• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Nỗ lực khai thác vùng cát có hiệu quả

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 14/02/2014
Ngày cập nhật: 15/2/2014

Nhờ thực hiện thành công Dự án cải tạo môi sinh vùng cát bằng biện pháp sản xuất nông lâm kết hợp nên đến nay hàng ngàn hécta đất cát nội đồng và ven biển ở tỉnh Quảng Trị đã trở thành đất trồng trọt phục vụ cho lợi ích của con người. Trong đó các loại cây thực phẩm được trồng trên cát đang khẳng định là cơ hội để người dân xóa đói giảm nghèo.

Ở huyện Hải Lăng, xã Hải Dương là một trong những địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng cát. Ông Phan Trọng Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Do nằm trong vùng úng trũng, hàng năm thường bị lũ lụt, sản xuất cây lúa nhiều khi gặp rủi ro nên mấy năm trở lại đây xã đã có chủ trương tiến ra vùng cát để phát triển kinh tế. Cùng với việc quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, xã đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông và vận động, khuyến khích người dân trồng các loại cây thực phẩm. Thực tế cho thấy, thông qua các lớp tập huấn do HTX phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, người dân đã có sự hiểu biết về cách trồng và chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với trồng lúa. Trong đó người dân đã lựa chọn được loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đó là cây ném và hiện tại đã có trên 50 ha. Cây ném rất phù hợp với đất cát ở đây, dễ trồng, mức đầu tư thấp, 1 ha chỉ từ 4 đến 5 triệu đồng, kể cả tiền giống và phân bón, sau 4 tháng đã cho thu hoạch. Điều đáng nói là cây ném ở Hải Dương thường thơm hơn, khi ném già lấy củ thì củ cũng lớn hơn so với trồng ở các vùng khác nên thường bán được giá. Tính ra trên 1 ha vừa trồng ném vừa xen các loại cây khác như ngô, đậu, sắn cho thu nhập 120 đến 150 triệu đồng”.

Phát triển các loại cây trồng trên vùng cát - Ảnh: TRÀ THIẾT

Không chỉ các xã vùng cát ở Hải Lăng mà các huyện ven biển có vùng cát nội đồng như Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh mấy năm qua cũng đã khai thác vùng cát bằng nhiều cách làm khác nhau. Các địa phương đã có chính sách hỗ trợ các HTX và người dân về giống, về xây dựng mô hình, hỗ trợ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, đường giao thông, giếng bơm nước. Bên cạnh đó mở các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Nhờ vậy hàng trăm héc ta đất cát đã được đưa vào khai thác với nhiều loại cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều nơi đã xây dựng mô hình trồng các loại cây thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, hướng tới sản xuất hàng hóa mang tính bền vững.

Điển hình như ở huyện Triệu Phong, đến nay đã đưa vào canh tác hơn 500 ha đất cát trên tổng số hơn 4 ngàn ha. Trong đó, các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày được người dân đưa vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao là cây dưa hấu, dưa gang, ném, hành, lạc, ớt, mướp đắng và rau đậu các loại. Ngoài ra, người dân còn tận dụng một số vùng diện tích đất cát hoang hóa để trồng thêm khoai lang, sắn. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư với số vốn lớn để xây dựng trang trại chuyên canh cây màu trên cát. Ở huyện Vĩnh Linh người dân đang tập trung xây dựng cánh đồng 1 ha có giá trị 50 triệu đồng trở lên bằng cách thâm canh, xen canh, luân canh các loại cây thực phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Gia đình ông Nguyễn Cường ở xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh có 1 ha đất cát vàng, trước đây chỉ trồng được cây khoai lang và sắn, hiệu quả đem lại không cao, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp bấp bênh, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện, ông đã chuyển toàn bộ diện tích đất cát sang trồng cây ném, lạc, ngô, dưa hấu theo hình thức luân canh, gối vụ. Nhờ tăng cường đầu tư thâm canh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, bây giờ hàng năm gia đình ông có nguồn thu nhập 70 đến 75 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cát đã và đang được huyện hết sức quan tâm. Huyện vận động nông dân không sản xuất nông nghiệp theo phong trào mà trên cơ sở quy hoạch, tập trung lựa chọn để phát triển bền vững các loại cây trồng phù hợp với đất đai và khí hậu của từng nơi, tiến đến hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Mặt khác, tăng cường tập huấn kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác cho người dân, có chính sách hỗ trợ về vay vốn, giống, xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng các mô hình sản xuất mới.

Có thể nói nhờ các địa phương có những chủ trương sát đúng, có những cơ chế chính sách phù hợp cộng với nỗ lực của người dân, hàng ngàn héc ta đất cát bỏ hoang hoặc lâu nay chỉ trồng khoai sắn, hiệu quả mang lại thấp bây giờ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho hàng vạn hộ gia đình. Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Trị đang tìm mọi cách để khai thác có hiệu quả diện tích đất cát trên 30 ngàn ha. Trước hết tỉnh chỉ đạo tiếp tục trồng rừng phòng hộ để chống cát bay, cát lấp, tranh thủ các dự án triển khai việc cải tạo môi sinh môi trường, đặc biệt là Dự án nâng cao năng lực, thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn thêm những loại cây trồng phù hợp để sản xuất, nhân rộng những mô hình đã mang lại hiệu quả. Mặt khác ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng những vùng chuyên canh rau màu thực phẩm”.

BÁ THUẦN

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang