• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Phước: Nghề cạo mủ thời cao su rớt giá

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 07/07/2014
Ngày cập nhật: 10/7/2014

Mấy năm trước ở Bình Phước, cao su là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, nhiều lao động không có đất canh tác vẫn “ấm” với nghề cạo mủ. Năm nay, mủ cao su rớt giá, thu nhập của nhân công cạo mủ giảm, đời sống trở nên khó khăn.

Thời hoàng kim của cây cao su, nhiều người dân phất lên, trở thành đại gia. Công nhân tại các nông trường được nhận mức lương khá thì người cạo mủ cho các vườn cao su tiểu điền cũng “ấm”. Nhưng ngày ấy xa rồi!

MUÔN NỖI LO KHI THU NHẬP THẤP

Tiếp xúc với những người làm nghề cạo mủ thuê khi giá mủ thấp, chúng tôi ghi nhận rất nhiều băn khoăn, lo lắng của họ về cơm áo, gạo tiền trong đời sống hàng ngày. Số tiền công cạo mủ 3,5 triệu/tháng của chị Lê Thị Trinh (32 tuổi) ở Sóc Ruộng 3, xã Quang Minh (Chơn Thành) không đủ để đi đám, trả tiền nhà trọ và ăn uống tằn tiện cho cả gia đình. Thu nhập thợ hồ của chồng để lo cho con đi học và cha mẹ già ngoài quê. Ước mơ tiết kiệm mua đất, dựng nhà giờ này càng quá xa vời.

Thu nhập giảm, song nhiều nhân công cạo mướn như anh Tài vẫn bám nghề để lo cuộc sống hiện tại

Là lao động chính trong nhà, ngoài bố mẹ già, anh Huỳnh Tấn Tài ở ấp Xạc Lây, xã Tân Quan (Hớn Quản) còn phải lo cho em trai đang học năm cuối Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Hiện anh Tài nhận cạo và trút 350 cây cao su ở xã Quang Minh (Chơn Thành) với giá khoán 3 triệu đồng/tháng. Vườn cây này mủ thấp nên tiền công cũng thấp. Để đảm bảo thu nhập, anh Tài còn nhận bảo vệ cho trường Mầm non Quang Minh. Các khoản chi tiêu áo quần, cà phê, vui chơi bạn bè của thanh niên chưa vợ được hạn chế tối thiểu.

Thị xã Phước Long là nơi có giá tiền công cạo mủ nhỉnh hơn các địa bàn khác nhưng người làm nghề này vẫn khốn khó. Anh Nguyễn Văn Hồng ở thôn 7, xã Long Giang chia sẻ: Năm trước, tôi chỉ cạo 500 cây/đêm là nhận được 4,5 triệu đồng/tháng. Năm nay, để có khoản thu ấy, tôi phải nhận cạo 700 cây. Thay vì được ngủ tới 3 giờ sáng, nay anh Hồng phải dậy từ 1 giờ để bắt đầu công việc.

Giá mủ xuống thấp, người dân đã dùng thuốc kích thích để tăng sản lượng - Ảnh: H.T

TRỤ NGHỀ HAY BỎ?

Những năm trước, người làm nghề cạo mủ cao su có thu nhập từ 4,5 đến trên 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, giá nhân công giảm, nhiều lao động băn khoăn không biết bám nghề hay chuyển sang công việc khác? Chị Thị Bên (31 tuổi) ở ấp Bào Teng, xã Quang Minh (Chơn Thành) đắn đo: “Mình cứ đi cạo để có tiền lo cho con đã. Mai mốt chuyển sang làm công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng. Nghề cạo mủ vừa phải dậy sớm, thu nhập lại chẳng bao nhiêu”. Chị Bên kể, ở gần khu chị ở, nhiều thanh niên đã bỏ nghề cạo mủ để đi làm công ty, xí nghiệp.

Bên cạnh việc giảm giá thuê nhân công, nhiều gia đình trồng cao su không còn thuê lao động nữa mà tự làm nên khá nhiều người theo nghề cạo mủ thuê mất việc. Chị Thị Hạnh (36 tuổi) ở ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) từng đi cạo mủ thuê. Năm nay, giá mủ giảm, chủ vườn không mướn chị Hạnh mà tự cạo. Chị Hạnh chuyển sang làm công nhân chẻ điều. Mới tập chẻ nên chị làm khá chậm, thu nhập chỉ 20-30 ngàn đồng/ngày. Gia đình đông con, chồng làm mướn, bữa có bữa không nên đời sống bấp bênh.

Phải chi tiêu nhiều khoản nên dù thu nhập từ nghề cạo mủ thuê có giảm song nhiều người vẫn ráng bám trụ với công việc. “Những năm trước, chủ vườn phải năn nỉ tôi mới nhận cạo. Lúc đó, giá mủ cao, thu nhập khá nên có dư chút đỉnh. Năm nay, tôi phải đi tìm việc, chấp nhận thu nhập giảm. Bởi làm phụ hồ thì tôi không đủ sức khỏe, làm xí nghiệp thì quá tuổi, không ai tuyển” - chị Nguyễn Thị Bích Thủy (47 tuổi) quê Bến Tre lên Tân Quan (Hớn Quản) làm nghề cạo mủ thuê chia sẻ.

Dù trụ lại hay chuyển đổi nghề thì hiện cuộc sống của nhiều người từng gắn bó với nghề cạo mủ thuê đều gặp khó khăn. Hy vọng thị trường mủ cao su sẽ “trở mình”, người nông dân nói chung và những lao động sống bằng nghề cạo mủ thuê sẽ tìm lại được nụ cười với loại cây một thời được coi là vàng trắng.

“Từ đầu năm đến nay, cả xã không có một học viên nào đăng ký học cạo mủ và chăm sóc cây cao su. Nhiều người đã quay lưng với nghề cạo mủ để đi làm tại các xí nghiệp” - Ông Vũ Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết.

T. Linh

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang