Ni, nhà nghiên cứu về đất nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học nhận định.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân: “Cần phải tính toán chỉ sản xuất 2 vụ, thậm chí 1 vụ (thay vì 3 vụ/năm như hiện nay). Chúng ta đừng ngó lơ vấn đề khí thải do nông nghiệp thải ra. Phải thuyết phục chính nông dân và chính quyền địa phương nhận ra vấn đề. Làm lúa ít đi, đồng thời tăng cường sinh kế bằng các giải pháp khác để tăng thu nhập thêm cho nông dân”. Đó cũng là vấn đề mà ĐBSCL phải tìm cách giải quyết cấp bách.

CAO PHONG

Các tin mới:

25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014
25/6/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang