• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Canh tác trên vùng đất phèn

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 09/05/2014
Ngày cập nhật: 10/5/2014

Nhờ cần cù, sáng tạo trong sản xuất và biết lựa chọn cây trồng phù hợp mà nhiều nông dân sống ở vùng đất phèn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn có được cuộc sống và nguồn thu nhập ổn định.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện diện tích đất nhiễm phèn trên địa bàn tỉnh khoảng 67.763ha, chiếm 42,29% diện tích đất tự nhiên, tập trung ở các địa phương như: huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, TP.Vị Thanh và rải rác một phần diện tích ở huyện Châu Thành A và TX.Ngã Bảy. Do đất bị nhiễm phèn nên nông dân thường chọn trồng một số loại cây thích nghi như khóm, mía, lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, để góp phần đa dạng sản phẩm, nâng cao nguồn thu nhập, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, sáng tạo trong sản xuất, từ đó đã giúp cho không ít bà con từ hộ nghèo nay vươn lên khá giàu ngay trên vùng đất chua phèn của mình.

Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm của ông Bình là một trong nhiều mô hình tiêu biểu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp của nông dân vùng đất phèn.

Mô hình trồng và nhân giống mãng cầu xiêm của ông Trần Bửu Hoàng, nông dân ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ là một điển hình. Xã Tân Phú được biết đến với điều kiện thổ nhưỡng đất bị nhiễm phèn nên cây trồng ở đây thường không cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế thấp, từ đó nông dân thường để đất trống hoặc chỉ trồng chuối và cây tạp. Không cam chịu số phận, ông Hoàng đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất những mô hình làm ăn có hiệu quả ở nhiều nơi và cuối cùng ông quyết định chọn cây mãng cầu xiêm là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình.

Ông Hoàng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống dựa vào 4 công ruộng và chăn nuôi heo. Nhưng thu nhập từ ruộng không bao nhiêu, do năng suất thấp, giá cả bấp bênh, trong khi các con đang trong tuổi ăn tuổi học nên cuộc sống luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Thế là suy nghĩ chuyển từ đất lúa sang trồng mãng cầu xiêm được thực hiện”.

Dẫu biết rằng cây mãng cầu xiêm không thích hợp với vùng đất phèn, nhưng với sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước, ông Hoàng đã bắt đầu ghép thành công mãng cầu trên gốc bình bát, do cây bình bát chịu phèn rất tốt, đồng thời kết hợp cải tạo đất bằng cách bón phân hữu cơ từ rơm ủ với phân vịt và nấm Tricoderma.

Thông thường mãng cầu thu hoạch từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 2 hàng năm là kết thúc. Tuy nhiên, qua học hỏi và kinh nghiệm từ việc đào xới đất, tưới vôi bột diệt khuẩn đến khâu ghép cành, thụ phấn nên ông Hoàng có thể cho trái theo ý muốn, từ đó mãng cầu xiêm của ông cho trái quanh năm. Với 264 gốc mãng cầu xiêm được trồng trên 4 công đất, hàng năm gia đình ông có nguồn thu nhập 264 triệu đồng. Không những thế, khi có thu nhập ổn định, ông Hoàng còn tranh thủ chiết cây giống bán cho bà con lân cận, có khi bán qua các tỉnh bạn như: Sóc Trăng, Đồng Tháp,…

Ông Hoàng cho biết thêm: “Gần 3 năm nay, từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm, nguồn thu nhập được cải thiện đáng kể, gia đình đã khá lên rất nhiều. Qua đây cho thấy, việc lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai địa phương, nhạy bén trong sản xuất sẽ nâng cao năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình”.

Còn ông Dương Thanh Bình, ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, với mô hình trồng tiêu dưới tán tràm cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Bình tâm sự: “Nơi đây là vùng đất phèn nên bà con chủ yếu trồng khóm, mía hoặc làm lúa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá cả các mặt hàng này rất bấp bênh, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Do đó, để tạo bước đột phá mới trong việc chuyển đổi cây trồng, tôi đã chủ động đi tham quan, tiếp cận các mô hình làm ăn mới và nhận thấy cây tiêu là cây trồng có nhiều triển vọng tại vùng đất này nên đã đem về canh tác và thực sự đang mang lại hiệu quả cao”.

Với những kiến thức được chia sẻ từ việc tham quan mô hình trồng tiêu ở tỉnh Kiên Giang vào năm 2005, ông Bình bắt đầu trồng thử nghiệm 1 gốc tiêu dưới tán tràm, sau một năm thấy tiêu phát triển tốt và bắt đầu cho trái nên rất phấn khởi. Từ 1 gốc tiêu ban đầu, nay vườn tiêu của ông được mở rộng lên 1.000 gốc xen lẫn dưới tán tràm, trong đó có 63 gốc được 4 năm tuổi đã cho trái với năng suất khá cao, trung bình mỗi gốc cho 1,5kg tiêu khô/năm, giá bán từ 150.000-160.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng.

Nói về kỹ thuật trồng tiêu đạt hiệu quả, ông Bình chia sẻ: Do đất phèn nên trước khi trồng bà con cần sử dụng 50kg vôi bột rải trên 1.000m2 mặt liếp (rải 2 đợt/năm vào đầu mùa mưa để hạ phèn), sau 7 ngày trồng thì sử dụng phân chuồng để bón lót với liều lượng 5-7kg/1 gốc tiêu. Liều lượng bón sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, màu mỡ cho đất giúp tiêu phát triển tốt…

Ngoài 2 mô hình tiêu biểu trên, còn có thể kể đến một số mô hình khác như: mô hình canh tác quýt hồng của ông Nguyễn Minh Sang, ở ấp 3A, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh; mô hình trồng quýt đường của ông Trần Minh Đông, ở ấp Phương Bình, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp; mô hình trồng cam xoàn của ông Dương Văn Do, ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A;… Tất cả những mô hình trên đều xuất phát từ sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những nông dân năng động dám nghĩ, dám làm.

Đây thật sự là những mô hình làm ăn mới cần được các ngành có liên quan nghiên cứu và nhân rộng ở từng khu vực phù hợp, nhằm góp phần giúp cho nông dân có định hướng trong phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững, nhất là những bà con sống ở vùng đất không mấy thuận lợi, quanh năm chịu ảnh hưởng chua phèn…

HỮU PHƯỚC

Các tin mới:

10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014
10/5/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang