• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kho tàng cây thuốc - quà tặng của rừng

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 24/01/2014
Ngày cập nhật: 27/1/2014

866 loài cây thuốc gồm 6 ngành, 93 bộ và 151 họ thực vật hiện có trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đây không chỉ là tin vui, mà còn khá bất ngờ đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và ngành dược liệu…

Cây rít.

Cuối năm 2013, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) tổ chức đánh giá thực trạng và tiềm năng cây thuốc ở rừng thuộc Khu bảo tồn. Cuộc hội thảo này nhằm làm tiền đề để lập đề án “Xây dựng Vườn quốc gia bảo tồn và phát triển cây thuốc Đông Nam bộ”.

* Nhìn đâu cũng thấy cây thuốc

Dẫn chúng tôi băng qua những cánh rừng ở khu bảo tồn, Giám đốc Trung tâm sinh thái - văn hóa lịch sử Chiến khu Đ Nguyễn Văn Hiệp tỏ ra khá rành rẽ về các loài cây đã được xác định có thể trị bệnh. Theo ông Hiệp, chỉ tính riêng số cây dùng làm thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc ít người đã có tới hàng chục bài thuốc. Chẳng hạn, củ mướp gai, cây chó đẻ, thân cây đỗ trọng, rễ và quả chóc gai, vỏ cây ké hoa đào… dùng ngâm rượu trị các bệnh về gan; rễ cây phất dụ bầu dục, rễ ngải nơ, rễ mây song bột, thân dây huyết rồng… ngâm rượu uống bồi bổ gân cốt; thân cây táo poilance, hà thủ ô trắng, vỏ cây bời lời… ngâm rượu dùng bồi bổ máu.

Cây mật nhân.

Đi đến đâu ông Hiệp cũng giới thiệu trong Khu bảo tồn có rất nhiều cây mật nhân (tên khoa học là Eurycoma Longifolia) là loại cây có thể chữa được nhiều bệnh, hay cây trung quân (Ancistrocladus tectorius) trước đây bộ đội dùng lợp nhà ở có lá non ăn ngon như rau, lại giảm được đau nhức xương; vỏ cây cù đèn (Croton delpyi Gagnep) chữa đau lưng, nhức mỏi; cam thảo (Scrophulariaceae) dùng để trị bệnh gan; cây rít (Poths gigantipes) có công dụng điều trị khi bị rít cắn hoặc chữa bệnh sởi ở trẻ em… Theo ông Hiệp, thiên nhiên đã ban tặng cho Đồng Nai khu rừng với một kho tàng về cây thuốc, điều này không phải rừng nào cũng có. Trước đây, đồng bào dân tộc thường vào rừng lấy lá, rễ, vỏ cây về làm thuốc chữa trị rất hiệu quả. Thời gian sau, do công tác bảo vệ rừng được tổ chức nghiêm ngặt nên tình trạng này giảm hẳn.

* Bảo tồn cây thuốc

Sau gần 3 năm thu thập, lấy mẫu tiêu bản của hàng ngàn loài thực vật trong rừng của Khu bảo tồn để nghiên cứu, các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành về dược liệu đã xác định được 866 loài cây thuốc có khả năng chế biến thành thuốc chữa bệnh. Trong số này có nhiều loại quý hiếm trong Sách đỏ của Việt Nam.

Cây cù đèn.

Đánh giá về “kho tàng” thuốc Nam ở Khu bảo tồn, Giám đốc Trần Văn Mùi cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, Đồng Nai có độ che phủ rừng lớn nhất trong vùng Đông Nam bộ. Đến nay, tổng diện tích tự nhiên của Khu bảo tồn là trên 100 ngàn hécta. Sau thời kỳ chiến tranh và sự tàn phá nghiêm trọng của con người, rừng ở đây đã lấy lại được màu xanh bát ngát. Chính vì rừng được phục hồi nhanh nên các loài cây thuốc cũng phát triển mạnh. Nhằm từng bước mở rộng diện tích cây thuốc, Khu bảo tồn đang có kế hoạch khoanh vùng, tìm đặc trưng của từng loại cây phù hợp với địa hình, môi trường, khí hậu để tập trung trồng nhân giống.

Theo ông Mùi, hy vọng trong tương lai Khu bảo tồn sẽ có những vườn đặc thù để phục vụ nghiên cứu, bảo tồn nguồn cây thuốc đa dạng tại đây. Khi đề án “Xây dựng Vườn quốc gia bảo tồn và phát triển cây thuốc Đông Nam bộ” được triển khai, Khu bảo tồn sẽ nhân rộng mô hình vườn cây thuốc gia đình cho những hộ dân đang sinh sống trong vùng đệm. Với cách làm này, Khu bảo tồn sẽ bảo đảm đầu ra, tạo việc làm để tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm bớt nguy cơ phá rừng.

Những năm gần đây, đông đảo người dân thường xuyên sử dụng cây thuốc và thuốc có nguồn gốc thiên nhiên hơn là hóa chất làm thuốc. Xu hướng này đã tác động đến việc sản xuất, thu hái, chế biến, tiêu thụ và sử dụng dược liệu thảo mộc. Trong khi đó, các tài liệu tra cứu về cây thuốc chủ yếu được viết trên sách, do đó hạn chế đối tượng muốn tìm hiểu để qua đó sử dụng cho phù hợp. Nhiều cây thuốc mà dân gian có thể bị lẫn lộn trong việc xác định loài dựa theo tên phổ thông, hoặc có hình dạng giống nhau. Chính vì vậy, nếu thiếu sự mô tả tỉ mỉ đặc điểm, hình thái và gen giải phẫu sẽ rất dễ nhầm lẫn.

Tạ Nguyên - Ngọc Liên

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
27/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
25/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang