• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Áp lực sinh kế đang phá vỡ sinh tồn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 21/06/2014
Ngày cập nhật: 23/6/2014

“Hệ sinh thái, tài nguyên của ĐBSCL là một nét độc đáo, thiên phú. Đây là điều may mắn mà các bạn phải gìn giữ” - một chuyên gia nước ngoài khuyến cáo. Thế nhưng trước áp lực sinh kế, người dân trong vùng đã khai thác triệt để khiến nguồn tài nguyên, các vùng sinh thái ở đây kiệt quệ.

Sẽ thiếu nước ngọt

Mùa lũ năm 2014 sắp về. Câu chuyện nóng ở các địa phương đầu nguồn làm đê bao kiên cố chống lũ, sản xuất lúa vụ 3 đang là đề tài nóng. Có thể nói đê bao bảo vệ sản xuất lúa là yêu cầu từ thực tiễn để hạn chế những rủi ro cho nông dân trồng lúa. Cách đây hơn một thập niên, lũ sớm tràn về nhấn chìm hàng ngàn hécta lúa hè thu. Cảnh nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) hay Đồng Tháp Mười (ĐTM) lặn hụp trong nước thu vét lúa hay cảnh người chết, phải làm giàn treo trên mênh mông nước lũ đã làm quặn thắt lòng người. Từ đó, Chính phủ đã đầu tư nhiều chương trình để người dân ĐBSCL chung sống với lũ. Cụ thể là các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đê bao bảo vệ sản xuất. Có thể nói từ khi có đê bao kiên cố, các cụm tuyến dân cư vượt lũ đã thu lại nhiều kết quả: Tình trạng trẻ em chết đuối trong mùa lũ đã giảm mạnh, người dân ĐBSCL không còn cảnh ôm mùng - chiếu chạy lũ lên tận Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Nếu giảm áp lực sinh kế, nguồn lợi thủy sản sẽ tăng trưởng.

Nhiều tuyến đê bao kiên cố đã trở thành các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của người dân vùng lũ. Đó là cái lợi trước mắt. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã “tận dụng” đê bao kiên cố để gia tăng sản xuất lúa, hoa màu. Nhiều địa phương lúc đầu “cam kết” sẽ xả lũ trong 8 vụ/3 năm để đất lấy phù sa. Song, những tính toán này khó thực hiện khi một số địa phương “quên” xả lũ. Không loại trừ có địa phương đã chạy theo thành tích gia tăng sản lượng lương thực mà bỏ qua những hệ lụy. Đất trồng lúa kiệt quệ, nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí để sản xuất lúa vụ 3, tình trạng lúa bị “ngộ độc” do sản xuất lúa vụ 3 tăng lên ở nhiều nơi. Có thể nói, khi các địa phương vùng TGLX và ĐTM tăng diện tích đê bao kiên cố đã phá vỡ sự cân bằng trong điều tiết lũ ở ĐBSCL. Lượng nước lũ tràn về vùng hạ lưu gây ngập cục bộ nhiều đô thị và sau đó nhanh chóng chảy ra biển. Khi TGLX và ĐTM không còn là hai “túi” trữ nước ngọt thì việc các tỉnh “thiếu nước ngọt sản xuất đang diễn ra không còn là kịch bản mơ hồ” – một cán bộ ở An Giang cho biết. Không trữ được nước ngọt, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng là một hệ lụy tất yếu.

Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

“Ngay các phương tiện truyền thông đôi khi cũng nhầm lẫn đưa tin nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiệt hại nặng cho diện tích trồng lúa. Nhưng thực chất, vấn đề ở đây chính là địa phương đã mang cây lúa vùng nước ngọt “xâm nhập” vào vùng đất mặn” - một nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ nhận định. Đây cũng là điển hình cho việc khai thác tài nguyên đất “sai địa chỉ”.

Trong bối cảnh lúa giá rớt thảm hại, giá tôm đang tăng trở lại, xu hướng phá đất lúa, khai thác tầng nước ngầm để đưa nước mặn vào nuôi tôm tăng lên trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực sinh kế làm giàu. Người dân nhiều địa phương đã vét cả nước mặn ở tầng nước ngầm đưa vào nuôi tôm bất chấp sự ngăn cấm của địa phương. Điển hình ở Bến Tre, có gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng đốn dừa, khoan giếng dẫn nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng. Thống kê sơ bộ tại các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, người dân đã khoan 1.000 giếng nước, đào hơn 1.200ha nuôi tôm. Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân trong vùng ngọt hóa. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, việc người dân đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa rất nguy hiểm vì đất sẽ nhiễm mặn, phải mất khoảng 7 năm mới có thể cải tạo được; rất khó phục hồi đất một khi phong trào nuôi tôm thẻ gặp rủi ro.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Sóc Trăng có trên 80.000 giếng khoan hộ gia đình cộng với trên 130 trạm cấp nước tập trung, trữ lượng khai thác gần 200.000 m³/ngày. Số lượng giếng, trạm tận khai thác đã gây thiếu hụt nguồn nước ngầm, hiện nhiều người dân vẫn tự ý khoan giếng ở tầng sâu mà chưa được chính quyền cho phép. Còn tại Cà Mau, có khoảng 180.000 giếng nước ngầm, trong đó có 40.000 giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số giếng nước bị ô nhiễm trên, có 2/3 giếng khoan không phép, có một số vùng khoan sâu trên 200m nhưng không lấy được nước…

“Ngày trước người ta làm thiệp mời đám cưới chỉ có một tấm, không biết ngày nay nhiều người nghĩ sao lại làm tấm thiệp mời có đến 5-6 tấm giấy kèm theo?” - ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đưa ra một hình ảnh khá ví von nhưng “thời sự” để phê phán thói quen không tốt khi tận khai thác tài nguyên ở ĐBSCL.

Áp lực sinh kế đã dẫn đến việc khai thác tài nguyên đất, nước một cách vô tội vạ đã dẫn đến nhiều hệ lụy, làm mất cân bằng hệ sinh thái độc đáo của ĐBSCL. “Trong quá trình điều hành, một số lãnh đạo địa phương thường phiến diện, quá trình kéo dài sinh ra nhiều hậu quả” - một lãnh đạo ở ĐBSCL thừa nhận. Và hệ lụy của việc gia tăng làm đê bao kiên cố, đưa cây lúa vào vùng đất mặn, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm đã tạo ra những “khoảng trống” trong sự phát triển bền vững của môi trường ĐBSCL. Những “khoảng trống” này đã gây hệ quả nhãn tiền, tình trạng sạt lở bờ sông gia tăng ngày càng cao; tình trạng ngập úng cục bộ ở hạ lưu tiếp diễn với mức độ ngày càng cao; môi trường nước ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là cái giá quá đắt mà ĐBSCL phải trả. “Đã đến lúc các nhà quy hoạch và lãnh đạo các địa phương cùng người dân phải phối hợp tìm tiếng nói chung, tạo ra sinh kế phát triển bền vững, giữ được sự đa dạng sinh học của môi trường ĐBSCL dù điều đó có khi phải chấp nhận thiệt thòi trước mắt. Ngược lại, vì sinh kế - hám lợi trước mắt, hậu quả sẽ khó lường trong tương lai” - một nhà khoa học khuyến cáo.

CAO PHONG

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang