• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Vua hoa lily" dưới chân Núi Bà

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 26/01/2014
Ngày cập nhật: 27/1/2014

Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 3 triệu cành hoa lily các loại, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, nhưng người đàn ông đã bước qua cái tuổi “thất thập…” này vẫn cho rằng, đây mới chỉ là thành công bước đầu… Ðó là ông nguyễn chí bảo (75 tuổi, quê Ðống Ða, Hà Nội), người đang nuôi mộng biến vùng đất dưới chân Núi Bà - Núi Lang Biang thành “vương quốc hoa lily”.

Ông Nguyễn Chí Bảo giới thiệu củ giống hoa lily được sản xuất ngay dưới chân Núi Bà (Lạc Dương, Lâm Đồng)

Từ duyên hoa…

Chưa vội đề cập đến thành công trong việc nghiên cứu, tìm ra quy trình nhân giống hoa lily, cây hoa thương phẩm cao cấp có giá trị kinh tế cao, ông Bảo vào chuyện: “Tôi là người làm khoa học, bị hoa mê hoặc, chứ không phải là một nhà làm kinh tế giỏi… Để có ngày hôm nay là cả một quá trình đầy gian truân, nhiều lúc bất lực, muốn buông xuôi nếu như không có sự chia sẻ của gia đình; sự động viên, giúp đỡ của bạn bè”.

Theo ông Bảo, việc ông “bén duyên” với cây hoa lily là cả một câu chuyện dài. Năm 1979, khi đang phụ trách Trung tâm Thực nghiệm sinh vật (trong đó có các Trung tâm Cấy mô) ở phía Nam (TP HCM), thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ông được cơ quan cử đi khảo sát, học tập các mô hình kinh tế ở các nước Pháp, Ý, Đan Mạch, Hà Lan… Đi nhiều, học được không ít điều hay, nhưng với ông ấn tượng nhất vẫn là ngành hoa thương phẩm cao cấp của Hà Lan. Tại đây, ông Bảo nghiên cứu rất kỹ mô hình trồng hoa thương phẩm cắt cành chất lượng cao, cũng như việc sản xuất giống hoa xuất khẩu, đặc biệt vẻ đẹp và giá trị kinh tế của cây hoa tulip và hoa lily làm ông mê mẩn… “So sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nhân lực lao động… Hà Lan đều thua xa Đà Lạt, bởi trong năm Vương quốc Hà Lan có một khoảng thời gian dài tuyết phủ trắng xóa, không làm được gì. Vậy mà thời điểm đó, quốc gia này mỗi năm thu về đến 13 tỷ USD từ việc xuất khẩu hoa và giống hoa” - ông Bảo bộc bạch.

Khi trở về nước, ông Bảo cho biết, ông đã đề xuất ý tưởng chọn Đà Lạt làm nơi phát triển ngành hoa thương phẩm chất lượng cao, để xuất khẩu đổi lấy ngoại tệ. Tuy nhiên, thời điểm đó kinh tế còn khó khăn, cơm còn độn bo bo thì việc trồng hoa là điều xa xỉ, thành thử ý tưởng của ông không hiện thực. Đề xuất không thành, ông bỏ ngang công việc cơ quan để về nhà lập vườn, nghiên cứu và trồng hoa. Năm 1994, biết ông là người mê hoa, ông Trần Lệ (người bạn mà ông Bảo kết thân khi còn làm ở Viện Khoa học Việt Nam), trước cũng là một công chức nhà nước (công tác tại Trung tâm Cấy mô Đà Lạt) đã rủ rê: “Thích trồng hoa thì lên núi…”. Chỉ chờ có vậy, ông vác ba lô theo ông Trần Lệ lên phố núi Đà Lạt tìm đất để phát triển hoa.

Nhờ sự giúp đỡ của ông Lệ, sau hành trình tìm đất cho cây hoa ở Lâm Hà, Đức Trọng, Tà Nung…, cuối cùng ông Bảo cũng tìm được vùng đất ngay dưới chân Núi Bà (Lạc Dương) để lập trang trại hoa.

Ông Bảo thu hoạch hoa lily ở trang trại hoa dưới chân Núi Bà

Đến… “vương quốc hoa”

Cũng theo ông Bảo, sau khi tìm được đất, năm 1996, ông là người đầu tiên nhập giống lily về trồng, nhưng thực chất là để nghiên cứu quy trình tạo giống loài hoa cao cấp này. Bởi nguồn lợi kinh tế từ cây hoa lily đã thấy rõ, nhưng muốn phát triển và tránh rơi vào “bẫy gia công” giá rẻ, đầy rủi ro (chỉ hưởng công trồng, nếu bán được) thì bắt buộc phải chủ động được giống.

Mặt khác, giá củ giống hoa lily nhập ngoại rất cao (tính theo thời giá hiện nay phải từ 15.000 - 17.000 đồng/đơn vị củ, tùy kích cỡ lớn, nhỏ). Khi nhập, ít nhất phải nhập nguyên một container (khoảng 320.000 củ giống), tính ra giá thành lên đến hơn 5 tỷ đồng/ container, nên người nông dân khổng thể nào kham nổi. Chưa kể, giống hoa này luôn được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong phòng lạnh, sau khi nhập về là phải đồng loạt xuống giống ngay, lúc chín (trổ hoa) và thu hoạch cũng đồng loạt, điều này làm thị trường dội hàng, hoa rớt giá.

Chính vì vậy, dù sau nhiều lần thất bại, năm 2005, ông Bảo vẫn tiếp tục vay mượn để nhập giống về trồng, nghiên cứu. Nhưng năm đó, một trận lốc kinh hoàng bất ngờ quét qua vùng đất dưới chân Núi Bà đã cuốn bay toàn bộ trang trại hoa, khiến ông trở thành người trắng tay. Nhưng rồi, dường như trời không muốn đẩy ông vào đường cùng, vài tháng sau trong lần tình cờ, ông phát hiện những cây hoa lily bị gió cắt ngọn, nay lại đâm chồi, khi đào lên chi chít củ bi quanh gốc. Như bắt được vàng, ông lại bắt tay vào nghiên cứu. Ông Bảo tiết lộ: “Vẫn dựa trên nguyên lý nuôi cấy mô, nhưng tôi không làm trong môi trường phòng thí nghiệm (invitro), mà chỉ tạo củ bằng phương pháp mô sẹo”. Hai năm sau, kết quả lứa củ giống đầu tiên đã nẩy mầm và cho hoa chất lượng không thua kém gì củ giống nhập ngoại.

Giải quyết xong bài toán chủ động về giống, nhưng khi chuẩn bị đi vào sản xuất đại trà, thì lại gặp phải các loại bệnh như thối rễ, lở cổ rễ, tuyến trùng ăn rễ; bệnh héo lá, kim châm, loét nụ… thế là ông lại bắt tay vào nghiên cứu, tìm phương pháp xử lý các mầm bệnh cho cây lily.

Ông Bảo thổ lộ, sau những tháng ngày gian truân, đến năm 2010, ông đã có trong tay một “tập đoàn” lên đến 10 giống lily. Mỗi năm sản xuất được khoảng trên 3 triệu củ giống các loại, giá thành chỉ từ 1.000 - 1.500 đồng/củ giống, đồng nghĩa ông có 3 triệu cành lily thương phẩm/năm. Tuy chất lượng hoa không thể sánh ngang với hoa lily giống nhập ngoại, nhưng bù lại nhờ chủ động được giống, giá thành rẻ, mỗi cành hoa ông cung cấp cho thị trường chỉ từ 5.000 - 20.000 đồng (tùy theo loại từ 1 đến 6 tai), và có hoa bán quanh năm. Doanh thu mang lại từ hoa lily cho gia đình ông trong năm 2012 là 8 tỷ đồng, và năm 2013 là 10 tỷ đồng. Nhưng theo ông Bảo, con số này vẫn chưa nói lên được điều gì, bởi giờ nếu có vốn đủ mạnh, mỗi năm ông sẽ sản xuất ít nhất là 20 triệu củ giống, lúc đó vùng đất dưới chân Núi Bà này sẽ trở thành “Vương quốc hoa lily” là trong tầm tay.

Ông Bảo cho biết, bước đầu đã thành công trong việc tìm ra nguyên lý kích thích cho củ giống lily tự nẩy mầm ngay dưới đất mà không cần cho ngủ đông trong phòng lạnh. Điều này không chỉ giảm giá thành về củ giống mà còn rút ngắn được 1/3 thời gian so với phương pháp tạo giống bằng mô sẹo, và có thể nhân giống hàng loạt với số lượng lớn.

THỤY TRANG

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
27/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
25/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang