• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những "kỹ sư chân đất"

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 31/03/2009
Ngày cập nhật: 2/4/2009

Họ là những nông dân, có người học chưa hết cấp 2. Bằng đôi tay cần cù, tài hoa, bộ óc sáng tạo, những nông dân của miệt đồng đất Miền Tây tự mày mò, nghiên cứu, thiết kế cải tiến thành công những nông cụ hữu ích. Sản phẩm của những “kỹ sư chân đất” này rất đa dạng, độc đáo: máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu, máy xới 4 bánh cải tiến... Những công trình của niềm đam mê đã giúp bà con nông dân đỡ cực nhọc, giảm chi phí, góp phần cho mùa vàng bội thu.

* Hồ Văn Be và chiếc máy xúc giê lúa

38 tuổi đời, 20 năm “một nắng hai sương” cùng miệt đồng đất xứ cù lao ông Chưởng. Anh Hồ Văn Be (Út Be) nhà ở ấp Mỹ An, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, 6 năm liền là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh An Giang, mỗi năm tổng thu nhập từ sản xuất lúa và dịch vụ nông nghiệp của gia đình anh tới gần 400 triệu đồng. Năm 2007, Út Be vinh dự được ra Thủ đô Hà Nội dự hội nghị điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc.

Anh Út Be bên chiếc máy xúc giê lúa. Ảnh: CHÍ DŨNG.

“Không chỉ mần ăn ngon lành, mà Út Be còn là “kỹ sư” của bà con nông dân xã tui đó nghe” – anh Lê Thành Hòa, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Mỹ, giới thiệu – Anh có thấy cái máy đặt ở trước sân kia không? Máy xúc giê lúa của Út Be sáng chế đó”. Út Be đỏ rần mặt khi nghe anh Hòa nói. Anh nói như thanh minh: “Anh Hòa nói quá vậy thôi. Chứ mình nào dám “qua mặt” mấy anh kỹ sư. Làm ruộng đã khổ, phải lo đủ thứ, đến khi lúa chất vô bao rồi chưa hết lo, hổng biết giá cả ra sao. Bởi vậy, tui thấy mình làm được điều gì giúp bà con bớt chi phí, có thêm lợi nhuận từ hạt lúa thì có gì đáng nói đâu. Vả lại mình cố gắng làm ăn để sau này con cái đỡ cực”. Tôi nhìn những tấm giấy khen về thành tích học tập của 3 đứa con anh (2 gái, 1 trai) treo trang trọng ở vách tường phòng khách và cậu con trai út của anh – cháu Hồ Đạt Khang (12 tuổi, học lớp 6) ngồi đôi tay thoăn thoắt nhập văn bản trên máy vi tính, tôi biết điều anh tâm sự là thật. Ở vùng nông thôn sâu, cách trở đò giang mà chịu đầu tư cho con cái phương tiện học tập hiện đại như Út Be quả là chuyện hiếm.

Năm 1989, gia đình Út Be có khoảng 40 công ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ, lúa làm ra chỉ đủ ăn nhưng rất vất vả. “Nội chuyện làm cỏ cho 40 công lúa là đủ mệt rồi” – Út Be nhớ lại. Lao động quần quật với ruộng đồng, nhưng cứ rảnh chuyện đồng áng là Út Be lại bám theo mấy anh cán bộ nông nghiệp học hỏi thêm về kỹ thuật canh tác lúa, về sâu bệnh, dịch hại... Bước ngoặt của Út Be bắt đầu từ năm 2000, khi anh mạnh dạn bắt tay vào việc sản xuất lúa giống để cung ứng cho bà con nông dân trong vùng. “Trong khi nhiều hộ nông dân còn e ngại sản xuất lúa giống, vì xưa nay chưa làm bao giờ, thì Út Be gật đầu làm ngay” – Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Nguyễn Văn Sanh, nói. Và ngay vụ đầu tiên nhận làm lúa giống, Út Be thắng lớn... Hiện nay, gia đình anh đã có gần 100 công đất, trong đó từ 40 – 50 công anh dành cho việc nhân lúa giống, diện tích còn lại anh sản xuất lúa hàng hóa. Nhưng có năm lúa giống của gia đình Út Be thu hoạch về phơi xong không tìm được nhân công gom lúa giê và vô bao. Nhiều khách hàng chờ mua lúa giống không được đã tìm nơi khác. Út Be nói: “Tui nghĩ phải chi làm được cái máy vừa xúc lúa rồi giê luôn, mình chỉ việc lấy bao hứng lúa sạch rồi khâu miệng lại là xong”.

Vậy là Út Be bắt tay vào làm. Đó là thời điểm cuối năm 2004. Út Be bắt đầu thực hiện bản vẽ trên giấy tập học trò. Hết viết viết, rồi lại xóa xóa mất gần tuần lễ anh đã phác thảo xong hình dạng chiếc máy cùng các bộ phận và nguyên lý hoạt động. Không có tay nghề cơ khí, vậy là mỗi bộ phận của máy anh lại vẽ lại từng chi tiết rồi kêu thợ sắt đến cắt, hàn theo bản vẽ… Ba tháng sau, chiếc máy xúc giê lúa hoàn thành. Máy có dạng hình hộp chữ nhật, có 4 bánh cao su hoạt động nhờ động cơ máy D6, bao gồm 4 bộ phận chính: giàn hốt lúa, hệ thống khoan, hầm chứa, hệ thống quạt gió. Út Be nóng lòng đưa máy vào thử nghiệm, bà con tập trung chật cứng cả con lộ nhựa trước cửa nhà anh đặng coi sáng chế của “kỹ sư miệt đồng”. Chiếc máy nổ giòn tan khởi động giàn hốt lúa, nhưng giàn hốt không xúc được lúa để đưa lên bộ phận giê mà cứ hốt trật lất… Thất bại thảm hại ! Không nản, Út Be nghiên cứu lại giàn hốt lúa. Anh phát hiện do bộ phận hốt lúa làm theo kiểu vòng tròn xoáy, khi hốt xong qua một tua là lúa văng ra ngoài. Út Be làm lại bộ phận hốt lúa theo kiểu chân rít: hốt lúa vào đưa lên rồi đổ vào hệ thống khoan. Không chỉ có vậy, hệ thống hốt lúa này có thể điều chỉnh ở các độ cao thấp khác nhau. Đầu năm 2006, những sai sót, khiếm khuyết của chiếc máy xúc giê lúa đã được khắc phục. Út Be đưa vào hoạt động thử nghiệm và thành công.

Theo tính toán và qua thực tế áp dụng trong xúc giê lúa tại gia đình Út Be, với 8 tấn lúa giống, nếu thuê nhân công gom lúa, vác để máy suốt giê sạch tổng chi phí 2,4 triệu đồng, nhưng với máy chỉ chi phí 300.000 đồng. Anh Út Be cho biết thêm: “Máy rất hữu ích đối với những tổ, hợp tác sản xuất giống, giúp chủ động sản xuất, rút ngắn thời gian làm sạch lúa giống, giảm bớt rủi ro do thời tiết”.

Trong 16 giải pháp đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2007 (tổ chức trao giải ngày 15-1-2008), máy xúc giê lúa của nông dân Hồ Văn Be đạt giải Ba.

* Tư Chưởng -– Chế tạo máy phun thuốc diệt sâu rầy

Đến khu vực ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, hỏi ông Lê Văn Chưởng (Tư Chưởng) ai cũng biết. Lão nông 61 tuổi này nổi danh hơn 10 năm nay với nghề phục tráng lúa giống. Mới đây, ông lại gây tiếng vang khi chế tạo thành công máy phun thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Tư Chưởng là nông dân rặt ri, cả cuộc đời gắn với đồng ruộng ấp Đầu Giồng A. Ngoài trồng lúa, ông luôn đi đầu, tình nguyện trình diễn các mô hình lúa giống mỗi khi tỉnh phát động để cung cấp nguồn giống mới cho nông dân và lưu giữ những giống lúa quý. Đặc biệt, giống lúa Cửu Long 8 được ông nâng niu, chăm sóc trồng trên mảnh ruộng của mình từ nhiều năm qua. Một thực tế là nếu không có ông, giống lúa này hiện nay chưa chắc còn. Nhắc tới giống lúa Cửu Long 8, ông vỗ tay vào đùi cái đét, nói giọng tâm đắc: “Chịu hạn cao, sống được với phèn mặn nhẹ, ít nhiễm bệnh, nhiễm rầy. Năng suất luôn ổn định từ 5 - 7 tấn/ha. Đặc biệt, tuy không xuất khẩu nhưng tiêu thụ nội địa rất mạnh, ổn định. Các loại bún, bánh, hủ tiếu được làm từ gạo Cửu Long 8 có lượng bột nhiều, chất lượng bánh ngon...”.

Theo lời ông Tư Chưởng, tiền thân của giống lúa Cửu long 8 trước đây là giống G18. Khoảng năm 1980, Trung tâm khuyến nông tỉnh đưa về thực nghiệm tại xã Mỹ Chánh đã cho năng suất 32 giạ/công, năng suất cao nhất thời bấy giờ. Do là năm đầu tiên canh tác nên cán bộ khuyến nông tỉnh đặt tên cho giống là Cửu Long 1. Thấy lúa phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nhẹ, chịu phèn, chịu hạn cao, được nhà nông tín nhiệm, nên các kỹ sư nông học từng bước chuẩn hóa và lai tạo cho đến giống Cửu Long 8. Năm 1995, khi nhiều giống lúa khác có giá trị xuất khẩu được đưa về cho nông dân sản xuất, giống lúa này không còn nguyên chủng vì lai tạp với nhiều giống khác. Sợ mất giống lúa mình và nhiều nông dân chuộng, ông Tư Chưởng tìm cán bộ kỹ thuật học cách phục tráng. Sau 3 năm phục tráng, ông đã đưa giống lúa Cửu Long 8 trở lại nguyên chủng và từ lúa nguyên chủng ông sản xuất giống lúa xác nhận để cung ứng cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Chuyện ông Tư Chưởng nghiên cứu chế tạo máy phun thuốc bảo vệ thực vật xuất phát từ nhu cầu nhân công phục vụ cho lao động nông nghiệp khan hiếm. Gia đình ông có 80 công đất ruộng, vụ thu đông 2006 lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Ông thuê nhân công không được, trong khi trong nhà chỉ có 2 lao động phun thuốc không xuể, lúa bị thiệt hại nặng. Có lần đi thăm ruộng ông nghe nông dân cùng cảnh ngộ than thở: “Phải chi có máy phun thuốc thì tốt biết mấy”. Ông Tư Chưởng nói: “Sao mình không thử chế tạo máy phun thuốc cho đồng ruộng?”. Nói là làm, ông bắt đầu mày mò chế tạo chiếc máy phun thuốc. Cái máy phun thuốc ông Tư Chưởng chế tạo từ thân của máy trục, nhưng điều ông quan tâm nhất là làm sao máy không cán lúa, hoặc ít gây thiệt hại cho lúa. Sau gần 1 năm nghiên cứu tháo ra, ráp vào, đến tháng 4-2008 ông đã hoàn thiện máy phun thuốc và chính thức đưa vào sử dụng dưới ruộng nhà. Máy có kiểu dáng như máy trục, chỉ cải tiến hai bánh lồng lớn hơn có đường kính là 1,6m, bề ngang của bánh lồng là 7cm, khoảng cách giữa hai bánh khoảng 1,2m hạn chế tối đa thiệt hại cho lúa. Trên máy đặt bồn chứa nước pha thuốc khoảng 70 lít, giàn phun đặt phía sau máy có chiều ngang là 8m, tầm phun là 10m. Công suất phun thuốc của máy một giờ 15 công, tương đương với 4 - 5 lao động thủ công. Sử dụng máy phun thuốc còn có cái lợi từ việc tăng thêm lượng nước pha với thuốc phun cho lúa thấm đều, nhất là trong điều kiện lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các loại dịch bệnh khác tấn công.

Ông Tư Chưởng cho biết mình chưa có ý định chế tạo máy bán, nhưng nếu nhà nông nào có nhu cầu muốn học hỏi cách chế tạo để về làm máy phun thuốc bảo vệ thực vật, ông sẵn sàng hướng dẫn.

* Út “máy cày” - sáng tạo để “chia lửa” với nông dân

Hàng trăm máy gặt đập liên hợp mang thương hiệu UMC1.9 đã ra đời trong xưởng sản xuất của anh Huỳnh Văn Út (Út “máy cày”, 45 tuổi) nằm sâu trong con lộ xi măng thuộc địa bàn ấp An Lạc (xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). “Chú em thấy đó. Tiếng là cơ sở chứ còn ngổn ngang dữ lắm – Út “máy cày” mở đầu câu chuyện bằng lời phân bua – Ở đây chủ cũng như thợ, hổng phân biệt gì hết. Cơ sở này tui thành lập giữa năm 2005. Còn chuyện nghiên cứu máy gặt đập liên hợp thì bắt đầu từ năm trước đó”.

Máy gặt đập liên hợp của Út “máy cày” đang gặt lúa trên đồng. Ảnh: CHÍ DŨNG.

Để ra đời chiếc máy gặt đập liên hợp và có thương hiệu như ngày nay, với Út “máy cày” đó là cả một hành trình đầy khó khăn. Anh chỉ mới học hết lớp 7, chưa qua trường lớp đào tạo về cơ khí. “Tôi là nông dân. Từng khổ vì ruộng nhà lúa chín rục mà mướn hoài không có nhân công hoặc bị họ “hét” giá tận trời nhưng cũng phải bấm bụng thuê. Tôi quyết tâm phải cải tiến, sáng chế máy gặt đập liên hợp sao cho phù hợp với ruộng đồng xứ mình” - anh tâm sự.

Hơn một năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo, có lúc ngỡ như phải bỏ cuộc giữa chừng... Nhưng với sự kiên trì, đến đầu năm 2005, chiếc máy gặt đập liên hợp do anh Út cải tiến đã hoàn tất và vận hành thử nghiệm trên mảnh ruộng gia đình. Mọi người che rạp ngoài ruộng coi “kỹ sư” nông dân biểu diễn máy gặt đập liên hợp. Thế nhưng máy trục trặc, không gặt được lúa. Nhưng anh vẫn kiên trì tháo tháo, lắp lắp khắc phục một số nhược điểm của máy. Ba ngày sau, chiếc máy gặt – đập hoạt động ngon lành, bà con ở ấp An Lạc reo hò phấn khích …

Máy gặt đập của cơ sở Út “máy cày” có chiều rộng cắt 1,9 m, di chuyển bằng bánh xích cao su không “ngán” ruộng sình lầy, có hệ thống nâng hạ thủy lực, trọng lượng trung bình khoảng 1,4 tấn, công suất gặt từ 3,5 đến 4,5 ha/10 giờ, nhiên liệu hao tốn khoảng 2,5 đến 3 lít dầu/giờ. Một ưu điểm khác của máy là tỷ lệ hao hụt lúa khi cắt chỉ 1%, tỷ lệ tạp chất dưới 1%, còn tỷ lệ tróc vỡ hạt khi dập chỉ có 0,6%. Ưu điểm lớn nhất là máy gặt đập liên hợp do Út “máy cày” cải tiến có thể hoạt động ở ruộng sình lầy và cắt lúa nghiêng hoặc ngã đổ. Ngoài ra, chiếc máy gặt đập liên hợp này còn hoạt động bình thường vào ban đêm vì anh Út chế luôn hệ thống đèn chiều sáng. “Tôi đã cải tiến và sáng chế thêm những bộ phận mới của máy gặt đập để phù hợp với điều kiện đồng ruộng miền Tây. Tôi chỉ giữ lại động cơ, hộp số, hệ thống bánh xích do nước ngoài sản xuất (Trung Quốc, Nhật Bản), còn lại băng tải lúa, giàn cắt, khung sườn máy, đèn, ghế ngồi, thùng và ghế ngồi cho người điều khiển máy… đều do tôi tự chế tạo, gia công. Thời điểm tôi cải tiến chiếc máy đầu tiên giá bán chỉ trên dưới 100 triệu đồng, nhưng hiện nay do giá vật tư thiết bị biến động nên giá thành tăng lên 150 triệu đồng” – anh Út cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Hiền – nông dân ở xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, người từng mua 1 máy gặt đập liên hợp của cơ sở Út “máy cày” bộc bạch: “Tui mới mua một máy của Út “máy cày” hết 150 triệu đồng, trong khi đó nếu mua máy tính năng tương tự do Trung Quốc sản xuất phải mất 177 – 185 triệu đồng. Gia đình tui quyết định xài máy này vì không chỉ tiết kiệm được chút ít mà cái được là miệt quê tôi đất mềm, lúa hay ngã đổ, xài máy gặt đập liên hợp của cơ sở anh Út là phù hợp nhất”.

Tháng 10-2006, máy gặt đập liên hợp của Út “máy cày” tham dự Hội chợ thương mại nông nghiệp, nông thôn tổ chức tại TPHCM. Chỉ trong buổi sáng khai mạc, anh ký một lèo 5-6 hợp đồng bán máy cho bà con nông dân ở miền Tây. Sau đó, Út “máy cày” giành giải nhất Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ V (2006 - 2007) với đề tài: “Cải tiến, sản xuất máy gặt đập liên hợp Út máy cày”. Cũng đề tài này, Út “máy cày” đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9. Đây là lần đầu tiên một nông dân Đồng Tháp giành được giải thưởng này. Máy gặt đập liên hợp của Út “máy cày” còn đoạt giải nhất trong hội thi bình tuyển máy gặt đập liên hợp do Bộ NN&PTNT tổ chức năm 2007.

“Tiếng lành đồn xa”, nông dân các địa phương ở ĐBSCL rồi cả Đồng Nai, Lâm Đồng, Huế, Quảng Trị, Hải Dương… biết tiếng Út “máy cày” tìm đến đặt hàng. Trung bình mỗi năm Út “máy cày” xuất xưởng trên 60 máy.

Hiện nay, ngoài dòng sản phẩm máy gặt đập liên hợp, Út “máy cày” đã thực hiện xong một loại máy nông nghiệp mới mà anh gọi là “máy 3 trong 1”. Anh nói: “Máy này tôi sử dụng cho cả sạ lúa, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Một cái máy làm 3 công việc nên gọi là 3 trong 1 cho tiện”. Chiếc máy “3 trong 1” của anh Út chỉ cần 1 người điều khiển, chạy bằng động cơ 15 sức ngựa. Dự kiến sau khi vận hành thử nghiệm trong vụ đông xuân 2008-2009, Út “máy cày” sẽ tung sản phẩm này ra thị trường cho bà con sử dụng với giá thành khoảng 70 triệu đồng.

* Đặng Văn Thắng với chiếc máy xới 4 bánh cải tiến

Tuổi thơ của anh Đặng Văn Thắng (Hai Thắng) nhà ở ấp Nhơn Lộc, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là những chuỗi ngày cơ cực. Nhà có 3ha đất nhưng làm năm trúng năm thất, gia đình thì có 11 miệng ăn nên cuộc sống càng khó khăn trong mùa giáp hạt. Là anh cả, hàng ngày Hai Thắng một buổi đến trường, một buổi theo cha ra đồng đi cày thuê, suốt lúa mướn nuôi đám em còn nhỏ. Ham học, nhưng hoàn cảnh khó khăn buộc Hai Thắng phải dở dang việc học năm lớp 9. Những lúc làm hết việc ở ruộng nhà, anh tranh thủ làm mướn cho các chủ máy suốt, máy xới trong xóm để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Được cái Hai Thắng rất sáng dạ. Thấy máy suốt, máy cày, máy xới của chủ, của cha hư bộ phận nào, Hai Thắng mày mò sửa đi sửa lại, không rành thì đến các tiệm sửa máy trong xóm mà học lóm về sửa cho đỡ tốn tiền.

Hai Thắng tâm sự: “Chính những năm đi suốt lúa mướn cùng cha, thấy cảnh bà con nhọc sức cho việc gom, hứng lúa, buộc bao,… lúa rơi vãi, hao hụt nhiều, chủ đất la, tôi quyết tâm làm máy suốt chuyển từ quạt hút sang quạt lùa và từ hứng thúng qua hứng bao cho tiện”. Ngày đi làm mướn, đêm về, Hai Thắng giăng lưới để kiếm tiền tích góp thực hiện ước mơ. “Cái khó nhất là kỹ thuật hàn, tiện vì mình không qua trường lớp, nên mỗi lần đi sửa máy tôi theo các thợ học, mượn đồ làm thử”… Một hôm Hai Thắng xin chủ máy cho mình thử chế cái gàu ra lúa nối thêm vào đầu ra thóc của máy suốt. Nghe Thắng trình bày ý tưởng cũng hay hay, nên ông chủ máy đồng ý. Lúc đó, Hai Thắng vừa tròn mười bảy tuổi. Nhớ lại ngày ấy, anh nói: “Cha cho tiền vừa đủ mua vài chục ký sắt vụn. Mình lân la làm quen với chủ tiệm hàn trong xóm, xin hàn ké, trả tiền que chì. Công việc chế tạo mất hơn hai tháng mới xong”. Hai Thắng ráp, nối bàn gàu hứng lúa cải tiến của mình vào máy suốt. Đem chiếc máy ra ruộng chạy thử mà lòng Hai Thắng cứ nao nao. Máy suốt, lúa vào bàn gàu, lại đổ ra ngoài, nhiều bà con đến xem cười chế nhạo. Không nhụt chí, Hai Thắng tiếp tục cải tiến, lần hai, lần ba và đến lần chạy thử thứ 4 thì máy êm ru, lúa suốt ra chạy thẳng qua bàn gàu vô bao. Đó là vụ đông xuân 1991-1992. Chỉ năm sau, cải tiến của Hai Thắng đã được ứng dụng khắp các cánh đồng ở An Giang. Cải tiến này đã giúp người nông dân tiết kiệm công suốt lúa, hạn chế hao hụt, lại tăng công suất suốt từ 30 công/ngày lên 35-40 công/ngày.

Gia đình Hai Thắng sắm được chiếc máy xới tay. Khi thao tác trên đồng máy xới tay vừa chậm lại tốn nhiều công sức mà không ngồi lái được. Thế là, anh tiếp tục cải tiến chiếc máy xới tay thành chiếc máy chạy bốn bánh. Anh gắn thêm giàn ben 4 bánh cùng giàn xới ngang phía sau. Tất cả chi phí cho chiếc máy xới cải tiến của Hai Thắng hết 15 triệu đồng. Đưa vào vận hành, máy chạy khá tốt. Lúc này, trên thị trường, máy xới ngồi như thế đang có giá trên 45 triệu đồng/máy. Tiếp tục đổi bánh sắt thành bánh hơi, máy vẫn xới được chỗ lầy, rút ngắn giàn ben lại cho trọng lượng máy nhẹ hơn… thế là “thế hệ F1” máy xới tay thành máy xới 4 bánh của Hai Thắng hoàn thành vào năm 2003. Không dừng lại ở đây, anh tiếp tục cải tiến, hoàn thiện chiếc máy xới của mình sang nhiều thế hệ, có công suất xới từ 4 đến 5 ha/ngày, di chuyển được những vùng đất lầy mà máy cùng loại ngoại nhập không thể xuống.

Cầm bản vẽ thiết kế máy xới cải tiến của anh trên tay, tôi không biết đâu mà lần. Bánh xe, hộp số… tất cả chi chít, rối tung. Anh nói: “Nhà báo không thể hiểu đâu. Mình vẽ theo hiểu biết của mình và khi thực hiện thì giải thích cho thợ để họ hiểu làm theo. Miễn sao đạt yêu cầu là tốt”. Đúng là chỉ có niềm đam mê mới giúp anh nông dân Hai Thắng dám làm những chuyện không giống ai này. Máy xới 4 bánh cải tiến của anh giúp tiết kiệm 20% nhiên liệu và tiết kiệm 40% chi phí nếu mua máy nhập từ nước ngoài. Các máy này đã chứng minh năng lực vượt trội trên đồng đất tại các tỉnh ĐBSCL. Chính cải tiến này đã giúp anh đạt giải 3 Hội thi kỹ thuật sáng tạo An Giang 2005 và được Bộ Khoa học-Công nghệ tặng Bằng khen về sáng kiến - cải tiến kỹ thuật trong Hội chợ Công nghệ và thiết bị toàn quốc cùng năm. Cải tiến kỹ thuật chiếc máy xới 4 bánh của hai Thắng cũng được Sở Khoa học và Công nghệ An Giang và Cục Sở hữu trí tuệ công nhận quyền sáng chế.

Hiện mỗi tháng, xưởng cơ khí của anh xuất xưởng từ một đến hai chiếc máy xới phục vụ bà con. Anh cũng đã được Bộ Công nghiệp (cũ) tặng 50 triệu đồng nhờ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để mua máy phay, máy bào kim loại, máy khoan… phục vụ cho việc chế tạo máy xới cải tiến và giải quyết việc làm cho 4 nhân công với thu nhập thường xuyên 2 triệu đồng/tháng. Tuy đã thành công với cải tiến của mình, nhưng Hai Thắng vẫn chưa dừng lại ở đó, anh tâm sự: “Tích góp đủ vốn tôi sẽ mở dây chuyền chế tạo máy cải tiến và suy nghĩ làm thêm những cải tiến khác để giúp ích cho bà con nông dân”.

* Lê Hồng Phương với chiếc máy tưới cải tiến

Anh Lê Hồng Phương (Hai Phương), 33 tuổi, nhà ở ấp Tân Lập, xã Tân Qui Tây, TX Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, là một nông dân rặt, trước đây lăn lộn một nắng hai sương với đồng ruộng nhưng cuộc sống không khá giả. Trăn trở với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, anh quyết tâm tìm cách phá thế độc canh cây lúa để thoát nghèo. Trở về nhà sau chuyến thăm quê vợ (xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) nơi nổi tiếng với nghề làm rẫy, anh đưa ra một quyết định táo bạo khiến cả gia đình tròn mắt: “Bỏ lúa. Trồng củ cải trắng”. Anh thuê máy móc đất ruộng lên liếp toàn bộ 1,4 ha đất lúa để trồng củ cải. Đó là thời điểm năm 2000. Bà con chòm xóm hiếu kỳ kéo nhau ra tận bờ mẫu để coi và nhiều người cho rằng: “Chỉ có khùng mới bỏ lúa trồng củ cải. Có mà đói nhăn răng”.

Khoảng 2 tháng sau, khi anh thu hoạch vụ củ cải trắng đầu tiên với trên 30 tấn, nhiều bà con “ngả nón” thán phục anh chàng nông dân trẻ có tầm nhìn xa. Trừ mọi chi phí, Hai Phương lãi ròng tròm trèm trên 20 triệu đồng. Nếu trồng lúa trên cùng diện tích mỗi vụ giỏi lắm lời chưa tới 15 triệu đồng. Từ mô hình trồng củ cải trắng đầu tiên của Hai Phương, hiện nay diện tích trồng củ cải trắng của nông dân ở Tân Qui Tây đã lên tới trên 20 ha. Riêng gia đình anh hiện nay có tổng diện tích trồng củ cải trắng lên tới 30 công, mỗi năm anh trồng 5 vụ với tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Không chỉ thành công với mô hình trồng củ cải trắng, trồng ớt. Hai Phương còn có sáng kiến cải tiến máy tưới nước để phục vụ đồng áng. Sáng kiến này được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phát triển thương hiệu Việt trao tặng điển hình sáng tạo Việt Nam năm 2008. Và Ban tổ chức đánh giá đây là một công trình sáng kiến thiết thực và hữu ích.

“Củ cải trắng là một trong những loại cây màu có thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu nước tưới cho loại cây này rất lớn. Tôi tưới bằng mô tơ rất cực, vừa chậm, vừa tốn nhiều chi phí. Chính vì vậy, tôi mới nảy sinh ý định phải tìm phương tiện khác tưới cho phù hợp, mà phải vừa nhanh và ít tốn công lao động. Một lần tưới nước, tình cờ tôi đưa búp sen tưới lên trời, cao ngang đầu, thấy bề mặt cột nước bung rộng khoảng 3m. Tôi nảy ra ý tưởng là sẽ chế được máy tưới phù hợp hơn. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, đến năm 2003, tôi quyết định làm thử và sáng chế thành công máy tưới cải tiến này” – Hai Phương kể.

“Máy tưới cải tiến” của Lê Hồng Phương đã tích hợp thành công nguyên lý hoạt động của loại máy bơm thông dụng là máy bơm ly tâm và lực đẩy của nước khi máy hoạt động. Máy gồm 1 động cơ D15 đặt trên chiếc trẹt gỗ có kích thước ngang 1,7 m, dài 3,5 m, động cơ gắn liền bơm ly tâm (bơm hút). Nước được hút lên bằng ống nhựa (ngõ vào). Sau đó, nước được đưa lên dàn phun bằng ống dài dựng đứng cao 1,7 m (ngõ ra). Dàn phun là 2 ống nhựa đường kính 49 mm có cùng chiều dài 17 m, nằm kề nhau và một trụ giữa đỡ hình chữ T. Trên dàn phun này cứ cách nhau 2,8 m là gắn 2 vòi búp sen quay ngược hướng nhau, khi hoạt động nước sẽ được phun về phía sau vừa tạo lực đẩy đưa toàn bộ dàn phun và chiếc trẹt lao về phía trước mà không cần gắn thêm chân vịt vào động cơ. Với cách thiết kế búp sen như trên, có thể tưới tới hoặc tưới lui thông qua 4 van khóa, được gắn xung quanh nơi tiếp giáp giữa ngõ ra và dàn phun mà không phải mất thời gian quay đầu trẹt. Một lần phun có thể tưới cho 2 liếp (20 m).

Hiệu quả kinh tế của máy tưới cải tiến rất cao, giúp người dân giảm thiểu tối đa công tưới. “Diện tích 1 ha cây màu nếu tưới bằng máy bơm phải mất 5 giờ và tốn 5 lít dầu, 2 nhân công. Tổng chi phí một lần tưới cho 1 ha là 175.000 đồng. Còn tưới bằng máy tưới cải tiến chỉ cần 30 phút là tưới xong, chi phí nhiên liệu chỉ hết 0,5 lít dầu, tốn 1 nhân công để điều khiển máy. Tính ra 1 ha chỉ tốn 12.500 đồng”- Hai Phương đúc kết hiệu quả kinh tế sau khi đã áp dụng thực tế trong lao động sản xuất của gia đình.

Anh Phương ấp ủ: “Máy tưới cải tiến dễ làm, dễ học, chi phí thấp, rất phù hợp cho hộ trồng màu có diện tích lớn từ 4-5 công trở lên. Giá thành nếu thực hiện chỉ khoảng 12 triệu đồng. Sáng kiến cải tiến máy tưới phục vụ sản xuất hoa màu tôi mới áp dụng trong hộ gia đình mình. Nếu có điều kiện, tôi sẵn lòng chia sẻ sáng kiến này với bà con xa gần, tiết kiệm công lao động, chi phí sản xuất”.

Anh Đặng Thành Đời, Chánh văn phòng UBND xã Tân Qui Tây, nói: “Hai Phương là nông dân trẻ, chịu khó, luôn tìm tòi sáng tạo, đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện mô hình trồng củ cải trắng tạo hiệu quả kinh tế rất cao. Còn sáng kiến “Máy tưới cải tiến” rất có ý nghĩa, giúp người nông dân chủ động tưới tiêu, mở rộng sản xuất màu ở địa phương”.

Niềm vui, tự hào đến với nông dân Lê Hồng Phương, vào ngày 19-5-2008, anh được Chi bộ ấp Tân Lập Đảng bộ xã Tân Qui Tây kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dương Nguyên Dũng

Các tin mới:

2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009
2/4/2009

 

Các tin năm 2014

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang