• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khát vọng làm giàu trên đất khó

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị, 24/03/2014
Ngày cập nhật: 25/3/2014

Sinh ra trên vùng đất cát trắng bời bời, quanh năm khốn khó nên đời sống của đại bộ phận người dân thôn Trường Thọ, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn hết sức khó khăn. Những năm gần đây, việc phát triển kinh tế theo hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã từng bước tác động đến ý thức của người dân nơi đây. Nhiều gia đình tại địa phương đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế với khát vọng chinh phục đất khó, mở hướng làm giàu.

“Không ai chọn cho mình được nơi sinh ra, bởi vậy dù khó khăn đến đâu nhưng khi đã nguyện cố gắng gắn bó với đất quê nhà đều phải biết khắc phục mọi khó khăn để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình. Tôi cũng vậy, đã có lúc vét đến hạt gạo cuối cùng, có lúc định bỏ xứ đi nơi khác cho bớt khổ nhưng rồi vẫn quyết tâm ở lại với quê…”, ông Nguyễn Kè, 55 tuổi, chủ nhân của khu trang trại tổng hợp trồng cao su- sắn- chăn nuôi lợn, gà trên vùng đồi hoang Tả Vệ, thôn Trường Thọ, mở đầu câu chuyện. Trước đó, để đến được với vùng đồi nơi có trang trại của ông Kè, chúng tôi đã vòng vèo vượt qua nhiều trảng cát nắng chang chang, đường đá sỏi gập ghềnh.

Vườn xoài của gia đình ông Trương Thanh

Ông Kè cho biết, ông lên khai hoang lập nghiệp ở khu vực đồi hoang Tả Vệ này ngót nghét nửa đời người. “Hồi đó vùng đất này hầu như chẳng ai đặt chân đến vì đất quá xấu lại xa khu dân cư. Lúc mới lên khai hoang, vợ chồng tôi đã phải bỏ hàng năm trời đánh vật với đất đai, đối mặt với không biết bao nhiêu đạn bom còn sót lại sau chiến tranh, rồi cả rắn rít, cỏ dại sim mua um tùm … Rồi khu đất hoang cũng dần được thuần hóa, có thể canh tác được hoa màu. Cái đói dần được đẩy lùi và bắt đầu nhen nhóm niềm hy vọng”, ông Kè nhớ lại.

Cuộc sống của vợ chồng và các con ông Kè cũng bình lặng trôi qua với những nương sắn, bãi ngô, vài luống lạc... Tuy không còn khó khăn như xưa nhưng cũng chưa thể giàu lên nếu chỉ chăm chăm với các loại hoa màu vì năng suất, chất lượng, giá thành không cao.

Cách đây chừng 5 năm, khi cây cao su đang dần xâm nhập vào vùng đồi huyện Hải Lăng, vợ chồng ông Kè đăng ký với huyện xin trồng cao su trên diện tích 3 ha đất tốt nhất khai hoang được. Đến nay, 3 ha cao su của gia đình ông bà đang phát triển tốt, đã sang năm thứ 3. Lúc chúng tôi đến thăm trang trại của ông cũng đúng mùa cao su thay lá.

Ông Kè mừng vui nói: “Chúng tôi biết trồng cao su là rất khó khăn, nhất là đối với người dân vùng đồi Hải Lăng vốn chưa có nhiều kinh nghiệm. Chính vì thế, ngoài việc học tập kinh nghiệm từ những người trồng cao su lâu năm ở Gio Linh, Vĩnh Linh, tôi còn thường xuyên xem tivi, tìm tòi sách báo để học cách trồng, chăm sóc. Cũng nhờ vậy mà hiện cây cao su của gia đình tôi phát triển tốt. Nhìn thấy vườn cao su tiến triển vậy nên tôi rất mừng, mong vài năm nữa sẽ đổi đời…”.

Ngoài cây cao su là “sinh kế lâu dài”, những năm gần đây, mỗi năm vợ chồng ông Kè cũng trồng được chừng 2-3 ha sắn KM 94, trồng vài sào lạc, vài chục gốc hồ tiêu, chăn nuôi vài lứa lợn với chừng 40-50 lợn thịt/lứa, hàng trăm con gà và đàn trâu bò trên chục con… Cơ ngơi của vợ chồng ông Kè ở trong vùng có thể xem là khá thành công, được nhiều người thán phục và học hỏi.

“Hiện tại, những cây trồng, con nuôi khác nhau mang lại thu nhập sau khi trừ chi phí cũng chỉ được khoảng 100 triệu đồng thôi. Cây cao su mới là niềm hy vọng, giờ cứ lấy ngắn nuôi dài cái đã. Mong rằng vài năm nữa, khi cây cao su cho khai thác thì thu nhập sẽ khá và ổn định hơn”, ông Kè chỉ tay ra vườn cao su phấn khởi mong ước.

Chia tay trang trại của ông Kè, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Trương Thanh, 58 tuổi ở cùng thôn. Gia đình ông Thanh trước đây cũng chỉ canh tác lạc và sắn. Khoảng 3 năm nay, qua xem tivi, đọc sách báo ông biết được giống xoài tượng miền Nam cho năng suất, hiệu quả cao lại có thể phù hợp với chân đất ở quê mình. Thế là ông lặn lội vào Nam nhờ người quen mua trên 200 gốc xoài về trồng trong khu vườn rộng khoảng 1 ha của gia đình.

“Giống xoài này cũng dễ trồng, lại nhanh cho quả, quả to và ngọt. Tôi mới trồng được 2 năm mà đã ra quả bói, cũng sai quả lắm. Vụ vừa rồi tôi chỉ mới thu hoạch bói mà cũng đã được gần 1 tấn. Qua khảo sát, tìm hiểu thị trường, tôi thấy ở Quảng Trị chưa ai trồng được loại xoài này. Hầu như xoài của gia đình tôi bỏ tại các chợ đều được tiểu thương đánh giá cao, giá năm 2013 đã trên 10.000 đồng/kg. Nếu xoài đã cho quả vụ chính thức thì 1 ha này chắc chắn thu được phải 5-7 tấn là ít”, ông Thanh vui vẻ cho biết.

Vườn xoài của ông trồng tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật, cứ cây cách cây khoảng 6 m theo chiều ngang dọc, chăm bón định kỳ. Vì trồng thoáng như vậy nên cây phát triển đều, nhanh. Tận dụng khoảng đất trống dưới gốc xoài, ông Thanh còn canh tác thêm lạc.

Ông Thanh cho biết: “Trồng lạc không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng, cải tạo đất rất tốt. Thời gian tới, nếu giá xoài ổn định, đầu ra thuận lợi thì tôi sẽ mở rộng diện tích cây xoài để nâng cao thu nhập”. Không chỉ canh tác lạc, trồng xoài, hiện gia đình ông cũng là một trong số ít những gia đình ở thôn Trường Thọ sở hữu đàn trâu bò lên đến hơn 30 con.

“Cũng nhờ tìm hướng trồng trọt, chăn nuôi thêm mà kinh tế của bà con chúng tôi đỡ hơn chứ trước đây khổ lắm vì đất đai cằn cỗi. Giờ bà con chỉ mong ước được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng thêm đường sá cho thôn để làm ăn, mua bán thuận lợi hơn. Dù thế nào chúng tôi cũng sẽ bám quê tìm hướng làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cháu nên người, chỉ mong sao trời thương cho sức khỏe thì việc gì cũng làm nên”, ông Kè, ông Thanh cùng một số bà con mà chúng tôi gặp ở thôn nghèo Trường Thọ tâm sự.

ĐỨC VIỆT

Các tin mới:

25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014
25/3/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang