• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gặp tỷ phú có vườn cây 'độc'

Nguồn tin: , 05/05/2010
Ngày cập nhật: 8/5/2010

Không đủ đất để trưng bày, anh cho cây "xếp hàng" dài tới nửa km, khiến nhiều người nhìn mà... phát thèm. Vườn cây cảnh của anh tuy diện tích không lớn nhưng cũng có tới gần một nghìn chậu, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Đến làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, Nam Định, có lẽ không ai là không biết đến một tỷ phú nổi lên từ nghề chơi và buôn cây cảnh, người dân quen gọi anh là Huy “lùn”, tên thật Nguyễn Quang Huy. Vườn cây cảnh của anh Huy tuy diện tích không quá lớn nhưng có khoảng gần một nghìn chậu cây các loại, trong đó, phổ biến là xanh, si, đa, la hán, lộc vừng, sung, ngâu, lựu. Cây cảnh nhiều đến nổi không đủ đất để trưng bày, anh cho cây “xếp hàng” cả nửa cây số trên con đường lát xi măng trước cửa nhà, ngoài ra, anh còn “gửi” cây bên nhà bố mẹ vợ và một số anh em gần đó.

Thuở mới lập nghiệp, anh Huy hầu như chỉ có hai bàn tay trắng. Anh cũng phải lang thang qua nhiều nghề như dệt chiếu, làm mộc, buôn lợn, chó, xe ôm, chụp ảnh... rồi mới tìm được niềm đam mê thực sự của mình.

Số là khi ông anh rể của anh Huy sau một vài chuyến đi rừng có mang về vài cây xanh, cây si khá bắt mắt thì quyết giữ lại ở vườn nhà để chăm và... ngắm. Hồi đó, khoảng những năm đầu thập niên 80, khái niệm về thú chơi cây cảnh bắt đầu nhen nhóm ở một bộ phận giàu có nơi phố thị, chứ nông thôn nào ai thiết gì thứ cây này. Riêng anh Huy sau khi xem một số cây cảnh của ông anh rể lại khá thích thú và anh sớm nhìn thấy tiềm năng kinh tế của nó.

Anh bắt đầu “học mót” cách chăm bón, tạo dáng cho cây, những “cung đường” đưa cây rừng về với vườn nhà… "Thời đó còn khó khăn lắm, một vài triệu với người dân quê to như... quả núi. Nhưng tôi quyết vay mượn anh em, bạn bè, dốc cả gia sản để sang tỉnh bạn mua một cây cảnh với giá gần hai triệu đồng", anh kể lại.

Anh nói thêm: “Hồi ấy, người làng nhìn tôi như kẻ dở hơi, ăn còn chẳng có mà ăn, bỏ tiền núi chỉ để mua vài cái cây dại về. Gia đình cũng ngăn cản hết nước hết cái. Nhưng tính tôi đã quyết là làm, chẳng “lăn tăn” gì. Khoảng nửa năm sau thì số cây tôi lượm lặt về chăm bón, hay những cây tôi mua với giá vài trăm nghìn tới tiền triệu đã lên 3 - 4 triệu đồng. Lúc đó, gia đình mới tin tưởng vào con đường tôi đang đi”.

Thời gian đầu vay tiền “ôm” cây mà chưa có khách đến hỏi mua, anh Huy không ít lần phải trốn hoặc giấu cây vì chủ nợ đến đòi tiền. Tuy nhiên, mặc kệ “sự đời”, cứ có đồng nào là anh lại tiếp tục gom cây, dù nợ còn chồng chất.

Bây giờ, gia sản anh có được từ vườn cây cảnh phải lên tới vài chục tỷ đồng. Mới mấy hôm trước, có vị khách trên Hà thành về đây hỏi mua hai cây xanh, si có thế “đảo địa huyền chi”, mỗi cây giá 400 triệu đồng nhưng anh không muốn bán. Cạnh đó là một cây xanh được tạo dáng “lưỡng long tranh châu” từng được một đại gia ở Việt Trì hỏi mua với giá tiền tỷ mà vẫn chưa thuyết phục được anh. Hiện trong vườn anh có những cây có tuổi thọ gần 100 tuổi, nếu định giá ra thì cũng thuộc loại tiền tỷ.

Anh nói: “Ngày xưa kinh tế khó khăn, “có ngắn vắn dài” nên tôi đành phải bán cây để đầu tư tiếp. Còn bây giờ, kinh tế vững chắc rồi, nhiều khi bán cây tôi xót lắm, chỉ thích để ngắm thôi”. Nói xong anh chỉ vào hai cây được trưng bày trước cửa chính của ngôi nhà và bảo: “Những cây này tôi quyết định sống cả đời với nó, trả giá mấy cũng không bán”.

Theo anh, cây cảnh được phân ra thành hai loại là cây cảnh cổ và cây cảnh nghệ thuật. Một trong hai cây anh muốn giữ lại thuộc dòng cây nghệ thuật, có dáng kỳ hoa dị thảo, uốn lượn không giống bất cứ cây nào. Anh cũng đã đăng ký cho chậu cây này đi triển lãm trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.

Anh cho biết, cây cảnh thì giá trị vô kể lắm, tùy vào cách nhìn và cảm nhận của mỗi người. Cũng một thứ cây nhưng với người này chẳng có ý nghĩa gì, còn người khác lại sẵn sàng dốc cả gia sản để “rước” về. Có người cả đời chỉ yêu một cây, nhưng có người tùy từng giai đoạn lại có những “gu” về cây cảnh khác nhau. Thế nên dân buôn cây thường có câu “mua ông chán, bán ông thích”.

Về việc cảm nhận cây cũng có hai trường phái là trường phái tự nhiên và xã hội. Trường phái tự nhiên cho rằng cây kiểng đẹp phải toát lên từ giá trị mỹ cảm, còn trường phái xã hội thì lại cho rằng cây kiểng đẹp phải có mối quan hệ gắn bó với đời sống con người, nhất là đời sống tinh thần. Chẳng hạn như mai, trúc, tùng đẹp vì nó tượng trưng cho những đức tính cao quý “ngự sử mai, quân tử trúc, trượng phu tùng”. Những cây mang tính trầm mặc, u tĩnh, tiêu biểu cho sự ẩn dật như sanh, si, đa, bồ đề...

Những người chơi sành rất thích những cây lâu năm, họ sẵn sàng băng rừng lội suối để săn tìm những dáng cây lâu năm độc, gốc rễ ngoằn ngoèo, biểu hiện cho sự sống trơ trụi mà hiên ngang.

Nói về dự định sắp tới của mình, anh Huy không màng tới việc xây biệt thự, nhà lầu, mà vẫn thích ở trong căn nhà cấp 4 thoáng mát, rộng rãi. Với anh, mỗi sáng thức dậy được nhìn ngắm và chăm cây, nghe tiếng chuông nhà thờ, tiếng chim hót là một hành phúc. Theo anh, nghề chơi và buôn cây cảnh là một nghề thanh tịnh tâm hồn, vừa lao động vừa hưởng thụ cái đẹp của cây. Dù bán cây với giá cao hay thấp đều không lừa bịp ai, mà theo sự định giá và cách cảm nhận giá trị của người mua.

Thu Hạ

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang