• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Huấn luyện viên chim bồ câu

Nguồn tin: Sài Gòn Tiếp Thị, 04/10/2010
Ngày cập nhật: 5/10/2010

Đang là chiến sĩ công an, ông Phạm Tài Thu lại xin “về vườn” và quyết định lên núi “ở ẩn”, ngày ngày chỉ lo trồng lan và nuôi chim. Ông đã nuôi và huấn luyện thành công nhiều đàn chim bồ câu và ông ước mong mỗi công viên, vườn hoa ở cả nước sẽ nuôi được một đàn chim câu như biểu tượng hoà bình.

Ông Thu ngồi giữa bầy chim yêu quý của mình. Ảnh: Hà Dịu

Bảy giờ sáng, tại công viên Bách Thảo (Hà Nội), nhiều người tụ tập quanh hồ nước ngắm nhìn một người đàn ông mặc bộ đồ của nông dân Nam bộ, cổ quấn khăn rằn đang cho bầy bồ câu trắng ăn. Nhìn ông, người ta liên tưởng đến hình ảnh một ông tiên giữa bầy chim trong câu chuyện cổ tích.

1.000 chim bồ câu trắng cho đại lễ Ngàn năm Thăng Long

Mỗi buổi sáng, ông Phạm Tài Thu bắt đầu bằng việc thay nước cho bầy chim. Nước cho chim uống phải là nước máy sạch đã được pha thêm thuốc chống dịch bệnh cho gia cầm. Đứng giữa công viên Bách Thảo, ông tuýt còi để tập hợp bầy chim lại. Nghe tiếng còi của ông, những con đang mải chơi liền bay về nơi tập hợp. Khi đàn bồ câu đã về đủ, ông rắc bắp, lúa cho chúng ăn. Theo ông Thu, mỗi ngày, đàn bồ câu này ăn hết khoảng 1 tạ các loại hạt. Sau khi cho chúng ăn no nê, ông mới bắt đầu buổi huấn luyện.

Ông Phạm Tài Thu cho biết, đây là đàn bồ câu trắng ông gầy dựng và huấn luyện để phục vụ cho ngày đại lễ Ngàn năm Thăng Long. Để có được 1.000 bồ câu trắng này, suốt hơn một tháng, ông đi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên lựa chọn từng con chim khoẻ mạnh rồi đưa về Đà Nẵng nuôi dưỡng và huấn luyện. Trong hơn một ngàn con bồ câu, ông chọn ra 10 con chim đầu đàn, cho chúng luyện tập theo một chế độ đặc biệt. Khi những con chim này đã quen với các hiệu lệnh, ông thả chúng vào giữa bầy để những con khác bắt chước theo. Mỗi lần cho ăn là ông thổi còi, dần dần, chỉ cần ông thổi một tiếng, cả bầy chim dù đang chơi ở đâu cũng lập tức bay về.

Ròng rã suốt ba tháng trời, khi đàn chim được huấn luyện thành thạo, ông đưa đàn chim ra Hà Nội chuẩn bị cho đại lễ Ngàn năm Thăng Long. Và từ nửa tháng nay, những người dân đi tập thể dục ở công viên Bách Thảo lại được ngắm nhìn hàng ngàn cánh bồ câu trắng chao lượn trên nền trời xanh. Theo ông Thu, trong ngày đại lễ Ngàn năm Thăng Long, đàn bồ câu trắng khi nghe hiệu lệnh của ông sẽ đồng loạt bay lên bầu trời Hà Nội và sẽ lượn vòng quanh lăng Bác Hồ. Đặc biệt, đàn chim của ông sẽ xếp thành hàng chữ “Thăng Long Hà Nội” trong ngày đại lễ. Ông Thu nói: “Do mới huấn luyện, nên để đàn chim xếp thành hàng chữ này, thì phải rải thóc theo hình chữ, nhưng nếu huấn luyện lâu, theo quán tính, đàn chim có thể tự động xếp thành chữ, hay biểu tượng mình muốn mà không cần rải thóc nữa”.

Đam mê trở thành nghiệp

Ông Phạm Tài Thu kể, từ nhỏ, ông đã theo cha cho chim ăn và chăm sóc chúng. Lúc đó, không dùng còi như bây giờ, mà mỗi lần cho chim ăn, cha ông lại dùng mõ gõ để gọi đàn chim về. Trưởng thành, ông vào ngành công an. Năm 1998, ông đã xin ra khỏi ngành công an và lên Đà Lạt trồng hoa phong lan, và bắt đầu gây dựng đàn chim bồ câu, ông chọn lựa nhiều giống của Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản đưa về Đà Lạt để huấn luyện. Ông huấn luyện cho đàn chim có thể xếp chữ, xếp hình. Nhiều cặp cô dâu, chú rể đến chụp hình cưới còn thuê ông Thu điều khiển để đàn chim xếp thành hình trái tim cho họ chụp hình.

Gầy dựng thành công đàn chim câu cho vườn hoa Đà Lạt, ông huấn luyện thành công bầy chim cho công viên văn hoá Đầm Sen ở TP. HCM, rồi ra Đà Nẵng gây dựng đàn chim hơn một ngàn con cho công viên Phạm Văn Đồng thuộc bán đảo Sơn Trà. Sau đó, ông lại gầy dựng đàn chim cho ngày Đại lễ ngàn năm Thăng Long. Để di chuyển cả ngàn con chim từ Đà Nẵng ra đến Hà Nội, ông Thu phải dùng xe tải để vận chuyển các lồng chim. Ra đến nơi, đàn chim bị mệt, một số con không chịu được quãng đường xa và thời tiết thay đổi đã chết, nhưng sau đó, những con còn lại đã hồi phục rất nhanh và tiếp tục được huấn luyện chờ ngày đại lễ. Theo ông Thu, sau ngày đại lễ, ông sẽ để đàn chim này lại cho công viên Bách Thảo chăm sóc.

Nghệ nhân Phạm Tài Thu cho biết, hiện nay, ông đang nuôi hơn 50 trẻ mồ côi và truyền nghề huấn luyện chim bồ câu cho các em này để sau đó ông muốn sẽ gây dựng những vườn chim hoà bình khắp cả nước, trong đó, mỗi vườn hoa, công viên sẽ có một đàn chim bồ câu trắng.

HÀ DỊU

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang