• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Ngư dân đầu nguồn đón lũ

Nguồn tin: Báo An Giang, 01/08/2014
Ngày cập nhật: 2/8/2014

Mùa nước nổi bây giờ không còn là nỗi “ám ảnh” đối với cư dân vùng lũ, mà là mùa làm ăn, mùa sinh lợi. Người dân vùng đầu nguồn An Phú (An Giang) chuẩn bị tốt nơi ăn, chốn ở và tất bật sắm sửa ngư cụ cho vụ mùa làm ăn mới.

Ấp Phú Lợi là nơi có đông ngư dân nhất. Anh Quang - người có nhiều kinh nghiệm trong nghề câu lưới cho biết, do đây là khu vực tiếp giáp biên giới Campuchia nên cá tôm ở đây rất dồi dào. Mùa lũ nước ngập trắng đồng, ngư dân chỉ cần đặt vài cái lú dưới dòng kênh cũng có thể kiếm được chục ký cá, tôm mỗi ngày. Chính vì thế, ngư dân tập trung về đây khai thác thủy sản rất đông, hầu hết là dân câu lưới, đặt lú, dớn, lọp cá linh, lọp cua… suốt mùa lũ. Đi một vòng trên bờ kênh Bảy Xã cũng dễ dàng đếm được hàng chục miệng lú đặt ven kênh. Anh Quang hồ hởi khoe: Mấy ngày nay, nước mới bắt đầu “quay” nhưng đêm trước anh đặt được con cá lăng gần 3kg. Với 4 cái lú, mỗi đêm anh kiếm gần chục ký cá, tôm. Ăn không hết, anh Quang mang ra chợ quê bán cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, có tiền mua sắm sách vở, dụng cụ học tập cho con.

Dân đặt lú ở Phú Hữu hầu như ai cũng biết đến tư Dững ở ấp Phú Hiệp- người khá dày dặn trong nghề đặt lú. Hôm chúng tôi ghé nhà, ông hì hục cùng gần chục người chuẩn bị phương tiện để đánh bắt cá mùa nước nổi. Ngay bên dưới nhà sàn, có người ở trần trùng trục vót tre làm cọc, người bện hom, uốn vành… Phía trên sàn nhà, mấy chị phụ nữ ngồi ken lưới. Không khí khá khẩn trương. Ông tư Dững cho biết, làm lú hơn nhau ở bộ hom, vì vậy “bông hom” là công đoạn khó, phải cần tay có nghề. Năm nay, ông đầu tư gần 40 triệu đồng để làm 10 cái lú loại lớn (dài 12m, đường kính 7,5 tấc), mặt lưới 3,5 phân nên dễ dàng bắt các loại cá lớn. Tôi xuống mé sông trước cửa nhà, nhìn theo hướng tay chỉ của tư Dững, đếm sơ sơ có gần chục cái lú của người dân “vèo” sẵn hai bên mé sông. Ông cho biết: “Mình làm nghề “bà cậu”, chim trời, cá nước mà, ai bắt được nấy hưởng, đâu có giành giật chi. Tới mùa nước nổi, lú đặt kín hai bên mé, cá chui vô lú ai thì người đó hưởng”. Ba giờ sáng, không khí ở “xóm chài lưới” nhộn nhịp hẳn. Tiếng tát nước xuồng lạch bạch, tiếng cười nói lao xao, đèn pin rọi giăng giăng, chộn rộn từ đầu trên đến xóm dưới. Chốc chốc lại có tiếng cười vang lên thì chắc chắn có người “trúng” được cá lớn. Khoảng 5 giờ sáng kết thúc phiên thăm lú, cũng là lúc cá, tôm được phân loại mang ra chợ bán…

Ở xã Phước Hưng, lâu nay nổi tiếng với sản phẩm “lọp cá linh” bán cho bà con địa phương, trong vùng và xuất sang Campuchia. Ông út Tòng- người gắn bó với nghề làm lọp cá linh nhiều năm nay cho biết, mỗi mùa nước nổi, ở đây làm khoảng 40.000 cái lọp vẫn không đủ bán. Người dân địa phương, các tỉnh mua đặt cũng nhiều, riêng bạn hàng Campuchia mua với số lượng rất lớn. “Vô vụ đông ken phải làm cả ban đêm. Nhà nào cũng chong đèn dưới sàn, vợ chồng và con cái ngồi làm quyết liệt vẫn không đủ hàng để giao. Bên bạn (Campuchia) điện thoại xuống đặt hàng, ít hôm là cho ghe bành xuống chở về, mua một lần vài ngàn cái là chuyện thường”- ông út Tòng phấn khởi. Hiện, nước đang “quay” nên lượng đặt hàng chưa nhiều. Mỗi chiếc lọp bán khoảng 35.000- 40.000 đồng, bằng với những năm trước.

Xóm làm lọp cua đồng ở xã biên giới Vĩnh Hội Đông từ nhiều ngày qua cũng đã bắt đầu vào mùa cao điểm. Với khoảng 120 hộ dân làm nghề đan lọp và đặt lọp cua đồng, mỗi năm bán hàng chục ngàn chiếc lọp và hàng trăm tấn cua đồng.

Mỗi nơi một nghề, người dân vùng đầu nguồn biên giới An Phú biết tận dụng lợi thế mùa nước nổi để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình. Do vậy, khi những dòng nước đục ngầu phù sa tràn về cũng là lúc ngư dân bắt tay vào mùa làm ăn với tâm thế sẵn sàng, phấn khởi!

Huyện An Phú đã sẵn sàng cho công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị tốt phương tiện thông tin liên lạc và phương tiện tổ chức cứu hộ-cứu nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, chủ động tổ chức dạy bơi cho trẻ, đưa rước học sinh, củng cố và lập điểm giữ trẻ, củng cố các chốt, điểm cứu hộ, cứu nạn. Khẩn trương tu sửa đê bao, cầu đường bị hư hỏng, xây dựng phương án di dời nhà dân đến nơi an toàn…

HỮU HUYNH

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang