• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thạnh Trị (Bến Tre): Nước ngọt làm đa dạng kinh tế

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi, 09/03/2014
Ngày cập nhật: 12/3/2014

Dù là mùa khô nhưng vườn của ông Nguyễn Văn Lộ (ấp 3, xã Thạnh Trị) chuối vẫn xanh tốt, bưởi cho trái đều đặn.

Từ xưa, người dân xã Thạnh Trị (Bình Đại - Bến Tre) chủ yếu sống bằng nghề nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Khi 800ha đất thuộc ấp 3 và ấp 4 thành vùng ngọt hóa, kinh tế xã Thạnh Trị trở nên đa dạng hơn, giúp cho đời sống người dân ngày càng khấm khá.

Vùng ngọt hóa phá rừng, lấp ao tôm

Tại dốc cầu ngang cống đập Ba Lai, tôi gặp anh Nguyễn Văn Hải (ấp 3) đang tất bật ngoài ruộng dọn dẹp lại “chiến trường” mà vụ khổ qua đợt Tết để lại. Anh Hải cho biết: “Trước kia sinh sống bằng nghề đặt lú, đăng bãi trên sông nhưng khi nghe thông tin việc đất mình lọt vào vùng ngọt hóa, tôi đã lập tức dọn lại “đám rừng” nhà mình để chuẩn bị trồng màu. Trước kia lặn hụp dưới sông cả ngày đêm, có khi nào được nghỉ ngơi, bởi quần chưa khô thì gạo đã hết sạch rồi”. Đến nhà ông Nguyễn Văn Tiền (Bình Phú), từ xa, tôi đã nghe tiếng máyKobe múc đất ầm ầm. Ông đang lấp ao nuôi tôm biển thâm canh với diện tích gần 16.000m2 mặt nước. “Chi ra 50 triệu đồng, tôi sẽ lấp bớt lại để thành ruộng cấy lúa, trồng màu, vì thấy bà con xung quanh trồng dưa leo, khổ qua, nuôi bò… sống khỏe quá. Mình bỏ ra tiền tỷ mà cứ liên tục lỗ lã do tôm chết hoài, chắc đất ở đây không còn thích hợp để nuôi tôm nữa” - ông Tiền nói.

Câu chuyện về 150 triệu đồng thu được từ vụ thanh long ruột đỏ trong năm 2013 của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy… có lẽ là tiếng vang lớn nhất ở vùng ngọt hóa này. Việc bán cả nữ trang trong lễ cưới của vợ chồng chị để đầu tư mua thêm đất, đã khiến rất nhiều người ở đây cảm phục.

Chúng tôi bắt gặp sự phân vân của ông Nguyễn Văn Lộ (ấp 3), vì 15 công đất của ông đã thành khoảnh rồi mà chưa xác định sẽ đầu tư trồng cây gì, sau khi đã thử nghiệm trong gần 3 năm qua. Phía sau vườn là đám chuối xanh tốt, vài cây bưởi da xanh đã cho trái, rau màu mỗi thứ một ít… Ông cho biết, đang thử nghiệm nên cũng chưa xác định sẽ trồng cây gì.

Theo ông Nguyễn Chí Công - cán bộ Hội Nông dân ấp Bình Phú, Dự án ngọt hóa chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khoảng 3 năm nay. Hiện bà con trồng màu để sử dụng trong gia đình, ít bán ra ngoài. Việc trồng cây vùng nước ngọt còn mới mẻ đối với bà con, nên tạm thời khuyến khích trồng dừa xen màu, đồng thời thử nghiệm với nhiều loại cây ăn quả khác.

Nhiều chương trình hỗ trợ nông dân

Người dân trong vùng ngọt hóa của xã Thạnh Trị rất phấn khởi với nghề trồng trọt, nhưng do quá mới mẻ, nông dân còn gặp nhiều khó khăn về biện pháp, kỹ thuật canh tác cũng như đầu ra cho nông sản. “Đa dạng kinh tế trên địa bàn xã với điểm nhấn ở khu vực ngọt hóa là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của chúng tôi” - ông Trần Hoàng Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định.

Xác định nhiệm vụ quan trọng ấy, trong năm 2013 và đầu 2014, chính quyền xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, huyện; Viện Cây ăn quả Miền Nam… tổ chức 30 lớp tập huấn cho bà con về kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi trồng trong vùng ngọt hóa; phối hợp với các dự án hỗ trợ nông nghiệp thí điểm nhiều mô hình như rau màu, đu đủ; nuôi cá lóc đầu nhím, cá rô đầu vuông, tôm càng xanh nước ngọt…. “Những mô hình thí điểm đó đã thu hoạch và đạt năng suất khá cao. Trên thực tế, bà con chưa mặn mà lắm với nghề mới này, bởi giá cả đầu ra quá thấp”- ông Lâm nói.

Tình hình thương mại dịch vụ hoạt động khá mạnh, với 10 doanh nghiệp và hơn 240 cơ sở thu mua, chế biến nhưng chỉ hoạt động xung quanh nghề thủy sản nước mặn, và gần đây cũng đã có một vài doanh nghiệp chuyển sang thu mua nông sản nước ngọt. “Chợ Thạnh Trị đi vào hoạt động giúp cho sự giao thương giữa các ngành nghề thuận lợi hơn; qua đó, đầu ra của nông sản sẽ phần nào được cải thiện” - ông Lâm cho biết.

Kinh tế xã Thạnh Trị hiện được quy hoạch thành 3 vùng khác nhau: mặn, ngọt và lợ, mỗi vùng có đặc thù kinh tế riêng. Thời gian vừa qua, kinh tế chủ lực là vùng mặn, lợ gặp quá nhiều khó khăn. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, do ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu nên nhiều loại dịch bệnh bùng phát, làm chết tôm hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng, nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Vụ tôm 2014, cho đến nay, bà con vẫn chưa thả giống bởi thời tiết, nhiệt độ, độ mặn… quá thất thường.

Hiện nay, có thể nói, Thạnh Trị là xã có điều kiện kinh tế đa dạng nhất trong toàn tỉnh.

MÃ PHƯƠNG

Các tin mới:

12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014
12/3/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang