• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những phận đời trên sông nước

Nguồn tin: Báo An Giang, 06/06/2014
Ngày cập nhật: 9/6/2014

Đối với những người theo nghiệp nuôi cá ở làng bè huyện An Phú (An Giang) thì việc đi tìm niềm vui để khỏa lấp nỗi buồn dường như là xa xỉ và không cần thiết. Họ từ lâu đã ví tiếng sóng vỗ là bạn, xem những bè cá là nhà và sự khắc nghiệt của thời tiết là thử thách để chứng tỏ rằng: Con người không bao giờ đầu hàng trước số phận.

Ghé thăm làng bè vào buổi trưa hè oi bức, tôi thuê một chiếc xuồng nhỏ để đi. Chưa kịp nói ý định của mình, chị lái xuồng đã nhanh nhảu: “Đi tham quan làng bè hả? Em tìm đúng người rồi đó. Chị thường chở du khách, đặc biệt là người nước ngoài ra đó lắm!”. Cứ thế, suốt quãng đường chèo, chị cứ luôn miệng giới thiệu về những người hàng xóm “trên sông” của mình. Nào là, người này vui vẻ, người kia nhiệt tình, dễ gần… nhưng cũng nhờ vậy mà tôi an tâm phần nào về những người xa lạ chuẩn bị gặp.

Cảnh sông nước hữu tình, xa xa ẩn hiện những mái bè to nhỏ, lại thêm những con sóng vỗ nhẹ mạn thuyền từng cơn khiến lòng người xao xuyến khó tả. Dừng lại ở nhà bè khá quy mô, người đàn ông với nước da rám nắng, gương mặt hiền hậu ra đón khách.

Hơn 30 năm kinh nghiệm, ông Lê Thanh Bình (sinh năm 1962, ngụ ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, An Phú) tâm sự: “Gần nửa đời người gắn bó với nghề, chứng kiến bao lần tàn phá của thiên nhiên nhưng tôi chưa bao giờ có ý định phải dừng bước. Từ lâu, việc nuôi cá dưới các bè nổi đã không còn là nghề nữa, mà đã thành cái “nghiệp” không thể dứt ra được của tôi. Bắt đầu công việc từ đồng vốn rất nhỏ, nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ nhiều lắm, tôi mới có được ngày hôm nay. Hiện, dù đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trên bờ nhưng cả nhà tôi rất ít về đó ở. Lâu lâu, chúng tôi mới về dọn dẹp, rồi cũng trở lại nơi mình bắt đầu khởi nghiệp thôi. Bởi, tất cả đều đã quen sống chênh vênh cùng con nước rồi!”.

Cảnh nhà bè bình lặng trên sông nước.

Hiện, ông Bình có 3 giàn bè, số lượng cá giống khoảng 20.000 con cá hú và 15.000 con cá basa. Chi phí đầu tư bè và thức ăn hàng ngày không hề nhỏ, nhưng nếu may mắn gặp lúc cá có giá thì lời cũng khoảng vài chục đến vài trăm triệu. Theo ông Bình, nuôi cá không nặng nhọc như làm đồng, nhưng nỗi lo lắng thì không thua kém gì, có khi còn nhiều hơn. Do giá cá lên xuống thất thường, có khi mùa này cá bán được giá, mùa sau lại rớt giá. “Điệp khúc” ấy, hơn 30 năm qua ông gặp không biết bao nhiêu lần. Đó là chưa kể nhiều năm trước, ông Bình còn bị thương lái cân mua thiếu, rồi không trả tiền. Nhưng tai họa do con người tạo ra thì có thể phòng tránh, chứ do thiên nhiên thì “lực bất tòng tâm”.

Ngậm ngùi kể lại sự cố bè chìm hồi tháng 10-2013, ông Bình nói: “Làm nghề này, chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần để đối phó với bão lũ, nhưng năm ngoái lũ đến bất ngờ và dâng cao quá khiến chúng tôi trở tay không kịp. Tôi bị lũ nhấn chìm 3 cái bè và 1 ghe chứa cám, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Khi ấy, vợ và con tôi tuyệt vọng gần như thành người “vô hồn”. Bản thân tôi có hơn gì họ, nhưng nghĩ mình là trụ cột gia đình, không đứng vững thì sự nghiệp cả đời cũng tiêu tan hết. Tôi cố gượng, gây dựng lại mọi thứ đến ngày nay”.

Thế mới biết, việc mưu sinh trên cạn đã vất vả, nhưng chống chọi với “thần sông” thì càng khó khăn hơn. Những người theo nghề này lúc nào cũng lo lắng vì sự thay đổi của thời tiết. Mùa lũ hay những ngày nắng nóng, nhiệt độ nước đều thay đổi đột ngột khiến cá bị hao hụt rất nhiều. Còn ngày thường, hầu như đêm nào ông Bình cũng phải thức giấc thường xuyên để thăm và canh chừng những giàn bè của mình. “Chỉ một cơn mưa nhỏ, hay sóng to là tôi đã lo đến mất ngủ” – ông Bình chia sẻ.

Là người làm thuê, nhận nhiệm vụ canh giữ 6 bè cá cho chủ, anh Thái Văn Chiên (36 tuổi, ngụ ấp Phước Thọ, xã Đa Phước) gắn bó với sông nước cũng đã 5 năm. Nói về cuộc sống hiện tại, anh cho biết: “Tôi và vợ không có nghề nghiệp ổn định, được chủ thuê làm việc này với tiền lương hơn 5 triệu đồng/tháng (2 vợ chồng cộng lại) cũng đủ trang trải cuộc sống. Lúc mới xuống ở trên bè, tôi thấy cũng bất tiện lắm, nhưng giờ thấy cũng không đến nỗi. Có điều, mùa nước lên, việc chăm con vất vả hơn, vì nếu sơ sẩy tý thôi là có thể gặp sự cố liền”.

Tuy không có điều kiện vui chơi như trên bờ, nhưng anh Chiên thấy rất vui vì có được công việc khá ổn lo cho gia đình. Anh bày tỏ, có thể hy sinh những thú vui của bản thân mà chăm sóc, vun vén mái ấm nhỏ và cho con cái ăn học nên người. Bé Thái Thị Kim Ngân (5 tuổi, con gái nhỏ của anh Chiên) ngây thơ bảo với tôi rằng: “Thấy các bạn vui chơi trên bờ con cũng muốn tham gia, nhưng chỉ có thể đợi khi đi học mới được chơi cùng thôi. Ở đây không có bạn bè, con buồn lắm!”.

Chủ tịch UBND xã Đa Phước Lê Huệ Yến cho biết: “Địa phương cũng rất quan tâm đến hàng trăm hộ dân sống trên các nhà bè trên sông. Khi đợt lũ năm ngoái xảy ra, lãnh đạo địa phương đã đến động viên, thăm hỏi, tìm hiểu thiệt hại, đồng thời kiến nghị lên các cấp lãnh đạo hướng hỗ trợ kịp thời cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rà soát và tạo điều kiện cho những hộ có nguyện vọng lên bờ sống. Nhưng hầu hết mọi người vẫn muốn bám trụ với nhà bè của mình để thuận tiện cho việc nuôi cá”.

PHƯƠNG LAN

Các tin khác

27/12/2014
26/12/2014
25/12/2014
22/12/2014
15/12/2014
14/12/2014
13/12/2014
12/12/2014
9/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang