• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gạo hữu cơ “gian nan” tìm thị trường

Nguồn tin: Báo An Giang, 10/12/2014
Ngày cập nhật: 12/12/2014

Gạo hữu cơ có tác dụng phòng, chống bệnh tiểu đường, thiếu máu do sắt… Đây là loại gạo không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc các loại hóc môn, kháng sinh, có nhiều tác dụng vượt trội so với gạo thông thường. Song, tìm “thị trường” cho sản phẩm này là điều không dễ.

Thấy được lợi ích của gạo hữu cơ đối với sức khỏe cộng đồng, hơn 5 năm qua, ông Phan Minh Tuấn (khóm Mỹ Lộc, phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã nghiên cứu, tìm hiểu quy trình sản xuất, tìm cơ quan chứng nhận; lựa chọn nền đất, đối tác để sản xuất loại gạo có nhiều công dụng này.

Từ tổ chức sản xuất đến việc đưa sản phẩm ra thị trường là cả một quá trình tốn nhiều công sức, tiền của nhưng ông Tuấn vẫn làm vì niềm đam mê. “Sức khỏe chính là vốn quý của con người. Tôi thấy thị trường bây giờ có nhiều loại lương thực, thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng, bởi người sản xuất sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vấn đề đặt ra là tại sao mình không sản xuất sản phẩm sạch, an toàn để phục vụ cộng đồng, nhất là trẻ em và người già” – ông Tuấn tâm sự.

Từ suy nghĩ này, năm 2010, ông Tuấn sản xuất thí điểm gạo hữu cơ. Ông hợp tác với HTX Thạnh Lợi (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) triển khai sản xuất 2 công lúa jasmine theo quy trình gạo hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV).

Vụ đầu tiên, năng suất lúa mỗi công chỉ có 400 kg (vì không sử dụng phân bón hóa học nên năng suất thấp). Sau nhiều vụ sản xuất, nền đất đã được cải tạo dần, sản phẩm tạo được sự khác biệt so với gạo thông thường và ông đã nghĩ đến việc đóng gạo vào túi giấy để đưa ra thị trường, phục vụ cộng đồng.

Hiện gạo hữu cơ do ông Tuấn sản xuất có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg (tùy giống lúa) và qua 5 năm đưa gạo ra thị trường, số người sử dụng gạo do ông sản xuất chỉ dừng lại ở con số hàng chục, trong khi số tiền đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất mà ông Tuấn đã bỏ ra không nhỏ. Song, ông Tuấn vẫn tiếp tục sản xuất theo quy trình này để đưa gạo ra cộng đồng, dẫu biết rằng việc tìm khách hàng cho gạo này rất gian nan.

Nếu ở U Minh Hạ (Cà Mau) có gạo hữu cơ Hoa Sữa của Công ty Sản xuất Viễn Phú thì ở An Giang có gạo đỏ Tân Châu, do công ty Màu Xanh Đổi Mới (TP. HCM) đầu tư sản xuất, phân phối; còn gạo hữu cơ do ông Tuấn sản xuất thì đang trong quá trình xây dựng thương hiệu. Ba sản phẩm này khi đưa ra thị trường đều có giá cao hơn từ 3 – 4 lần gạo thông thường.

Cụ thể, gạo do ông Tuấn sản xuất từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, trong khi Hoa Sữa từ 39.000 – 59.000 đồng/kg (tùy loại sản phẩm), gạo đỏ Tân Châu từ 35.000 đồng/kg trở lên. Giá cao là một trong những nguyên nhân khiến gạo hữu cơ khó tìm thị trường tiêu thụ. “Khủng hoảng kinh tế kéo dài, đồng tiền làm ra rất khó, vì vậy người ta luôn nghĩ tới việc ăn cho no hơn là ăn cho ngon, cho khỏe. Đây chính là nguyên nhân khiến gạo hữu cơ gian nan tìm kiếm thị trường” – Chị Lưu Thị Mỹ Lệ (TX. Tân Châu) nói.

Gian nan tìm thị trường cho gạo hữu cơ là một thực tế mà những người sản xuất loại gạo này đang phải đối mặt, dẫu biết rằng đây là loại gạo có nhiều cái lợi cho sức khỏe. “Là người tiêu dùng, tôi nghĩ ngoài giá bán cao thì niềm tin của cộng đồng đối với sản phẩm này là vấn đề cần suy nghĩ, bởi trong 3 năm trở lại đây, phong trào sản xuất và bán gạo hữu cơ tràn lan từ TP.HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành trong cả nước. Đa phần là sản xuất theo quy trình gạo hữu cơ, rồi tự phong gạo hữu cơ, chứ chưa có một tiêu chuẩn nào được đưa ra từ cơ quan quản lý của Nhà nước. Mặc khác, ai là người giám sát chất lượng trong quá trình sản xuất…” – ông Nguyễn Trọng Tín (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), nói.

“Sản xuất gạo hữu cơ để cung cấp ra cộng đồng một sản phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe là hướng đi đúng của những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Đây cũng là xu hướng của thời đại ngày nay. Giá gạo hữu cơ cao là vì sản xuất theo quy trình này năng suất thấp, nên cần chia sẻ khó khăn với những người làm ra nó, chứ đừng yêu cầu chất lượng phải thật tốt mà giá thì thật rẻ” –Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hùng Cường chia sẻ.

MINH HIỂN

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang