• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo tồn tre

Nguồn tin: Người Lao Động, 04/04/2010
Ngày cập nhật: 5/4/2010

Với mong muốn làm được một điều gì đó cho quê hương, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã lập làng tre và sưu tầm hơn 200 mẫu tre thuộc 17 loài khác nhau

Làng tre Phú An nằm tại 124 ấp Bến Giãng, xã Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương. Hàng ngàn bụi tre lớn nhỏ chen nhau trong một màu xanh ngút ngàn là công trình sưu tầm, bảo tồn của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Trả nợ quê nghèo

Chúng tôi gặp tiến sĩ Hạnh khi bà đang tất bật ở khu thí nghiệm để đánh dấu tên gọi địa phương, tên khoa học, thời gian và tọa độ tìm thấy của những loài tre vừa được bà sưu tầm về.

Vuốt mái tóc bạc bết mồ hôi, bà nói: “Làm như thế mới phân biệt được loài nào có tên trong danh sách, loài nào không có tên để từ đó định danh cho phù hợp. Nhiều người đến đây khi ngắm nhìn những bụi tre đều khen đẹp nhưng ít ai biết rằng để tre có tên, nơi sưu tầm, chúng tôi đã rất vất vả”.

Trước khi trở thành giảng viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, bà từng là Phó Viện trưởng phụ trách khoa học kỹ thuật của Viện Nghiên cứu cây có dầu, đã lai tạo thành công giống dừa PB 121 hiện đang được nhiều người dân trồng bởi năng suất cao, cơm dày.

Cơ duyên đưa bà đến với nghiệp trồng tre là vào năm 1999, trong một lần về quê tại xã Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương. Bà kể: “Khi ấy, gặp lại tôi, nhiều bà con trách móc: mày học cao, hiểu rộng, từng là tiến sĩ ở Tây về mà sao không làm gì cho quê hương? Câu nói bất ngờ của những người dân quê đã khiến tôi giật mình, trăn trở. Đúng là sau chiến tranh quê mình vẫn còn nghèo quá”.

Suy nghĩ phải làm một điều gì đó cho quê nhà luôn nung nấu trong lòng bà. Một lần, khi đi dạo trong xóm, bà nhận ra vùng đất quê mình có thật nhiều tre. Ý tưởng hình thành làng tre khiến bà viết ngay dự án “Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” trong đó loài cây được bảo vệ chính là loài tre quê hương. Xã cho đất, dân góp được 10 triệu đồng và làng tre Phú An hình thành.

Đưa làng tre... vượt biên giới

Để có kế hoạch phát triển lâu dài, bà gõ cửa nhiều nơi để xin tài trợ. Khi đến Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM, bà được nhận xét rằng dự án quá nhỏ nên bà phải viết lại dự án mang tầm quốc tế với tên gọi “Vườn thực vật” để kêu gọi tài trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp).

Bà kể: “Đó là năm 2001. Khi dự án hoàn tất thì ở Pháp tiến hành bầu cử. Chính quyền mới không muốn tiếp tục thực hiện dự án nên cử Phó Chủ tịch vùng Rhône Alpes là ông Jean Philipe Bayon mới đắc cử đến làng với ý định bác bỏ việc tài trợ.

Suốt từ TPHCM đến đây, ông ta không nói lời nào. Nhưng khi đến làng, nhìn những bụi tre được chúng tôi sưu tầm, khung cảnh thiên nhiên thoáng mát giống như một khu vườn thực vật, ông ấy thay đổi ngay ý định.

Ngay sau đó, bà được mời sang Pháp để trình bày ý tưởng về làng tre tại vùng Rhône Alpes. Bằng tất cả tâm huyết, bà đã thuyết phục được nhiều người dân trong vùng Rhône Alpes hưởng ứng.

Năm 2003, một dự án được hình thành với sự hợp tác giữa 4 đơn vị là vùng Rhône Alpes, tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ngoài việc vùng Rhône Alpes tài trợ 600.000 euro, tỉnh Bình Dương còn cấp 10 ha đất và thêm một phần kinh phí để xây dựng nhà bảo tàng trên làng tre Phú An.

Đam mê mãnh liệt

Hiện làng có gần 2.000 bụi tre của 200 mẫu thuộc 17 loài. Nếu như ở khu tre Bắc Bộ có các loài: tre sặc, tre mai, cây gầy, lộc ngọc, Phù Đổng, hóp... thì tại khu tre Tây Nguyên những loài: vầu, nứa, le, lèn èn, tre xiêm, lồ ồ vàng, lồ ồ đen... chiếm không gian rộng lớn.

Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngoài chiếc cầu khỉ bắc qua mương, bà còn cho trồng tre gai, tầm vông... tạo nên khung cảnh yên bình. Đặc biệt, làng còn có những loài tre quý hiếm như vàng sọc, mại muồi, tre mét, tre vuông, vietnamosasa... Niềm đam mê tre khiến bà không ngại khó khăn để tìm ra giống tre mới, làm phong phú khu bảo tồn. Những chuyến xa đến Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Huế, Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn... bà đều có mặt dù tuổi cao, sức yếu.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh cho biết bà đang nghiên cứu ứng dụng tre trong cuộc sống như dùng tre hấp thu chì, kim loại nặng để giải phóng đất bị ô nhiễm hay dùng sợi tre để làm nguyên liệu thay thế composite, nguyên liệu chống thấm nước, túi ni lông sinh học... Nếu những đề tài này thành công, tre không chỉ góp phần làm thay đổi đời sống người dân mà còn bảo vệ môi trường hiệu quả.

Góp sức cho mảnh đất quê nhà

Không chỉ chú tâm làm khoa học, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh còn quan tâm đến đời sống người dân trong làng, mong cuộc sống của họ được cải thiện.

Chủ nhật hằng tuần, bà thường tổ chức những buổi dạy học thực tế dành cho trẻ, giúp các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Bà cũng thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, hướng dẫn người dân biết cách cải tạo môi trường cho đất trồng trọt, hướng dẫn người dân làm du lịch sinh thái.

“Tôi muốn người dân quê có cuộc sống tốt hơn mà không gây tác động đến môi trường sinh thái. Có như thế, họ mới trụ lại quê hương, làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.

Huỳnh Nga

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang