• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để sống bền vững với cát

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị, 20/03/2014
Ngày cập nhật: 21/3/2014

“Để sống lâu dài, bền vững với cát trắng bạc màu thì không còn cách nào khác ngoài việc tìm những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp... Thực tế, người dân xã Triệu Vân (Triệu Phong, Quảng Trị) đã tìm ra “chìa khóa” làm giàu từ những trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt với quy mô lớn và đưa vào trồng đại trà các giống cây trồng như mướp đắng, ném, kiệu, cà trắng, đậu đỏ, đậu đen... trên cát hoang hóa. Nhiều hộ gia đình có nguồn thu tiền tỷ mỗi năm từ cát bây giờ không còn là chuyện hiếm trên địa bàn xã Triệu Vân”, anh Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân hồ hởi khoe như vậy khi tôi vừa đặt chân đến trụ sở UBND xã.

Như để chứng minh cho những lời mình nói, anh Hồ Xuân Đức dẫn tôi đến thăm mô hình trồng mướp đắng xen ném, kiệu của gia đình anh Hồ Hồng Hạnh (thôn 9, xã Triệu Vân). Bên giàn mướp lúc lỉu quả, anh đang thoăn thoắt xếp từng trái mướp vừa hái trên giàn xuống bỏ vào chiếc sọt để sáng mai vợ anh mang ra chợ bán. Anh Hạnh cho biết, trước đây với 3 sào đất cát trắng bạc màu, gia đình anh chẳng biết làm gì ngoài trồng khoai lang cho hiệu quả kinh tế thấp. Khoảng 6 năm trở lại đây, anh đầu tư hệ thống cọc bê tông (cao khoảng 1,5 m), lưới để làm giàn mướp trên toàn bộ diện tích đất hiện có của gia đình.

Chăm sóc giàn mướp đắng trong trang trại trên cát

“Trồng mướp đắng trên cát, phải có kỹ thuật bón phân, cách chăm sóc riêng biệt thì cây mới phát triển tốt, cho năng suất cao. Ví như, khi mới trồng cây xuống khoảng 1 tháng, bộ rễ của cây chưa lan tỏa xa thì bón phân chuồng được ủ hoai cách thân cây khoảng 10 cm và cứ cây càng lên cao thì bón phân càng cách xa gốc cây hơn. Khi cây đã phủ giàn, chú ý tỉa bớt nhánh cây chỉ để lại vài nhánh chính để cây không “ham tốt” mà cho ít quả. Đặc biệt là không trồng cây với mật độ dày thì mới tốt cho cây. Lúc cây còn nhỏ, để tận dụng quỹ đất, gia đình tôi trồng xen thêm ném, kiệu dưới giàn mướp. Cũng nhờ trồng mướp đắng xen ném, kiệu trên cát mà gia đình tôi có đời sống khá hơn trước. Mỗi vụ mướp đắng (kéo dài từ trước Tết Nguyên đán cho đến khoảng tháng 5 năm sau), sau khi trừ chi phí, công chăm sóc, gia đình tôi cũng có thu nhập 40 - 50 triệu đồng trên mấy sào cát bạc màu. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi thêm 17 con lợn thịt, 2 con lợn nái nuôi luân phiên. Hiện tại, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng”, anh Hồ Hồng Hạnh phấn khởi cho biết.

Ghé thăm trang trại anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn 9, xã Triệu Vân), tôi được anh dẫn đi một vòng tham quan trang trại có quy mô bề thế trên cát trắng. Trước đây, anh Tuấn làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng cho thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 2011, vợ chồng anh bàn nhau ra vùng cát đầu tư xây dựng trang trại trên diện tích 3,2 ha cát bạc màu.

Với số vốn 100 triệu đồng tích cóp được, anh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, đào hồ nuôi cá, đúc cọc bê tông để trồng mướp đắng xung quanh hồ nuôi cá. Với hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng quy mô, anh thả nuôi 1.000 con lợn thịt (mỗi năm nuôi 3 vụ); 15 con lợn nái; thả hàng nghìn con cá giống trên diện tích 0,5 ha ao nuôi cá; trồng 2 ha tràm hoa vàng... Bên cạnh đó, anh tận dụng khuôn viên xung quanh trang trại để nuôi hàng nghìn con gà, vịt.

Sở dĩ anh chọn lợn là đối tượng nuôi chính của trang trại là vì trước đó, gia đình anh đã từng có nhiều năm nuôi lợn với quy mô nhỏ. Và muốn chăn nuôi lợn có lãi thì yếu tố đầu tiên phải tính đến là nguồn thức ăn cho lợn đảm bảo tăng trọng nhanh nhưng chi phí bỏ ra ít. Để giảm chi phí, anh tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự túc trong trang trại kết hợp với thức ăn chăn nuôi thông thường. Rồi khâu phòng trừ dịch bệnh, khử trùng, làm sạch trang trại luôn được anh chú trọng thực hiện... Hiện nay, tổng thu nhập mỗi năm của trang trại gia đình anh khoảng 3 - 4 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, cho lãi ròng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Ngưỡng, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết thêm, Triệu Vân là vùng biển bãi ngang có 3 thôn là thôn 9, thôn 8, thôn 7, diện tích đất tự nhiên 1.099 ha cát trắng bạc màu, trong đó đất lâm nghiệp 415 ha; đất trồng cây hàng năm 390 ha (bao gồm đất trồng lúa 100 ha); đất trồng các loại hoa màu 47 ha; đất dùng để nuôi trồng thủy sản 55,5 ha... Những năm trước đây, đời sống người dân xã Triệu Vân gặp rất nhiều khó khăn bởi vùng biển bãi ngang thường xuyên bị mất mùa, còn trồng khoai lang, rau màu thì hiệu quả thấp...

Mấy năm trở lại đây, với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền, nhiều hộ dân của xã Triệu Vân đã tìm cách đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù vùng cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng mướp đắng xen ném, kiệu, trồng đậu đỏ, đậu đen, cà trắng..., đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô hàng trăm con kết hợp nuôi gà, vịt, đào hồ nuôi cá.

Hiện tại, trên địa bàn xã có 15 trang trại nuôi lợn, gà, vịt quy mô lớn với thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như trang trại hộ ông Nguyễn Văn Lý ở thôn Sinh Thái, với tổng diện tích 6,5 ha, trong đó 2 ha trồng tràm hoa vàng; 3,5 ha đào ao nuôi cá; 1 ha xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt... trồng hoa màu như mướp đắng, ném, kiệu, mỗi năm có tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng và lãi ròng 459 triệu đồng; hộ bà Bùi Thị Oanh cũng ở thôn Sinh Thái, với tổng diện tích 5,4 ha trong đó 1,4 ha trồng tràm hoa vàng; 3,5 ha đào ao nuôi cá; 0,5 ha đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt với tổng thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng, lãi ròng 264 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Văn Chung ở thôn 9, với tổng diện tích 1,5 ha, được đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt cho tổng thu nhập hàng năm 400 triệu đồng, lãi ròng 100 triệu đồng/năm... Ngoài ra, xã Triệu Vân còn có 79 hộ chuyên nuôi cá nước ngọt trên diện tích gần 37 ha với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm...

“Bây giờ làm giàu trên cát bạc màu không còn là vấn đề nan giải như những năm trước đây. Người dân xã Triệu Vân với sự hỗ trợ, định hướng, khuyến khích tích cực của chính quyền địa phương, đã chủ động tìm cho mình hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững trên chính vùng cát bạc màu từng một thời nạn cát bay, cát lấp hoành hành”, đó là tâm sự chân thành của anh Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân khi tôi chia tay anh.

HOÀNG TIẾN SỸ

Các tin mới:

21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014
21/3/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang