• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hoá: Xây dựng “ngôi nhà mới” cho các loài cây hạt trần nguy cơ tuyệt chủng

Nguồn tin: Báo Thanh Hoá, 14/04/2014
Ngày cập nhật: 16/4/2014

Thông Pà Cò quý hiếm được phát hiện tại núi Pha Phanh (Quan Hóa). Ảnh: T.L

Những cây thông Pà Cò, Thông Tre lá ngắn, cây Đỉnh Tùng, Dẻ tùng sọc trắng... được xếp trong “Sách Đỏ” Việt Nam vì mức độ tuyệt chủng ở mức cao thì việc thành lập “Khu bảo tồn (KBT) các loài hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa (Thanh Hoá), nhằm bảo tồn và lưu giữ nguồn “gen” quý hiếm đã được nhen nhóm.

“Báu vật” trên đỉnh núi

Núi Pha Phanh nằm trên địa bàn xã Nam Động - nơi từng được biết đến bởi sự đa dạng hệ sinh thái động, thực vật. Đây là một trong những khu rừng được bảo vệ, phát triển tốt nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Một số diện tích đất rừng gần khu dân cư đã được giao cho 24 hộ dân quản lý, phát triển nhằm nâng cao đời sống cho người dân sống ven rừng. Chính sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự phối hợp quản lý chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm đã nâng cao nhận thức bảo vệ rừng (BVR) cho đồng bào dân tộc Mường, Thái nơi đây.

Cách đây gần 3 năm, người dân đã phát hiện một quần thể các loài cây hạt trần quý hiếm có trong “Sách Đỏ” Việt Nam. Các loài cây hạt trần đang sống trên núi cao, gồm: thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis), Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia), Đỉnh Tùng (Caphalotaxus mannii) và Thông Tre lá dài (Podocarpus neriifolius).

Người được cho là có công đầu trong việc phát hiện ra các loài thực vật quý hiếm trên là ông Nguyễn Hữu Hồng, sinh sống tại xã Nam Động. Tâm sự với chúng tôi, ông Hồng chia sẻ: “Trên đường đi tìm cây thuốc trên rừng, tôi thấy có nhiều cây lạ, lúc ấy không biết cây gì nên rất tò mò. Sau khi trở về, tôi đã đến báo cáo với Hạt Kiểm lâm Quan Hóa”. Sau khi có thông tin, cán bộ kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu gỗ, lá đi giám định mới biết là các cây hạt trần quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Thấy việc bảo vệ các loài cây quý trên là vô cùng bức thiết, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã báo cáo các ngành chức năng xin chủ trương thành lập KBT loài. Ngày 27-7-2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Xác lập KBT loài hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa. Các chiến sĩ kiểm lâm tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm và phát hiện thêm 2 loài hạt trần quý hiếm nữa, gồm: Thông Đỏ đá vôi (Taxus chinensis) và Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis). Có thể khẳng định, khu vực này chính là “lãnh địa” của các loài hạt trần quý hiếm tại Việt Nam.

Từ khi 6 loài cây đặc hữu quý hiếm nói trên được phát hiện, địa phương và lực lượng kiểm lâm địa bàn đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức bảo vệ. Rất nhiều hộ dân trong vùng đã ký cam kết không khai thác các loài cây trên. Nói thêm về vấn đề này, ông Lữ Ngọc Quý, Bí thư Đảng ủy xã Nam Động, chia sẻ: địa phương chúng tôi nhận thức rằng, việc phát hiện các loài cây nằm trong “Sách Đỏ” Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn trong việc nâng cao nhận thức BVR của đồng bào. Bây giờ họ không những không vào rừng chặt phá mà còn luôn động viên nhau ra sức bảo vệ “báu vật” của núi rừng quê hương.

“Môi trường mới” để bảo tồn

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quan Hóa - ông Lê Kim Du cho biết: Trong thời gian hơn hai năm điều tra, khảo sát thực địa với sự tham gia của nhiều sở, ngành, đơn vị, đặc biệt là các nhà khoa học, tất cả đều khẳng định việc bảo vệ khu rừng Pha Phanh cần phải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Để diện tích các loài ngày càng mở rộng hơn nữa, ngày 8–1-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 87/QĐ-UBND để thành lập “KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, Quan Hóa” với mục tiêu bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, phát huy các giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học mà trọng tâm là 6 loài hạt trần quý hiếm. Ngày 20 – 3 - 2014, tại huyện Quan Hóa đã tiến hành công bố KBT này.

KBT có diện tích 646,95 ha, thuộc địa bàn xã Nam Động, huyện Quan Hóa, giáp ranh với một số xã của huyện Quan Sơn. KBT được phân thành các phân khu chức năng, gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (502,84 ha), phân khu phục hồi sinh thái (hơn 114 ha), phân khu dịch vụ hành chính và 3 trạm BVR. Vùng đệm KBT gồm 7 thôn, bản của xã Nam Động và 5 thôn, bản của 3 xã thuộc huyện Quan Sơn, với tổng diện tích hơn 3.300 ha.

“Rừng Pha Phanh không chỉ có các loài hạt trần quý hiếm mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như voọc xám, gấu ngựa, sơn dương” - ông Lê Thế Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhận xét. Ông Long cho biết thêm: Các cây thông Pà Cò tái sinh ở đây cũng đã phản ánh “ngược lại” một số kết quả nghiên cứu trước đây cho rằng thông Pà Cò không thể tái sinh bằng hạt vì hạt không có phôi. Kết quả này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới đối với việc nhân giống hữu tính loài cây này trong tương lai cho các nhà khoa học.

Cũng theo ông Long, việc thành lập KBT trực thuộc Hạt Kiểm lâm Quan Hóa sẽ tăng thêm sức mạnh cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, chống xói mòn, bảo vệ môi trường... Đây cũng là cơ hội tốt để bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh học, cung ứng dịch vụ môi trường rừng; thu hút các dự án đầu tư BVR, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học..., góp phần tạo cơ hội về việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư trong khu vực.

Ngành kiểm lâm cũng đã và sẽ siết chặt công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng đặc dụng hiện có tại đây, không để xảy ra khai thác rừng, cháy rừng, săn bắn, bẫy động vật rừng, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm.

Lê Đồng

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
29/12/2014
29/12/2014
27/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
25/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang