• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lạng Sơn: Rực rỡ cánh đồng hoa tam giác mạch

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 22/11/2014
Ngày cập nhật: 28/11/2014

Từ đầu tháng 11/2014 đến nay, do hiếu kỳ, liên tục nhiều đoàn khách du lịch không chỉ trong tỉnh Lạng Sơn mà cả ngoài tỉnh đã đến thung lũng Lân Khoản, thuộc thôn Lân Gặt, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn để chiêm ngưỡng cánh đồng hoa tam giác mạch. Điều này khiến thung lũng nơi đây xưa kia vốn hoang sơ, tĩnh lặng giờ trở thành điểm du lịch gây "sốt" trong những ngày qua.

Nữ sinh trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm tại cánh đồng hoa tam giác mạch Lân Khoản

Tam giác mạch có thân mềm như cây cỏ, loài hoa nở thành chùm, cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt hình tam giác, ở giữa một hạt mạch; vì thế được gọi là cây tam giác mạch. Khi cây còn non có thể dùng để luộc, xào, nấu canh hoặc nhúng lẩu; khi cây ra hoa, kết quả và thành hạt thì có thể nấu để ăn như gạo. Ngoài ra, cũng có thể dùng bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt.

Tại Lạng Sơn, cây trồng này phổ biến nhất ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Trong thời kỳ còn tồn tại các Hợp tác xã như Làng Thẳm, Làng Coóc, Làng Huyền, loài cây này được trồng khá phổ biến trên địa bàn xã. Sau này, khi các hợp tác xã đó giải thể, diện tích cây trồng này cũng bị thu hẹp dần, có thời điểm đã ngừng trồng hẳn. Bắt đầu từ năm 2012 trở về đây, giống cây này có dấu hiệu phục hồi lại, tập trung nhiều ở thung lũng Khoản Đấy, Lân Khoản của xã Trấn Yên. Trong đó, diện tích lớn nhất là ở Lân Khoản. Diện tích tam giác mạch ở đây hiện rộng khoảng 5 mẫu, thuộc 4 hộ quản lý. Người dân trồng nó chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình. Nếu như ở Tây Bắc, hoa cây này chủ yếu có màu hồng, màu tím thì ở đây chủ yếu là màu trắng. Chính sự khác biệt ấy mà nhiều người truyền tai nhau và tổ chức đến tham quan, chiêm ngưỡng loài hoa này. Do vậy Lân Khoản bỗng dưng trở thành điểm du lịch bất ngờ đối với người dân bản địa.

Anh Quang Văn Xuống, nhà ngay dưới chân đèo Lân Khoản, nơi gửi xe thường xuyên của các du khách cho biết: khởi đầu để quảng bá cánh đồng hoa tam giác mạch này là một thợ ảnh tên Hoàng, người thị trấn Bắc Sơn. Sau khi thực hiện album cưới tại đây, anh ta đã chia sẻ những bức ảnh của mình lên facebook cho bạn bè. Rồi bạn bè của anh lại chia sẻ tiếp. Cứ thế vô tình nơi này biến thành điểm du lịch lúc nào không hay. Gần nửa tháng qua, ngày nào cũng có rất nhiều đoàn du khách đến đây chụp ảnh, chiêm ngưỡng cánh đồng tam giác mạch trong Lân Khoản. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 người tới đây, bất kể trong điều kiện thời tiết nào. Trong đó, không chỉ người trong tỉnh mà có cả du khách ở các tỉnh, thành phố miền xuôi như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, thậm chí có cả đoàn du khách ở tận tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra đây tham quan.

Do biết thông tin về cánh đồng tam giác mạch tại Lân Khoản, đôi bạn trẻ này lặn lội từ huyện Văn Lãng tới đây để chụp ảnh cưới

Anh Đình Mạnh Linh, một du khách đến từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: tôi biết hoa tam giác mạch này thông qua mạng internet. Loài hoa này có nhiều tại một số tỉnh Tây Bắc nhưng do xa xôi nên tôi chưa có điều kiện lên đó. Khi biết tin ngay trên Lạng Sơn cũng có loài hoa này, tôi đã rủ bạn bè tổ chức lên tham quan cánh đồng hoa tam giác mạch tại đây. Tuy đi đường dài hơi mệt nhưng khi tận mắt chứng kiến cánh đồng hoa tại thung lũng này, ai nấy cũng đều hồ hởi, thích thú. Sau chuyến đi này, khi trở về quê tôi sẽ chia sẻ hình ảnh đẹp chụp được với bạn bè chưa biết đến hoa tam giác mạch đến đây tham quan để thỏa chí tò mò.

Quả thực, cánh đồng tam giác mạch ở Lân Khoản có một sức hút kỳ lạ. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng hoa như những tấm thảm trắng nổi lên giữa thung lũng bao la. Những đồng hoa trải tít tắp tới chân núi, rung rinh trong ánh nắng cuối thu dịu ngọt. Đến đây, du khách như được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng bầu không khí trong lành. Không chỉ có vậy, nếu như có nhu cầu, du khách cũng sẽ được cưỡi ngựa của bà con bản địa, dạo quanh khắp thung lũng trong lân.

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là hoa tam giác mạch ở Lân Khoản sẽ tàn; có lẽ vì nắm được thông tin này nên những ngày này, nhiều du khách đã không quản ngại xa xôi, tranh thủ đến đây để tham quan, chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của một mùa hoa độc đáo. Điều này khiến cho người dân bản địa bắt đầu nảy ý thu phí dịch vụ du lịch đối với khách tham quan. Chẳng hạn, trường hợp bà Dương Thị Thanh, một chủ cánh đồng hoa tam giác mạch tại đây mấy ngày nay đã tiến hành thu phí tham quan, chụp ảnh của du khách với mức 20 nghìn đồng/người/lượt; phí cưỡi ngựa cũng tương tự.

Để vào Lân Khoản, du khách sẽ phải vượt qua một con đèo cùng tên

Ông Hoàng Văn Chẩn, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã bắt đầu trồng cây tam giác mạch trở lại. Cây trồng này chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con. Trong đó, Lân Khoản thuộc địa phận thôn Lân Gặt trồng tập trung nhất và cũng là nơi có diện tích trồng lớn nhất trong toàn xã. Khi hoa nở, nó sẽ tạo thành cánh đồng tam giác mạch rất đẹp. Việc nhiều người, nhiều nơi biết đến khu vực này là tín hiệu vui cho cả xã nói chung và bà con trong khu Lân Khoản nói riêng trong vấn đề quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch. Trước mắt, chúng tôi sẽ trồng thử nghiệm giống cây này, tính toán về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc sao cho cây kịp nở hoa vào dịp lễ hội Ná Nhèm sắp tới. Như vậy vừa thu hút du khách đến với lễ hội, vừa tạo điều kiện cho bà con làm du lịch có định hướng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

HOÀNG HUẤN

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
27/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
25/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang