• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đi tìm lời giải cho sản xuất gắn với thị trường

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 13/03/2014
Ngày cập nhật: 14/3/2014

Trong khi nông dân loay hoay với tình trạng bấp bênh về giá cả và đầu ra nông sản thì hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung nhưng vẫn thiếu. Đi tìm lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản đã và đang được các ngành chức năng vào cuộc.

Cung - cầu chưa gặp nhau

“Là tài xế xe tải, tôi thường xuyên đi khắp các tỉnh, thành. Tôi nhận thấy khi vào các siêu thị là hàng nông sản của Hậu Giang ít được bày bán. Từ đó, tôi tự hỏi tại sao sản phẩm của địa phương ít xuất hiện như vậy và tại sao siêu thị tại địa phương lại đi tiêu thụ sản phẩm của những nơi khác mà không phải là của Hậu Giang?” - anh Ngô Quốc Thanh, ở xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, chia sẻ. Không khó nhận ra các sản phẩm của Hậu Giang chỉ có mặt thưa thớt ở khu thực phẩm tươi sống của hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, chủ yếu vẫn là khóm Cầu Đúc, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi,... Như vậy, việc những nông sản đặc trưng của địa phương xuất hiện thưa thớt trong kênh phân phối hiện đại do yêu cầu quá khắt khe hay do người nông dân chưa đủ lực?

Sản xuất gắn kết với nhu cầu thị trường sẽ rút ngắn được khoảng cách giữa nhà vườn và người tiêu dùng, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân.

Một thực tế hiện nay, nhiều nông sản do nông dân làm ra chưa đáp ứng quy trình sản xuất sạch, thiếu các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm thì khó đáp ứng yêu cầu khó tính của siêu thị cũng như hệ thống bán hàng hiện đại. Những tồn tại này vô hình trung là rào cản tạo khoảng cách giữa nông dân với người tiêu dùng. Sâu xa hơn, quy mô sản xuất của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ chưa có quy trình hiện đại dẫn đến kém về chất lượng lẫn số lượng. Vì vậy bên cung và bên cầu khó hòa cùng tiếng nói. Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc Co.opmart Vị Thanh, cho biết: “Đơn vị cũng thường xuyên tìm kiếm nguồn sản phẩm để đưa vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm chọn mua phải xuất trình đầy đủ giấy tờ khi cơ quan chức năng kiểm tra. Vì vậy, số nông sản tại địa phương đáp ứng đúng yêu cầu thì chưa nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với số lượng sản phẩm nông dân bán vào hệ thống chợ hiện đại ít hơn nhiều so với bán ở ngoài”.

Mặt khác, trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, người nông dân luôn chịu thiệt so với các khâu trung gian. Từ đó mới có chuyện sản phẩm tiêu thụ ngoài các chợ, siêu thị giá ngất ngưởng so với giá nông sản bán tại rẫy (hoặc tại ruộng, vườn). Đơn cử khóm Cầu Đúc hiện nay, giá thu mua tại rẫy đạt mức 4.500-4.800 đồng/trái (loại 1kg) nhưng bán tại chợ, siêu thị lại cao gấp đôi. Như vậy, tính ra cứ 1 tấn khóm người trồng đã thất thoát hơn 4,5 triệu đồng. Nếu tính tổng sản lượng khóm của Hậu Giang ước đạt gần 19.000 tấn/năm, thì tổng thất thoát lên đến hàng chục tỉ đồng (đó là chưa khấu trừ chi phí đầu vào).

Cũng có nông dân tự mang nông sản đi tiêu thụ nhưng vất vả hơn. Vì thế, các hộ trồng trọt nhỏ lẻ nếu không tham gia được mạng lưới cung cấp sẽ rất khó lọt vào hệ thống phân phối hiện đại, chỉ còn cách bán cho thương lái mà thôi.

Để nông sản tiến gần hơn với thị trường

Đây là câu chuyện được nhiều ngành chức năng quan tâm nhưng tìm đầu ra cho nông sản không dừng lại ở vấn đề đơn giản là chuyện tiêu thụ. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Những năm gần đây, hàng hóa nông sản của Hậu Giang đã từng bước khẳng định được giá trị, tuy nhiên vẫn còn ở “thế yếu” khi cạnh tranh với thị trường. Nói như vậy có nghĩa là người nông dân cần phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của nhà phân phối. Cần thiết nên áp dụng các quy trình như GlobalGAP, VietGAP,… vào sản xuất nông sản. Bên cạnh đó, ngành chức năng phải là đơn vị giúp nông dân gắn kết với doanh nghiệp. Hay nói đúng hơn sản xuất phải theo đơn đặt hàng. Việc trước mắt, ngành công thương xác định là đưa nông sản vào được các hệ thống phân phối lớn như siêu thị, chợ đầu mối…”.

Theo ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc Co.opmart Vị Thanh: “Để hàng nông sản vào được siêu thị thì nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt và phải có đủ các loại giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh, chất lượng. Vì vậy, thời gian vừa qua, mặc dù đơn vị có nhu cầu nhưng một số sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được”.

Ông Vu Suổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thạnh Thắng, ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh), cho biết: “Tạo sự đa dạng cho lối ra sản phẩm là nhân tố quan trọng để đơn vị nhân rộng diện tích trồng khóm, đồng thời đảm bảo đầu ra cho hàng hóa nông sản. Hiện, khóm Cầu Đúc của HTX có 3 kênh phân phối chính là thương lái mua trực tiếp tại ruộng, ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp tiêu thụ và liên kết với chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Như vậy, để có thị trường cho sản phẩm ngoài việc người nông dân phải đảm bảo yêu cầu về sự an toàn, chất lượng sản phẩm, còn đòi hỏi phải tạo mối quan hệ bền vững với nhà phân phối cũng như đáp ứng xu hướng tiêu dùng tất yếu của người dân.

KIM ĐIỀU

Các tin mới:

14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014
14/3/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang