• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xóm giá

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi, 29/05/2014
Ngày cập nhật: 31/5/2014

Đó là tên gọi của xóm làm nghề giá ở ven sông Trà Bồng thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nghề làm giá gắn với các hộ dân nơi đây đã hơn 50 năm. Họ cần mẫn, thức khuya dậy sớm để làm ra những mẻ giá ngon sạch.

Vất vả mưu sinh

2 giờ 30 sáng, khi mọi người say giấc thì ở xóm giá đã nghe tiếng râm ran. Người dân dậy sớm để chăm sóc giá và chuẩn bị cho buổi chợ sáng. Giá được đưa ra chợ và theo tiểu thương về khắp các địa phương trong tỉnh. Ở xóm giá có gần chục hộ gia đình làm giá đậu xanh. Họ đều là người trong cùng tộc họ. Nghề làm giá đòi hỏi sự kỳ công. Trại làm giá được người dân đặt quanh một cái giếng được coi là sạch và nước ngon nhất xóm.

Người dân phấn khởi thu hoạch giá sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Ông Đặng Cơ-người làm giá lâu năm chia sẻ: “Làm giá ở đây chữ sạch đặt lên hàng đầu. Cái giếng này là “miếng cơm” của cả xóm nên ai cũng chú ý bảo vệ”.

Để có được mẻ giá ngon sạch, trước hết người làm giá phải chọn đậu xanh có chất lượng. Nhặt đậu, chà đậu sao cho không bị nở, không bị nát mà vẫn sạch. Để làm giá thủ công thì không thể thiếu lá tre. Lá tre được dùng để giữ ẩm cho giá. Ngoài ra, người ta còn vót nan tre để kìm và giữ cho đậu xanh, lá tre không bị đổ ra ngoài.

Sau khi chuẩn bị những thứ cần có cho một mẻ giá, người ta cho đậu xanh vào thùng, dùng lá tre che lên trên. Các thùng giá được úp tựa vào nhau và úp hở so với mặt đất để giá “thở” và không bị chua. Trong 5 ngày sẽ cho ra một mẻ giá, nhọc nhằn nhất là công đoạn đổ nước giá. Mỗi ngày phải đổ nước cho giá từ 10-12 lần, mỗi lần cách nhau 2 tiếng. Người làm giá cứ lom khom tưới nước.

Số lần tưới nước giá liên tục không thể bỏ qua nên bắt buộc người trồng giá luôn có mặt ở trại. Nhiều người vì cái nghề mà quanh năm hiếm có ngày nghỉ. Ngoài đổ nước giá ra thì tùy vào thời gian trong ngày, họ sẽ chăm sóc giá theo từng công đoạn như nới nan cho giá 2 ngày tuổi, cung nan cho giá 3 ngày tuổi, bỏ lá tre khi giá 4 ngày tuổi… Người làm giá suốt ngày làm việc như chú ong chăm chỉ. Kể cả ngày tết, họ cũng chỉ vài ngày nghỉ không ra chợ, nhưng vẫn chuẩn bị giá cho những ngày tiếp theo.

Giữ nghề truyền thống

Theo lời kể của các hộ làm giá, ngày trước xóm nhỏ ven sông này được gọi là xóm Bến Củi hay xóm Gốm, bởi lẽ cả xóm sống bằng nghề bán củi, bán đồ gốm. Gỗ, củi được vận chuyển từ huyện Trà Bồng về theo đường sông, gốm thì lấy từ lò gốm Mỹ Thiện nổi tiếng. Trải qua thời gian, lò gốm Mỹ Thiện ngừng sản xuất, thu nhập từ nghề bán củi không đủ sống, người dân chuyển sang nghề làm giá. Tính đến nay, các hộ dân gắn bó với nghề làm giá đã hơn 50 năm.

Ở xóm giá thường xuyên ngập nước vào mùa mưa. Thế nên mỗi nhà đều làm giàn để đưa giá lên cao. Gần đây, khi có thông tin ở một số nơi giá có chứa hóa chất của Trung Quốc, các hộ dân ở xóm giá ven sông Trà Bồng đều bị ảnh hưởng. Bà Tô Thị Nhạn, người có thâm niên làm giá hơn 20 năm, cho biết: “Làm giá ngày càng khó khăn. Bây giờ giá đậu xanh tăng cao, lá tre không còn nhiều, chậu gốm cũng không còn phải thay thế bằng thùng nhựa. Vậy mà giá thành của giá thì không thể tăng. Gặp lúc có thông tin giá có hóa chất, chúng tôi như điêu đứng”.

Nghề làm giá lắm vất vả, song các hộ dân đều quyết tâm gắn bó. Bởi theo họ đây là nghề gia truyền phải quyết tâm gìn giữ. Vả lại, không có đất nông nghiệp nên người dân buộc phải gắn mình với nghề làm giá. Nghề làm giá đã giúp nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.

HOA LY

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang