• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mối đe dọa từ các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công đến ĐBSCL

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 30/09/2014
Ngày cập nhật: 1/10/2014

Vừa qua, Chính phủ Lào đã ra thông báo quyết định xây dựng dự án thủy điện Đôn Sa-hông với công suất 260 MW. Cùng với những công trình thủy điện hiện hữu trên thượng nguồn sông Mê Công, ĐBSCL - phần cuối nguồn của sông sẽ bị tác động nghiêm trọng đến nhiều mặt: môi trường, kinh tế, xã hội…

* Thách thức lớn với ĐBSCL

Sông Mê Công có chiều dài 4.909km, là con sông lớn thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuôi dòng chảy qua 5 quốc gia, gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, sông Mê Công chảy qua các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và chảy ra biển Đông. Do đó, việc khai thác sử dụng nguồn nước, đặc biệt là các công trình xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công của các quốc gia có liên quan đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi tăng cường hợp tác bền vững.

Dự án thủy điện Đôn Sa-hông của Lào tác động đến đường cá di chuyển trên lưu vực sông Mê Công, ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu người dân vùng hạ lưu. (Ảnh tư liệu hội thảo)

Hiện nay, trên đất Trung Hoa đã hoàn thành một nửa quy hoạch của 8 điểm ngăn dòng làm thủy điện và đến nay đã hoàn thành và đưa vào vận hành 4 đập thủy điện. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nếu cả 12 dự án thủy điện trên thượng nguồn được tiến hành thì 55% tổng chiều dài của sông Mê Công sẽ biến thành các hồ chứa nước lớn. Vùng hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL sẽ chịu hiểm họa về môi trường, cộng hưởng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp của vùng bị nhiễm mặn, các hệ thống canh tác và hệ sinh thái đất ngập nước bị đảo chiều. Theo đó, nhiều cư dân trong vùng, nhất là người nông dân sẽ bị mất đất sản xuất và buộc phải di dời. Cả vùng nước ngọt và nước mặn sẽ bị biến thể, tác động đến nguồn sinh kế của hơn khoảng 30 triệu dân, sản lượng lương thực suy giảm và nhiều loài sinh vật đặc hữu của vùng sẽ bị tuyệt chủng.

Năm 2011, Lào đã tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Công. Hiện nay, Lào đã ra thông báo quyết định xây dựng dự án thủy điện Đôn Sa-hông với công suất 260MW trên dòng chính sông Mê Công nằm ở phía Nam, thuộc khu vực đa dạng sinh học rất có giá trị, cách biên giới Campuchia khoảng 1,5 km. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL khi đứng trước các mối nguy từ các đập thủy điện trên thượng nguồn. Về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đến ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Khi những đập thủy điện ở thượng nguồn được xây dựng, khu vực ĐBSCL sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Thứ nhất, dòng chảy trên sông Mê Công thay đổi cả về số lượng lẫn chất lượng. Thứ hai, giảm lượng phù sa tới ĐBSCL trong khi phù sa rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp và ổn định khu vực đồng bằng. Thứ ba, ảnh hưởng đến các loại cá di cư trên lưu vực sông Mê Công. Bởi thủy điện Đôn Sa-hông nằm ngay vị trí đường cá di chuyển mà hầu hết các loại cá vùng ĐBSCL là loại cá di cư. Khi đập chắn ngang như thế sẽ ảnh hưởng đến nhiều loại cá, đặc biệt có rất nhiều loại cá trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ, như: cá heo nước ngọt, cá tra khổng lồ, cá hô… Thứ tư, các đập thủy điện trên thượng nguồn sẽ làm thay đổi những đặc điểm sinh thái đối với các vùng đất ngập nước trong khu vực ĐBSCL… và còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác mà chúng ta cần theo dõi và đánh giá. PGS.TS Lê Anh Tuấn tỏ ra lo ngại khi hiện nay chưa thể đánh giá hết những nguy cơ cho vùng đồng bằng trong tương lai. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nghiên cứu, dự báo vùng ĐBSCL sẽ bị tác động nghiêm trọng do tác động của những đập thủy điện gây ra. Kết hợp với các yếu tố khác, như: biến đổi khí hậu, thiên tai… làm vấn đề của đồng bằng trở nên trầm trọng hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập, chỉ ra nhiều điểm chưa rõ ở báo cáo đánh giá tác động môi trường đập thủy điện Đôn Sa-hông của Lào. Theo đó, báo cáo chỉ phân tích thủy văn trong 5 dòng chảy xung quanh dự án, kết luận chỉ 3 dòng bị ảnh hưởng trong khi đó vùng này có tới 17 dòng. Tác động lên chất lượng nước của việc đào hơn 1 triệu m3 đất đá hay chất lượng nước lúc xả phù sa trong ngắn hạn lên sinh vật thủy sinh, hay tác động của việc thay đổi chế độ chảy đối với cá di cư sau khi xây đập chưa được phân tích… Theo báo cáo, nghiên cứu thủy sản sẽ được tiến hành trong 10 năm trong lúc xây đập và trong các năm đầu vận hành, các biện pháp thích ứng sẽ được thực hiện khi có số liệu. Do đó, nếu có vấn đề xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm và làm sao có thể sửa thiết kế kỹ thuật đập…

Theo quan điểm của ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, việc xây đập thủy điện chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngắn hạn của con người nhưng phá hoại môi trường một cách dài hạn. Tức là các giống cá di cư sẽ không còn như hiện nay, thậm chí bị tiêu diệt. Khi chúng ta phát triển đến một mức độ nào đó, điện của Mê Công không đủ phục vụ nhu cầu của khu vực, lúc đó chúng ta phải chuyển sang một loại năng lượng khác để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng của khu vực. Lúc này dòng sông đã vỡ vụn, không còn là dòng sông. Khoảng 100 năm nữa, cúng ta phải bỏ tiền thu dọn những đập thủy điện mà chúng ta đang xây dựng. Đó là viễn cảnh của thủy điện trong tương lai!

* Thể hiện rõ quan điểm

Ủy hội sông Mê Công quốc tế với các quốc gia thành viên đã tiến hành xem xét trước khi ra quyết định cuối cùng về đầu tư xây dựng công trình thủy điện với ý tưởng nhằm phát triển toàn diện vùng hạ lưu, cải thiện môi trường sống nhân dân trong vùng; các quốc gia tiếp tục hợp tác hiện thực hóa tầm nhìn về một lưu vực sông Mê Công thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và bền vững về môi trường. Trong khuôn khổ hội thảo tham vấn về công trình thủy điện Đôn Sa-hông của Lào trên dòng chính sông Mê Công do Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức vừa diễn ra ở Cần Thơ, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, các nhà khoa học, nhà quản lý rất quan tâm đến tác động của công trình thủy điện Đôn Sa-hông của Lào đến ĐBSCL và giải pháp ứng phó.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Theo Hiệp định sông Mê Công năm 1995 không có quy định về mặt chế tài mà chỉ nêu các nước không có quyền phủ quyết. Đây là điều đang gây lo ngại và tranh cãi cho nhiều phía khác nhau. Khi Lào đưa ra tham vấn về quyết định xây dựng đập thủy điện, nếu các nước không đồng ý Lào vẫn tiến hành thì không có quy định chế tài trong vấn đề này. Song, chúng ta vẫn tiếp tục phản ánh để phía Chính phủ Lào nhận thấy rằng khai thác nguồn lợi trên sông Mê Công phải làm thế nào giảm bớt những thiệt hại cho các quốc gia. Bởi vì sông Mê Công là tài sản chung của các nước trong khu vực này, góp phần phát triển bền vững sông Mê Công…

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập, sông Mê Công là một trong những dòng sông vĩ đại nhất thế giới với nguồn tài nguyên thiết yếu cho khu vực, duy trì sinh kế, sức khỏe, văn hóa của hàng triệu người. Toàn vùng sẽ chịu ảnh hưởng của các quyết định về sự phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Do đó, các quyết định phải dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc và công nghệ được kiểm chứng, có sự tham vấn với các chính phủ và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao công tác tuyên truyền để cộng đồng nhận thức đúng về những tác động của các đập thủy điện đến đời sống. Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng: Đối với người dân, những chuyện thật sự bức xúc ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thì họ mới quan tâm. Để người dân, đặc biệt người nông dân biết được tác động của đập thủy điện chúng ta phải cố gắng đẩy mạnh truyền thông. Thậm chí, cần có những đoàn công tác chuyên môn đi đến từng địa phương, có những buổi chiếu phim… để thu hút cộng đồng dân cư, để họ nhận thức được tác hại của đập thủy điện trên dòng Mê Công đến đời sống của họ, họ cần làm gì để ứng phó trong tương lai…

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, cho biết: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo tham vấn để lấy ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL một cách đầy đủ, khách quan nhất… về dự án thủy điện Đôn Sa-hông có tổng hợp quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Mục tiêu lên tiếng của Việt Nam không phải là ngăn chặn không cho Lào xây dựng đập Đôn Sa-hông mà đây là thông điệp gửi đến các bộ, ngành Trung ương và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Qua đó, giúp Lào có cái nhìn khác, đúng đắn hơn về những tác hại của việc xây đập thủy điện...

T. Trinh

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang