• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Long: Chơi cá lia thia đồng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 25/07/2010
Ngày cập nhật: 26/7/2010

Những thập niên giữa của thế kỷ trước, tại Vĩnh Long, trong các trò chơi có con vật tham gia, nhóm trẻ chúng tôi coi trò đá cá lia thia đồng là nhất, trên cả đá dế. Nhất hạng vì bắt chước người lớn chúng tôi cũng tìm nguồn cá tốt, sàng lọc để tìm con đá hay, rồi cũng học kỹ thuật nuôi vỗ cho cá khỏe mạnh, hung hăng...

Chúng tôi thích đá cá lia thia đồng vì nhiều lẽ, trước hết là loại cá này khỏi phải mua - nó có rất nhiều trên các cánh đồng, chịu khó ra đồng tìm bắt là có thể có những con ưng ý. Thứ đến là bọn cá này chỉ cần tranh hùng trong một thời gian ngắn, lâu lắm là hơn chục phút là có thể phân định thắng thua, không như lũ cá lia thia Xiêm của người lớn thích chơi, chúng rất lì lợm nên nhiều trận kéo dài cả buổi...

Lia thia là loại cá nhỏ có vảy, con trưởng thành dài khoảng 4 cm kể từ miệng cho đến chót đuôi, bề ngang 1 cm không kể lúc giương hai kỳ lên để dọa đối thủ. Đặc tính của giống cá này là rất hung hăng, không như con mái có màu tai tái không có vẻ gì đặc biệt, con cá trống màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Hễ hai con trống gặp nhau là chắc chắn sẽ có một trận thư hùng quyết liệt, phải có một con bỏ chạy mới thôi. Giống như trong trò chơi với loài dế, khi hai con cá lia thia trống thư hùng với nhau người ta không dùng từ đấu mà gọi là “đá”: đá cá. Con cá lia thia có một điều hết sức đặc biệt là con cá trống nào đá bị thua thì màu của nó cũng thay đổi, không còn “mun” đen như trước mà trở nên tai tái và nổi lờ mờ các sọc hai bên hông như sọc dưa gan, chưa hết hễ gặp lại đối thủ vừa thua là bỏ chạy trối chết. Có lẽ vì đặc tính này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược vừa qua, cán bộ, chiến sĩ cách mạng nào bị đánh giá là “sọc dưa” là coi như khó được giao nhiệm vụ.

Ngày ấy, các cánh đồng trồng lúa hai bên con lộ giữa của cù lao Dài quê tôi (cù lao Quới Thiện, Thanh Bình thuộc huyện Vũng Liêm - Vĩnh Long), sau các trận mưa đầu mùa là nước đã xăm xắp mắt cá chân, cá lia thia đồng không biết từ đâu nương theo nước lên đồng nhiều vô kể. Buổi sáng, xách rổ ra đồng, dùng chân giậm vào các đám cỏ lác đã được phát nằm xăm xắp trên nước và lấy rổ chặn thì sẽ có ngay vài “trự” vừa trống vừa mái. Nhưng loại này thường chưa đủ tuổi để đá, chỉ có nước đem đi... khô! Muốn có các con lia thia chiến thì phải mất nhiều công sức hơn: kiên trì lội ruộng tìm các con đóng bọt làm ổ bên các gốc lác, góc bờ. Ở mỗi ổ như vậy, chắc chắn sẽ có một con trống và một con mái trưởng thành. Chúng xây tổ uyên ương để tính chuyện duy trì nòi giống, lúc đó nhiệm vụ con trống rất nặng nề: phải đủ dữ tợn để bảo vệ được giang sơn của mình. Vậy cũng chưa ngon, muốn có con thật chiến thì nhẹ nhàng vớt một con trống ở ổ này để sang ổ gần đó. Tức khắc sẽ có một cuộc huyết chiến xảy ra, con thắng trận là con cá được chọn. Mỗi con như thế được túm trong một chiếc lá môn đem về nhà nuôi. Kỳ công như vậy nhưng một buổi sáng chúng tôi cũng chọn cho mình vài con như thế. Cá đá hay còn tùy giống và cánh đồng nó sống. Thuở ấy, chúng tôi có thông tin là các cánh đồng ở Giồng Keo, gần thị trấn Ba Vát (Mỏ Cày, Bến Tre) luôn có cá hay và rủ nhau đến đó tìm cá, dù phải đi đò qua sông Cổ Chiên rồi lội bộ hàng chục cây số nữa. Mà đúng thật, lũ cá trên các cánh đồng này thường đá ăn đứt các con cá vớt trên cánh đồng quê tôi. Sau đó, qua người lớn, bọn con nít chúng tôi mới vỡ lẽ, sở dĩ nhiều con cá chúng tôi vớt được tại các cánh đồng Giồng Keo đá hay vì chúng là cá lai Xiêm, nên kế thừa đặc tính là dữ dằn và đặc biệt lì đòn của mẹ cha. Theo các cha chú, Giồng Keo thời ấy có nhiều “trường đá cá” ăn thua lớn. Những con cá bị thua được hắt xuống ruộng trước khi về nhà là nguồn cội cho lũ cá lai cho bọn trẻ chúng tôi. Con cá lia thia lai có màu sắc cũng hơi khác con cá lia thia đồng, có chút “nghề chơi” là nhận ra ngay. Từ đó, chúng tôi qui ước với nhau: cá lai thì đá với cá lai, nếu con lai đá với con cá đồng thì phải có thỏa thuận riêng, như là “chấp nước” (con cá đồng được ở trong keo của nó, còn địch thủ phải vớt từ keo khác sang, dĩ nhiên là con bị vớt sẽ mất sức hơn con tại chỗ) hoặc “chấp xác” (con cá đồng lớn hơn con cá lai).

Bọn trẻ chúng tôi xem cá đá nhau rất “máu”, nhất là trong trận đấu có con cá của mình hay “phe mình”. Khi hai con cá địch thủ được thả vào chung một cái keo thì vừa nhận ra nhau chúng lập tức phùng mang, giương kỳ vờn nhau. Đó cũng là lúc các con mắt chúng tôi banh ra hết cỡ. Thông thường có một con sẽ xông lên cắn mạnh vào đối thủ, có khi mạnh đến nỗi làm nước reo lên một tiếng “tỏn”, cùng lúc ông chủ của nó cũng hét lên một tiếng khoái trá khiến ông chủ của con cá bị cắn thiếu điều muốn đứng tim! Con cá kia cũng không vừa, liền cắn một phát trả miếng. Hai con tiếp tục vờn rồi lại xông vào đá (cắn) nhau, các con cá dữ thường nhè đầu đối thủ mà cắn. Thích nhất là khi con cá nhà đớp được một mảng đuôi hay kỳ của đối phương, dĩ nhiên con bị đả thương như thế sẽ mất sức chiến đấu, chưa kể hình dáng te tua trông xấu tệ! Cao trào là khi hai đối thủ đối mặt đấu sức với nhau qua miếng “khấu miệng”: hai con dùng miệng cắn vào miệng nhau, cố sức dìm địch thủ xuống. Con yếu sức sẽ là con mau mắn ngoi lên ngớp không khí trước sau khi chúng nhả miệng nhau ra, cũng là lúc phơi bụng cho đối phương đánh “tỏn” một miếng ra trò nếu con kia còn sức. Miếng độc là miếng cắn đứt một phần vi của đối phương, bởi khi mất một phần vi thì sự di chuyển sẽ không còn linh hoạt, thậm chí nghiêng hẳn một bên nếu vi bị đứt nhiều. Chỉ hơn khoảng 10 phút sau là trận đấu kết thúc, con thua sẽ là con chạy có cờ trước sự truy đuổi của địch thủ, mình mẫy nó lúc này nhợt nhạt với mấy cái “sọc dưa”. Lúc thắt ngặt, lũ trẻ chúng tôi cũng đem con thua về o bế lại để chơi tiếp, nhưng thường là nó bị hất xuống mương cho đã đời một kiếp lang thang bất hạnh của một con cá “rót” (thua).

Thú chơi cá lia thia không chỉ là lúc đem cá đi đá mà còn những lúc nuôi dưỡng cho cá sung độ. Tìm thức ăn gì để cá mạnh khỏe và hung hăng, nhất là dưỡng cho bộ răng phải luôn luôn sắc như dao cạo. Muốn thế phải luôn thay đổi thức ăn cho mấy con cá cưng, từ lăng quăng non đến trùn chỉ, kẹt lắm mới là một con nhện chân dài thường giăng tơ ở các góc nhà... Lại còn phải thay nước một tuần mấy lần. Xem cá lia thia “đá bóng” cũng rất thích: hai con cá lia thia sung mãn trong hai cái keo để khít nhau được ngăn cách bằng một mảnh giấy. Khi kéo mảnh giấy đi, hai con cá vốn rất hung hăng thấy nhau tức thì phùng mang, giương kỳ vờn nhau - mỗi con một cách trông rất đẹp, lắm con hung hăng cắn cả vào thành keo, khiến ông chủ phải dừng cuộc chơi ngay vì sợ cá bị... hư răng!

HỒNG VÂN

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang