• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người dắt bò vượt dãy Trường Sơn

Nguồn tin:  Lao Động,13/11/2008
Ngày cập nhật: 13/11/2008

Anh Đinh Xuân Đợi đang đuổi bò vào chuồng

Chuyện thật như đùa! Hơn 48 tiếng đồng hồ, đôi vợ chồng người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, xã Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi dắt đôi bò vượt dãy Trường Sơn, lên Kon Tum lập nghiệp, đã lập nên một kỳ tích...

Sau 4 năm, gia đình này không những làm giàu trên miền quê mới, mà họ đã giúp cho đồng bào dân tộc vùng đông Trường Sơn thay đổi dần phương thức sản xuất nông nghiệp, muốn thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu phải tự lực vươn lên, ham học hỏi, biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Lập nghiệp từ một đôi bò...

Cơ ngơi của anh Đinh Xuân Đợi rộng khoảng gần 10ha, toạ lạc tại thung lũng làng Măng Cành, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, bốn phía được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn cây lá, cách thác Pa Sĩ đang tung bọt trắng xoá gần 2km. Khuôn viên được chủ nhân thiết kế khá chi tiết, nơi này màu xanh như trải lụa của giống keo lá tràm; nơi kia 10 con bò đang mải mê gặm cỏ... Hơn 1ha lúa nước 2 vụ đang trĩu hạt chín vàng; 12 con heo trong chuồng no bụng căng tròn, béo núc ních... Khi ông mặt trời vừa khuất dần sau núi, đàn bò vào chuồng, anh Đợi cắt một ôm lá sắn thật to, rải xuống hồ cá, chỉ hơn 1 tiếng, bó lá sắn chỉ còn trơ lại những cành... Như vậy, chuẩn bị có một lứa cá xuất đúng dịp Tết Nguyên đán rồi, đợt này cầm chắc trong tay khoảng 4 triệu đồng - vừa lau giọt mồ hôi còn đọng trên trán, chị Đinh Thị Rỡi - vợ anh Đợi không giấu niềm vui.

Khí hậu huyện Kon Plông trong những ngày này rét thật. Tay vừa khơi lửa ở bếp châm điếu thuốc, trầm ngâm trong giây lát, anh Đợi kể: "Kể chuyện xưa nghe buồn lắm. Mà có xưa thì mới có nay. Nhờ ngày xưa khổ cực nên vợ chồng lăn lộn, cố gắng làm ăn mới có được như ngày hôm nay. Nhìn lên thì gia đình cũng không bằng người, nhưng như thế này là được rồi phải không chú. Mỗi năm gia đình trừ mọi chi phí, ăn uống thì còn đút túi khoảng 60-70 triệu đồng. Ở nơi có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo thì gia đình tôi như vậy là được rồi". Rít hơi thuốc, anh Đợi nói tiếp: "Gia đình tôi ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2000, chuyện không may đến với chị Đinh Thị So đang làm cấp dưỡng tại Trường Dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy. Chồng chị qua đời, nên hai vợ chồng tôi cùng lên Kon Tum sống để có chị, có em. Hơn nữa, ở xã Sơn Hạ "đất chật người đông", con cái mỗi ngày mỗi lớn, nào sách vở, giấy bút, áo quần... rồi cả xe máy nữa chứ! Lên đây, vợ chồng đâu có vốn liếng gì, chỉ có hai đôi bàn tay trắng. Nhưng tôi biết đất đai ở Tây Nguyên bạt ngàn, biết tính toán và chịu khó làm ăn là được. Thế là vợ chồng dắt con bò mẹ và bò con gầy đét, với 8 triệu bạc chắt chiu trong thời gian ở Sơn Hà lên Tây Nguyên lập nghiệp.

Anh Đợi đang sửa tuabin, mắc điện sinh hoạt gia đình

Hôm lên Tây Nguyên vào khoảng tháng 7.2001, trời mưa như tầm tã, vợ chồng ướt run cầm cập. Vượt qua đèo Violét dựng đứng, đến được nơi này phải mất 2 ngày, 2 đêm. Đi đường mệt, muốn ngủ thì ngả lưng ven đường một lát. Tôi dắt dây thừng, Rỡi cầm roi đuổi bò, lưng đeo lủm củm nồi niêu... Đường thì xa, dốc dựng đứng lởm chởm đá, bàn chân chúng tôi cũng túa máu. Nhưng mà cũng tội hai con bò, chúng mệt quá, đi cũng không nổi, ngã lăn kềnh ra. Thế là vợ chồng cùng ngồi đợi và kéo riết, chúng mới đứng dậy đi tiếp. Có những lúc vừa đi, vừa chạy theo con bò muốn thở ra đằng mũi, đằng tai, mệt ngất xỉu...

Ở Kon Rẫy một thời gian đầu thiếu đất canh tác, đến năm 2004, tôi khảo sát địa hình, rồi "đổi ngang" 3 con bò và 4 triệu đồng cho già làng A Dũng - làng Tu Rằng, để lấy mảnh đất này với quyết định định cư". Tôi hỏi hơi vô tình: Sao chị không bán đôi bò này, để lên Tây Nguyên mua đôi bò khác mà gây giống, cày bừa? Chị Rỡi thật thà đáp: "Bò này đã quen hơi của gia đình chúng tôi. Hơn nữa, nó đã quen đường cày, bán thì nhớ nó lắm. Nhờ nó mà nay đã đẻ thêm 7 con bò nữa rồi. Nó là đầu cơ nghiệp của gia đình mình đó. Không ngờ hôm nay gia đình có được cuộc sống yên ổn, như con chim sống ở trên cây, như con thú sống ở rừng".

...và cuộc "cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp

Đồng bào các dân tộc thiểu số Rơ Mâm, Cà Dong cư trú ở vùng đông Trường Sơn, huyện Kon Plông, đã từ bao đời nay chưa biết sử dụng trâu bò để cày bừa đồng ruộng. Họ có thói quen nuôi trâu rất nhiều vì phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, nhưng không phải để cày bừa mà dùng để... hiến tế thần linh trong những dịp lễ hội như mừng nhà rông, lễ hội ăn trâu... Và cũng từ bao đời nay, muốn làm ruộng nước thì đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi này lùa trâu, bò xuống giẫm cho "ruộng nhừ" rồi mới rải hạt giống. Bởi thế, hôm anh Đinh Xuân Đợi dùng đôi bò cày những đường cày đầu tiên trên nương rẫy của mình, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Tu Rằng, làng Măng Cành, xã Đăk Long kéo ra xem đông như hội. Già làng A Dũng, làng Tu Rằng thì trầm trồ, tấm tắc khen: "Thằng Đợi giỏi thật, nó điều khiển được con bò cày thẳng tắp. Một đường cày của hắn hơn một ngày cuốc. Rồi hắn ngồi trên cái hàng gì có cái răng nhọn nhọn (bừa-tác giả) để bò kéo một lát thì đám ruộng tơi ra. Khoẻ thật, không như lũ làng từ bao đời nay dùng trâu bò giẫm lên ruộng, rồi dùng cuốc san cho bằng đám ruộng, vừa tốn nhiều công sức, nhưng vẫn có chỗ trũng, chỗ cao". Thế là lần lượt người dân trong làng Măng Cành, Tu Rằng đến tìm anh Đợi học và làm theo. Mùa gặt này, A Nôi - nguyên là giáo viên dạy tiểu học, trú tại làng Tu Rằng, xã Đăk Long - là người tự nguyện làm học trò đầu tiên nhờ "thầy" Đợi hướng dẫn cách thức cày, bừa.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nuôi gia súc, nhưng không biết tận dụng phân chuồng để chăm sóc cây trồng. Họ quan niệm rằng, dùng phân chuồng bón lúa, sẽ làm bẩn "mẹ lúa", nên có tội với Giàng, Giàng phạt. Thế là gia đình anh Đợi đi tiên phong làm chuồng trại có mái che để chăn thả gia súc và tận dụng nguồn phân chuồng chăm bón cây trồng. Đàn bò anh Đợi ngày càng phát triển, lúa lên xanh mơn mởn, cho mùa màng bội thu, đàn gia súc mỗi ngày một phát triển, gia đình có của ăn, của để, lại không bị Giàng phạt, nên người dân trong làng lần lượt đến xem và làm theo.

Trao đổi với tôi, ông Đinh Văn Tú - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kon Plông - cho biết: "Anh Đinh Xuân Đợi là người dân tộc thiểu số Hrê, đã không tự ti, mặc cảm, tự lực vươn lên xoá đói giảm nghèo, không ỷ lại sự bao cấp của Nhà nước. Mô hình canh tác nương rẫy kết hợp với trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc của gia đình anh Đợi đã được nhiều bà con dân tộc Rơ Mâm, Ca Dong làng Măng Cành, Tu Rằng đến học tập. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Đợi, rồi đây xã Đăk Long sẽ xuất hiện nhiều người sản xuất giỏi, làm tốt công tác xoá đói giảm nghèo như anh Đợi".

"Tôi sẽ trồng thêm cây quế, cây dó bầu... vì chúng đâu cần "cho ăn, cho bú" gì, vài năm là cho thu hoạch. Bò mẹ đẻ bò con, tôi bán bò đực làm vốn, còn bò cái thì để sinh sôi. Khi nào thác Pa Sĩ thu hút đông khách tham quan, du lịch, nơi này của gia đình tôi sẽ phát triển thành trang trại phục vụ du khách đến câu cá, nghỉ dưỡng" - anh Đợi định hướng tương lai cho trang trại của mình. Con đường dẫn khách thăm quan ra thác Pa Sĩ đang được những chiếc xe cần cẩu làm đường, múc từng muỗng đất; trông xa, những chiếc xe chở đất cần mẫn như những chú kiến tha mồi... Không bao lâu nữa, tuyến đường ra thác Pa Sĩ được rải nhựa và định hướng phát triển kinh tế của gia đình anh Đợi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Tôi tin như thế!

Minh Toàn

Các tin mới:

13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008
13/11/2008

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang