• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Long: Từ các vụ bơm tạp chất vào thịt, tôm: Đừng “đầu độc” sức khỏe!

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 19/09/2014
Ngày cập nhật: 20/9/2014

Thời gian gần đây, thực phẩm không an toàn khiến nhiều người tiêu dùng trở nên hoang mang lo ngại. Nhiều gian thương đã bơm nước bẩn, tạp chất vào heo, bò, tôm… để tăng trọng lượng nhằm thu lợi bất chính. Trước thực trạng đáng lo ngại này, người tiêu dùng phải đối mặt nguy cơ khôn lường về sức khỏe.

Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân.

Vi phạm ngày càng nhiều

Cùng với mối lo ngại về tình trạng rau, hoa quả “ủ” thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng lại thêm mối lo ngại về tình trạng bơm tạp chất vào động vật ngày càng phổ biến. Hiện nay, vi phạm phổ biến nhất là tình trạng bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ để tăng trọng lượng.

Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 3 (địa bàn huyện Vũng Liêm - Vĩnh Long) đã phát hiện 3 trường hợp bơm nước vào heo với số lượng 24 con. Đội đã ra quyết định xử phạt 16,5 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 2 (địa bàn TX Bình Minh) cũng đã phát hiện quả tang 1 trường hợp tổ chức bơm nước vào 11 con heo trước khi giết mổ.

Lượng nước đưa vô sẽ thấm đều vào thịt, nên trọng lượng chúng tăng lên đáng kể. Mỗi con heo sau khi được bơm nước vào (trực tiếp bằng đường miệng) sẽ tăng trọng từ 10- 15% nhưng thịt heo bị giảm chất lượng, sớm hư thối, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt gần đây còn phát hiện thêm trường hợp bơm nước vào bò.

Mỗi con bò sau khi được bơm nước tăng khoảng 20% trọng lượng, giúp chủ thu lợi vài triệu đồng. Nước được bơm trực tiếp vào heo, bò, khoảng 2- 3 tiếng sau mới tiến hành giết mổ với số lượng từ 30- 40 lít nước/con.

Bên cạnh đó, đưa tạp chất vào tôm cũng trở nên đáng lo ngại. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 2 trường hợp bơm thạch rau câu vào tôm. Gần đây nhất là phát hiện một cơ sở tại xã Thanh Đức (Long Hồ) hoạt động kinh doanh mua bán tôm chưa đăng ký kinh doanh theo quy định.

Cơ sở có thuê khoảng 30 lao động bơm rau câu (agar) vào tôm để bán ra thị trường, tại cơ sở có 13kg rau câu các loại, 49kg tôm đã được bơm rau câu và 200kg tôm chưa bơm rau câu, 3 thùng nhựa loại 80 lít chứa nguyên liệu được pha chế sẵn, cùng 1 máy pha chế rau câu, ống tiêm,…

Ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết:

“Bơm tạp chất vào tôm là cách gọi chung của việc đưa các chất từ bên ngoài (tạp chất) vào tôm. Hiện nay, tạp chất chủ yếu được sử dụng là chất agar để bơm vào tôm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Agar được chế biến từ rau câu, về bản chất không độc hại. Nhưng việc bơm agar vào tôm thường rất bẩn và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời khiến cho chất lượng thịt tôm giảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng”.

Nguy cơ ngộ độc cao

Việc bơm nước vào heo, bò có thể khiến động vật chết trước khi bị giết, mà nguồn nước thường được lấy ở lò mổ không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì thịt có khả năng nhiễm vi sinh rất cao, đặc biệt là đối với những thực khách ưa thích món thịt tái.

Chị Nguyễn Thị Nhuần (Phường 4- TP Vĩnh Long) lo ngại: “Hiện nay, nhiều loại thực phẩm không an toàn, chất lượng kém vẫn lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Việc phân biệt đối với người tiêu dùng rất khó. Riết không biết đi chợ mua gì”.

Tang vật bơm tạp chất vào tôm bị lực lượng chức năng phát hiện.

Ông Trương Phi Long- Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 cho biết: Hành vi gian lận thương mại bơm tạp chất vào động vật làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng.

Việc bơm nước vào lợn, bò khó có thể đảm bảo được tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Đáng lo ngại hơn là nếu các chủ cơ sở giết mổ sử dụng nguồn nước như nước ao, hồ không đảm bảo vệ sinh bơm vào gia súc thì nguy cơ thịt bị nhiễm khuẩn rất lớn.

Tình trạng này vi phạm từ lâu, song việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời rất khó khăn bởi đối tượng thường thực hiện về đêm, khi nghe có “động” là lập tức đóng cửa, lùa gia súc đi nơi khác. Khi bị phát hiện, lập biên bản, đối với các trường hợp vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi.

Nhưng việc thực hiện rất khó vì giá trị heo, bò cao nên thường người vi phạm sẽ chờ nước trong động vật tiêu hóa hết rồi tìm biện pháp “xử lý” tiếp.

Thời gian qua, dù các lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp kiểm tra về điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm, thường xuyên kiểm tra tình hình bơm nước vào gia súc tại các điểm giết mổ tập trung và các chợ trên địa bàn song các trường hợp phát hiện cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Hơn hết là sự ý thức của người dân, đừng vì ham lợi nhuận mà che mất chữ tâm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc, siết chặt quản lý, kiểm tra, kiểm soát hơn nữa của ngành chức năng để lập lại trật tự, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Theo một tiểu thương chợ Phường 2: Thịt bò, thịt heo bị bơm nước thường nhão, có màu sắc không đều, không tự nhiên. Khi nấu, sẽ chảy nhiều nước, thịt “nhót” hơn so với bình thường. Thịt heo ngon có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, khối thịt săn chắc, không nhão, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều. Thịt bò ngon có màu đỏ tươi, gân màu trắng và cứng khi ấn vào. Bề mặt khô, mịn, ráo nước, mùi đặc trưng của thịt bò.

THẢO NGUYÊN

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang