• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất ngoại... chăn bò

Nguồn tin:  TT, 31/08/2008
Ngày cập nhật: 31/8/2008

Các “cao bồi nhí” VN sang Campuchia chăn bò thuê - Ảnh: V.B.

Trời ngả về chiều, hàng ngàn con bò từ những cánh đồng cỏ mênh mông đi thành từng đàn, í ọ vang động khắp cả một vùng đồi núi Ta Keo (Campuchia) để trở về khu lều trại của những người chăn thả. Đi sau chúng là những cô cậu bé và những thanh niên phong trần gió bụi, vừa đi vừa “alô” bằng điện thoại di động để thông tin với chủ về tình hình đàn gia súc.

Đó là những người từ VN xuất ngoại sang Campuchia làm nghề chăn bò thuê, chuyên chăn thả những đàn gia súc lớn cho các chủ trại người Campuchia.

Qua khỏi dãy đồi ở gần khu Kri Vong, Ta Keo gần chục cây số là những thảo nguyên mênh mông nằm men theo sườn đồi. Hàng chục gia đình “du mục” người VN làm công việc chăn bò thuê dựng lều bằng vải bạt trên bãi chăn đang nhóm lửa chuẩn bị bữa ăn chiều.

“Du mục” trên đất khách

Vất cây roi da dùng để chăn đàn bò xuống góc lều, ngồi bệt xuống đất, ông Nguyễn Văn Thạch uống vội ngụm nước trong bình tong, dặn vợ: “Ngày mai chuẩn bị dời lều, dẫn đàn bò đi nơi khác. Nguồn cỏ ở đây đã cạn rồi. Chắc cũng phải đi thêm gần hai chục cây số nữa mới có cỏ. Bà nhớ lo thu dọn quần áo, đồ đạc để 3 giờ sáng lên đường...”.

Ông Thạch quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long, sang Campuchia chăn bò thuê cho một chủ trại bò ở tỉnh Ta Keo với trang trại gần 300 con này đã gần được hơn năm năm. Cả gia đình ông gồm năm người, hai vợ chồng và ba đứa con trai. Đứa con út mới 8 tuổi cũng phải theo cha mẹ sống đời du mục rầy đây mai đó giữa núi rừng, thảo nguyên nơi đất khách. Cuộc sống “cao bồi” chỉ lấy mái lều làm nhà theo bước chân của đàn gia súc.

Ông Thạch nói mỗi tháng người chủ bản địa trả lương chăn dắt đàn bò, trâu “trọn gói” cho gia đình ông là 1 triệu riel (khoảng 4 triệu đồng VN). Cứ ba tháng hay sáu tháng trả một lần. Công việc được chủ khoán cho là chăn dắt đàn bò ở Ta Keo. Cứ nơi nào có cỏ, nguồn nước thì dừng lại chăn thả. Những đợt dắt bộ, di chuyển đàn gia súc từ nơi này sang nơi khác đến vài chục cây số là chuyện bình thường. Có những chuyến đi chăn dắt xa kéo dài hàng tháng trời mới quay trở về trang trại, gia đình ông Thạch cứ nai nịt gạo, mắm, áo quần vào lưng bò mà đi. Đi đến đâu dựng lều bạt làm nhà đến đấy. Hằng ngày, ông Thạch phải điện thoại di động báo cáo tình hình cho chủ. Vài ngày, chủ trang trại bò lại đánh xe hơi đến kiểm tra số lượng, sức khỏe của cả đàn bò.

Ông Thạch kể trước đây khi còn ở Vĩnh Long, ông và vợ cũng chuyên đi chăn bò thuê, giữ trại bò rồi vắt sữa bò cho các chủ trại bò trong nước. Nhưng tình hình chăn nuôi bò thịt lẫn bò sữa ở miệt đồng bằng sông Cửu Long có dạo rất khó khăn, vợ chồng ông lâm vào cảnh thất nghiệp.

Nhờ có một người trong xóm sang Campuchia làm nghề chăn bò thuê chỉ dẫn, vợ chồng ông quyết định đi làm “cao bồi” xa xứ. Chẳng còn bà con, họ hàng nên hai vợ chồng phải dẫn cả con theo. “Sống đời du mục chẳng tốn kém bao nhiêu. Tiền công chủ trả tính ra khá hơn làm công việc này trong nước nên cũng dành dụm được chút ít. Tụi tui tính ráng đi chăn thuê trên xứ người thêm vài năm rồi gom ít vốn về VN nuôi vài con bò hay mua bán lặt vặt gì đó kiếm sống” - ông Thạch thổ lộ.

Ông Bảy Nuôi ở gần khu chợ bò Tà Ngáo, Tịnh Biên, An Giang - một người chuyên môi giới cho dân VN sang Campuchia chăn bò thuê cho các chủ trại người Campuchia - cho biết vài năm trở lại đây ngày càng có nhiều người VN sang đất nước chùa tháp chăn bò thuê, do tình hình chăn nuôi bò ở Campuchia đang phát triển. Giới “đại gia” nước này mở những trang trại lớn, nuôi từ vài trăm đến hàng ngàn con trâu, bò. Các ông chủ, bà chủ người Campuchia lại rất thích thuê người VN chăn dắt đàn gia súc vì dân VN cần mẫn, siêng năng, chịu khó lại có tay nghề, kinh nghiệm hơn người bản xứ.

Ông Nuôi nói có những đợt có đến vài chục chủ trại gia súc người Campuchia sang gặp những người môi giới như ông nhờ tìm giúp người từ VN sang chăn thuê. Mới tháng trước, ông giới thiệu 30 thanh niên và gần chục gia đình người An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh sang các trại bò bên Ta Keo, Conđan, Svay Riêng, Compông Chàm... để chăn bò mướn. Phí môi giới để đi làm “cao bồi” xuyên biên giới mà mỗi người phải trả cho ông Nuôi là 500.000 đồng.

Ông Nuôi bảo dân làm môi giới... xuyên biên giới như ông ngày một nhiều theo nhu cầu của thị trường. “Tính ra tiền công chăn dắt gia súc thuê bên đó cao hơn VN vì giới chủ trại rất chịu chi nếu người chăn thuê chăm sóc đàn bò béo tốt. Gần đây, do nhu cầu cần người chăn thuê từ VN khá cao nên giới chủ trại Campuchia nâng tiền công lên 4-5 triệu đồng/tháng, thậm chí đến 6 triệu đồng/tháng cho một gia đình chăm đàn gia súc vài trăm con” - ông Nuôi kể.

Anh Trương Văn Hoàng, quê ở Chợ Mới, An Giang, mới sang chăn bò thuê cho một chủ trang trại bò 100 con ở Tram Kak, Ta Keo nhẩm tính: trừ hết chi phí gạo, mắm, mỗi tháng anh cũng dư được khoảng 500 riel (khoảng 2 triệu đồng) gửi về lo cho vợ và hai đứa con nhỏ đang ăn học ở quê nhà. Khi còn ở VN, anh Hoàng cũng chăn bò thuê cho một trại bò ở Trà Vinh nhưng thu nhập tính ra chỉ bằng phân nửa hiện nay. “Đã làm nghề chăn bò thuê thì ở đâu cũng phải chấp nhận sống lang bạt, du mục. Chịu khó đi xa một tí, lạ nước lạ cái ở quê người nhưng được cái thu nhập khá” - chàng “cao bồi” đen nhẻm này bảo vậy.

Hội người chăn bò

Lang thang xuôi theo những cánh đồng cỏ mênh mông, những quả đồi nhấp nhô tại các tỉnh vùng biên giới Campuchia, ở đâu cũng có thể gặp khá nhiều gia đình “du mục” người VN đang chăn thả những đàn gia súc lớn. Có những cô bé, cậu bé chỉ mới 13, 14 tuổi cũng sang đây chăn dắt những đàn bò hàng trăm con.

Trần Văn Tiến, 14 tuổi, quê ở Sóc Trăng theo một nhóm bạn sang Campuchia chăn bò thuê được gần ba năm nay, nói ở gia đình cậu có sáu anh em. Năm nào ba mẹ cậu cũng phải đi làm thuê đủ việc. Ba năm trước, ba cậu đi đánh cá ở Cà Mau bị tai nạn đắm tàu trên biển mà chết. Mẹ cậu phải đi nhổ cỏ thuê nuôi cả bầy con nên Tiến phải nghỉ học khi đang học lớp 7.

Nghe bạn bè rủ sang Campuchia chăn bò thuê kiếm tiền, cậu bé trốn mẹ, lẻn đi. “Con còn nhỏ nên chủ cho đi chăn chung với một đứa bằng tuổi người Campuchia, hai đứa quản đàn bò gần 100 con. Mỗi tháng tính ra cũng dư được 700.000-800.000 đồng, con gửi về phụ mẹ nuôi mấy đứa em”. Tay “cao bồi” nhí này thổ lộ cậu chỉ mong mình đi chăn thuê vài năm nữa, kiếm được ít tiền rồi về VN học một nghề, “chứ lủi thủi chăn bò ở xứ người ta, nhớ nhà, nhớ quê lắm”.

Chuyện học hành cho những đứa trẻ mới vài tuổi đầu phải xuất ngoại theo cha mẹ chăn bò là nỗi lo của nhiều gia đình. Ông Nguyễn Văn Thạch nói ba đứa con ông dang dở việc học hành từ khi rời VN theo cha mẹ sang đây chăn bò.

Giới “cao bồi” VN chăn bò thuê cho các chủ trại bò Campuchia kể rằng thu nhập cao hơn trong nước nhưng rủi ro cũng cao hơn. Nhiều vùng nông thôn Campuchia bị nạn trộm bò hoành hành ghê gớm. Dân trộm bò có trang bị vũ khí đến các vùng đồi núi hẻo lánh mà dân chăn bò thuê người VN đang cắm lều, chăn thả để tấn công, cướp bò đưa lên xe tải chở đi.

Cách đây hai tháng, một người VN chăn thả đàn bò 150 con bị bọn trộm bò đánh gãy cả hai chân vì dám chống cự khi bọn chúng cướp bò. Người thanh niên này sau đó bị chủ trại đưa về vùng biên giới VN mà không trả một đồng tiền công nào vì tội làm mất bò.

Thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ chủ trại bò đòi dân chăn thuê phải bồi thường vì để bò bị thất lạc hay bọn trộm lấy mất. Nếu không có tiền bồi thường thì dân làm thuê phải ký cam kết chăn thả không công một thời gian.

Ông Thạch kể có một số người sang Campuchia chăn bò không có giấy tờ hợp pháp nên khi bị chính quyền bên đó bắt giữ, trục xuất về VN thì coi như đi làm không công vì chủ cũng “xù” luôn tiền công nhưng không thể nào thưa kiện.

“Sống ở xứ người ta, tiếng nói bản xứ mình không rành, luật pháp cũng không biết, thân cô thế cô nên có xảy ra chuyện gì thiệt thân cũng đành chịu” - ông Nguyễn Văn Quang, một tay chăn bò gốc Bến Tre, chăn thả thuê một đàn bò gần 200 con ở tỉnh Conđan gần sáu năm nay, bảo vậy.

Mới đây, ông Quang đã rủ hơn 40 người, gia đình, người VN làm nghề chăn bò thuê ở Ta Keo, Conđan... cùng vào “hội người chăn bò VN”. Ông Quang giải thích: “Hội được thành lập tự phát, nội bộ với nhau thôi để những thành viên trong hội liên lạc gắn bó với nhau, kịp thời giúp nhau khi có sự cố”. Hội này vừa gom tiền giúp một thành viên đền tiền cho chủ vì bị bọn trộm lấy mất hai con bò. “Thật ra cũng chẳng ai muốn đi chăn bò thuê lang bạt nơi xứ người làm gì. Chẳng qua chỉ vì tiền để nuôi sống gia đình” - ông Quang nói.

Trong nhóm của ông cũng đã có vài người chăn bò thuê được 4-5 năm, dành dụm được vài chục triệu đồng thì bỏ nghề quay về VN, người mở trại bò nhỏ nuôi vài ba con ở An Giang, người mở quán cà phê, người mở vựa cá ở Kiên Giang... Tuy nhiên, theo ông Quang thì số này không nhiều. Còn lại vẫn miệt mài sống du mục cùng đàn gia súc nơi thảo nguyên xứ người với những giấc mơ ấp ủ trên lưng bò...

VŨ BÌNH - TẤN ĐỨC

Các tin mới:

31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008
31/8/2008

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang