• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vạn Ninh (Khánh Hòa): Người dân vào rừng tìm trắc

Nguồn tin: Báo Khánh Hoà, 18/04/2014
Ngày cập nhật: 23/4/2014

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) đua nhau vào rừng tìm và khai thác gỗ trắc dây (gỗ nhóm 1) để bán cho các thương lái. Lực lượng chức năng đã vào cuộc, thu giữ hàng tấn gỗ…

Từ một tuần nay, việc vào rừng tìm trắc dây đang rộ lên tại các vùng quê Vạn Ninh. Trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Vạn Hưng, người đi đường rất dễ bắt gặp hình ảnh nhiều xe máy chở cành, gốc cây được cắt ngắn đủ kích cỡ. Tại dốc Đá Trắng, chúng tôi gặp một thanh niên tầm 30 tuổi, tên Quang, đang dừng xe bên đường. Quang cho biết đây là gỗ trắc dây vừa được anh và những người dân ở xã Vạn Lương khai thác tại các ngọn đồi ở xã Vạn Hưng.

Được biết, những người khai thác thường đi thành từng nhóm, sau đó đưa gỗ xuống chân núi, rồi có người đến tận nơi thu mua. “Mình thấy dân nơi khác đến làm nên cũng làm theo. Trắc khô giá 12.000 đồng, trắc tươi giá 10.000 đồng/kg, đó là bán tại chân núi. Nếu chịu khó chở ra các điểm thu mua ở dưới khu dân cư thì được thêm 2.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh em leo núi cũng thu nhập được từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Nghe người thu mua nói gỗ này được chở sang Trung Quốc. Mình thấy có tiền thì làm thôi” - anh Quang nói.

Người dân vận chuyển gỗ trắc trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Vạn Hưng.

Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, tình trạng người dân nơi khác và người dân địa phương vào rừng để tìm gỗ trắc mới diễn ra những ngày gần đây. UBND xã đã triển khai kế hoạch bảo vệ lâm sản, phân công lực lượng gồm công an, dân quân, kiểm lâm xã tổ chức chốt chặn, tuần tra để ngăn chặn tình trạng này. “Người dân từ nhiều nơi về các khu vực rừng ở thôn Xuân Đông, Xuân Tây đang gây nên nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của địa phương” - bà Thu lo ngại.

Tối 16-4, lực lượng chức năng xã Vạn Hưng đã phát hiện tại khu vực quán cà phê Thiên Trúc (thôn Xuân Đông) có chứa khoảng gần 1 tấn gỗ trắc dây. Ngay sau đó, số gỗ trắc này đã được chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh. Ông Đinh Trường Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, kiêm nhiệm phụ trách kiểm lâm xã Vạn Hưng cho biết, gỗ trắc dây đang tồn tại trong các rừng cây bụi ở các vùng đồi, núi gần khu dân cư như núi Mắt Mèo, núi Hòn Ngoại, núi Phổ Đà. Sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 70 xe máy vận chuyển gỗ từ cửa rừng ra quốc lộ và đến các cơ sở thu mua. Sau đó, số gỗ này sẽ được chuyển đến các điểm thu gom có quy mô hơn.

Gỗ trắc bị thu giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh.

Theo tìm hiểu, số người đang vào rừng khai thác, ngoài dân địa phương (Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phú) còn có người đến từ thị xã Ninh Hòa và tỉnh Phú Yên. Họ khai thác cây hoặc đào cả gốc để bán theo dạng cân ký. “Chúng tôi chỉ nghe thông tin số gỗ này được các đầu nậu thu mua và chở sang Trung Quốc. Đây là loài gỗ quý, hiếm nếu không kịp thời ngăn chặn, sẽ dẫn đến cạn kiệt - một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh cho biết.

Thế nhưng, việc ngăn chặn, xử lý của lực lượng chức năng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Người dân vào rừng khai thác phần lớn là lao động nghèo ở các địa phương, rất rành về đường đi cũng như địa hình. Gỗ sau khi khai thác xong được cưa ngắn từ 60 - 80cm, sau đó được chở bằng xe máy. Đây là lâm sản thuộc nhóm 1, nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt rất cao, nên khi thấy lực lượng chức năng thì họ thường “bỏ của chạy lấy người”.

Chỉ trong vài ngày, từ ngày 14 đến 17-4, lực lượng Kiểm lâm đã thu giữ được 2 tấn gỗ trắc dây. “Chúng tôi chưa xác định được các cơ sở thu mua. Hiện các đầu nậu lớn không đứng ra trực tiếp thu mua mà thông qua các hộ dân làm đại lý” - ông Lê Văn Tân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh cho biết.

Theo một cán bộ kiểm lâm, số gỗ này rất khó để sử dụng vào việc làm đồ mộc, dân dụng nhưng vẫn được thu mua cả chục ngàn đồng/kg với số lượng không hạn chế. Ai mua và mua gỗ này để làm gì thực sự đang là câu hỏi lớn đối với chính quyền cũng như lực lượng chức năng ở địa phương.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa vừa xử phạt 3 người mang quốc tịch Trung Quốc, gồm: Yan Jian Xin, Lin Hong Bin và Lin Chao, cùng 27 tuổi - mỗi người 2,5 triệu đồng, vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý biên giới quốc gia. Đồng thời, xử phạt ông Lê Văn Hiền, 50 tuổi, ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh 25 triệu đồng vì tàng trữ lâm sản trái phép.

Trước đó, ngày 28-3, 3 đối tượng này tìm đến nhà ông Hiền để mua bán lâm sản. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện tại nhà ông Hiền đang cất giấu trái phép khoảng 10 tấn gỗ trắc và gỗ sơn huyết, đều thuộc gỗ nhóm I. Ông Hiền khai nhận đã mua lại của nhiều người để có số gỗ nói trên, nhưng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp

Đức Bình

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang