• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp Việt Nam trước vận hội mới

Nguồn tin:  VGP, 02/01/2014
Ngày cập nhật: 4/1/2014

Sau 7 năm tham gia WTO, câu chuyện hội nhập của nông nghiệp Việt Nam hôm nay ở vị thế khác, với những cơ hội mới, thách thức mới trong hoàn cảnh mới của thế kỷ 21.

Trụ đỡ của nền kinh tế

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp (ISPARD) cho rằng, nông nghiệp là vấn đề được nhiều quan tâm, lo lắng nhất khi Việt Nam “đặt chân” vào WTO. Vì đàm phán cho nông nghiệp và thực hiện các cam kết trong nông nghiệp là khó khăn nhất.

Nhưng nông nghiệp không bị suy yếu, mà tiếp tục vươn lên trở thành ngành kinh tế vững chắc của đất nước.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đỉnh cao là năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 27,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2006 (đạt 10,6 tỷ USD).

Thông qua mở rộng thị trường quốc tế và khu vực, các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam đã dần dần chinh phục và chiếm lĩnh thị trường thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho đất nước. Việt Nam trở thành quốc gia có vị thế lớn trên thị trường thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản luôn xuất siêu và ngày càng tăng, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, góp phần cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.

Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và bình đẳng trên thị trường quốc tế, khu vực với vị thế khác. Hiện tại Việt Nam đang triển khai 8 Hiệp định tự do thương mại (FTA) khu vực và song phương và đang tiến hành đàm phán 6 FTA khác.

“Sau 7 năm tham gia WTO, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học từ hội nhập. Câu chuyện hội nhập của nông nghiệp Việt Nam hôm nay ở vị thế khác, với những cơ hội mới, thách thức mới trong hoàn cảnh mới của thế kỷ 21”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Sân chơi sẽ khốc liệt hơn

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chuyên gia tư vấn hội nhập của Chính phủ, tin rằng Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số hiệp định khác sẽ sớm được thông qua. Điều đó cho thấy, nông nghiệp Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức thật sự từ các cường quốc nông nghiệp trong hợp tác các khu vực tự do thương mại đang ngày càng mở rộng.

Với nông dân Việt Nam, việc mở rộng thương mại quốc tế tạo ra cơ hội mới, thêm việc làm, tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo. Nhưng họ phải từng bước làm quen với thị trường cạnh tranh và chịu điều tiết từ quy luật “cung-cầu” khốc liệt của thị trường.

Ngoài ra, khi tham gia các hiệp định khu vực mậu dịch tự do song phương, khu vực và đa phương, nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ bên ngoài như một số mặt hàng yếu thế thua thiệt (mía đường, muối, sản phẩm chăn nuôi...); khả năng cạnh tranh yếu (cà phê, chè, thủy sản...); hàng rào kỹ thuật mới cùng với các biện pháp bảo hộ mới thông qua các công cụ phòng vệ tranh chấp thương mại liên tục được dựng lên.

Trong khi đó, thị trường trong nước phát triển chưa lành mạnh; cùng với sức ép về môi trường, cạn kiệt và suy thoái tài nguyên. Ngoài ra, còn những thách thức nội tại khác như quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, khoa học công nghệ kém phát triển, khả năng hợp tác liên kết yếu, thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Đặc biệt, chúng ta còn thiếu sự gắn kết giữa các ngành, các địa phương, quá trình triển khai chưa có sự chuẩn bị đúng mức về nội lực cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Trong một kết quả nghiên cứu mới được công bố của Bộ NNPTNT về “Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” cho thấy, nông nghiệp-nông thôn, nơi có hơn 70% của 90 triệu dân Việt Nam, chiếm khoảng 21% GDP của cả nước, lại là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Cao Đức Phát, cho rằng, việc thay đổi chính sách chưa bắt kịp những cam kết cần thực hiện. Còn thiếu vắng những hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng để thực hiện hiệu quả các cam kết trong hội nhập. Đầu tư cho nông nghiệp chưa thỏa đáng và bản thân ngành Nông nghiệp xuất phát điểm thấp nên nhìn chung khả năng cạnh tranh của nông sản của Việt Nam còn chưa cao.

Cần chuẩn bị đón cơ hội từ hội nhập

“Có thể chúng ta sẽ sản xuất ít hơn nhưng giá lại cao hơn. Quy mô nhỏ hơn nhưng chất lượng tốt hơn mới đảm bảo thắng lợi của ngành Nông nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, cần liên kết cả với các công ty xuyên quốc gia để đưa hàng hoá Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Đây là bước tiến, là thời cơ mới và thách thức mới của chúng ta ,đặc biệt khi hiệp định TPP đang đi đến hồi kết”, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng ISPARD cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai sâu rộng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đây sẽ là giải pháp quan trọng nhất, căn cơ nhất thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Chúng tôi đang kêu gọi và mở rộng các hình thức hợp tác, đầu tư trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các ngành sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách phát triển gắn kết mạng sản xuất với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng quốc tế.

Trong năm tới 2014, chúng tôi sẽ thúc đẩy chương trình ngoại giao nông nghiệp, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ và quản lý. Tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy hội nhập toàn diện. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để đáp ứng với yêu cầu thị trường, phòng chống rủi ro…”.

Về chiến lược dài hạn, Bộ NNPTNT hiện đang xây dựng dự thảo chiến lược hội nhập quốc tế ngành Nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt nhằm tối đa hóa các lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế đối với nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro đến nông dân.

Với những kinh nghiệm tự tích lũy được, những bài học đắt giá trong hội nhập trong những năm qua, “Nông nghiệp sẽ chủ động đối phó, vượt qua những thách thức mới trong quá trình hội nhập của ngày hôm nay. Tôi tin, nếu hóa giải tốt thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, chắc chắn ngành Nông nghiệp sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn trong quá trình hội nhập, thể hiện tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi điều kiện, hoàn cảnh”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Các tin mới:

4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014
4/1/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang