• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần thủ bông lau trên dòng sông Hậu

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 18/02/2010
Ngày cập nhật: 18/2/2010

Ở Sóc Trăng có khá đông người mê câu bông lau và có cả những xóm mưu sinh bằng nghề câu loài cá này. Hoàng Sơn, hiện công tác trong ngành công an – quản forum của nhóm câu cá “Dơi ngựa lớn” cho biết: “Mãi đến cuối năm 2008, tụi này mới quyết định gom anh em thành lập một câu lạc bộ, chủ yếu là để trao đổi kinh nghiệm và gom nhau đi câu là chính.

Tập tễnh vào nghề

Cái “nghề” này hơi bị khó ở chỗ là các cụ “lão làng” thường hay giấu nghề nên người mới tập tành câu cá bông lau muốn trở thành “cần thủ” cũng khó nếu như không có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm “câu kéo”. Còn Đức Hoa (Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng), một “cần thủ chính hiệu” hiện đang giữ kỷ lục “cho lên bờ một em bông lau nặng 8,5kg” thì vui vẻ nói: Với những người lấy nghề câu cá bông lau làm cuộc mưu sinh thì mình cũng không trách họ, bởi càng nhiều người câu thì “nồi cơm” của họ càng nhỏ lại. Nhưng tụi mình, với tiêu chí “vui là chính” nên chuyện này là chuyện bình thường vì có... đông mới vui...

Trò chuyện cùng những cần thủ Sóc Trăng, chúng tôi mới ngộ ra nhiều chuyện: Hóa ra những người lấy nghề câu cá bông lau làm nghiệp mưu sinh thì giàn câu của họ là giàn câu viền, bình quân mỗi giàn câu từ 300 - 500 lưỡi, mồi họ dùng thì tùy theo mùa nhưng phổ biến là con gián và trái bần chín. Ở xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có cả xóm làm nghề này. Vô mùa, mỗi ghe câu một đêm kiếm ít nhất cũng được 4 - 5 con. Nhưng với những cần thủ “bông lau” thì chỉ dùng cần máy, mỗi cần một lưỡi và thẻo câu, chì câu mỗi người mỗi vẻ. Cá bông lau vốn chỉ ăn sát đáy nên thành bại của “cần thủ” chính là lố chì câu mà họ mang theo. Để lưỡi câu “nhạy xóc” trong những cú giật, thường thì mỗi tay câu đều dùng một bộ thẻo câu đã được làm sẵn bán ngoài chợ hoặc trong các tiệm câu hoặc tự mình “tết” cho mình một bộ thẻo như ý. Bộ thẻo câu bông lau thường gồm những phần: bộ chống rối, dây nối lưỡi (link), thẻo lưỡi, thẻo chì. Chì thì gồm nhiều kích cỡ với kiểu dáng – bắt đầu từ 150g cho đến ngoại hạng 400g.

Bộ chống rối thường dùng là cái chữ T, được các tiệm câu bán sẵn, nhưng dân câu Sóc Trăng thường ít dùng thứ này mà tự tết hoặc “độ” cho mình những bộ chống rối theo ý mình. Đại để thì cả các bộ chống rối đều cần đến Maniven (trục xoay – ma - ní), khóa móc. Ma-ní rất cần bởi khi dính câu, cá bông lau nhào lộn rất dữ hòng tháo lưỡi và bứt nhợ nên cả phần dây link và dây lưỡi phải xoay theo để dây không bị vặn xoắn, gây “cóc dây” (đứt dây) bất tử. Dân câu Sóc Trăng chê chữ T vì khó ném và dễ xoắn, rối link làm mắc kẹt cục mồi trên chảng ba. Gặp trường hợp này thì ngồi “sáng đêm cũng không có ma nào rỉa chớ đừng nói dính cá”.

Niềm đam mê của những cần thủ bông lau

Có câu nói nằm lòng trong giới cầm cần: “Phi bông lau bất thành cần thủ”. Cho nên với dân mê câu cá bông lau thì hầu như những khó nhọc, rắc rối trong cuộc đời đều có thể “vượt qua” nhanh chóng nếu như ngay con nước vô mùa. Chuyện vợ cấm vận vô nhà hay vào cơ quan với cặp mắt lờ đờ như kẻ nghiện mỗi sáng, được xem như chuyện nhỏ. Với những tay câu thì không có gì buồn bằng chuyện ngay con nước mà không vác cần ra bãi được, rồi trời mới chớm sụp tối hoặc nửa đêm nhận được tin nhắn “Sơn lên được 2 con rồi. Còn Hoa vừa lập kỷ lục”. Chắc chắn đọc tin xong, hắn sẽ tắt ngay máy điện thoại. Chính vậy mà dân câu bông lau có thuật ngữ “nhớ nước, nhớ mùng”. Nước ở đây là con nước, còn mùng ở đây không phải là cái mùng để ngủ mà là ngày dưới - ngày âm lịch.

Chỗ “ngồi đồng” thường xuyên của nhóm “Dơi ngựa lớn” hơn 3 năm nay là ở cầu Mỹ Thanh I vì ngồi trên cầu, ngay thẳng giọt dòng ưng ý nhất mà thả cần, khỏi mất công mướn ghe. Phía dưới hạ lưu cầu Mỹ Thanh I là hai hàng đáy mà theo kinh nghiệm thì “cứ thả mồi trước hàng đáy cỡ vài chục mét là chắc cú lên cá”. Cần thủ Hoàng Vũ nói cùng chúng tôi. Anh vốn là dân An Thạnh Đông (cù lao Dung), nên khá rành chuyện dòng chảy, con nước và lạch nước. Theo anh, các hàng đáy luôn đóng ở vị trí dưới “hụm nước” một chút để hứng cá trên giọt dòng xuống. Còn cá bông lau thì luôn theo giọt dòng đi ngược lên để đón mồi. Nhóm “Dơi ngựa lớn” đã từng lập kỷ lục – trong 4 giờ (từ 18 giờ đến 22 giờ) đã lên được 12 chú bông lau, con lớn nhất là 4,7kg còn nhỏ nhất là 2,4kg. Anh còn cho biết thêm: Từ hụm nước cầu Mỹ Thanh I đến tận ngã ba Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên) là đoạn sông “cá ở”. Cá ở là những chú bông lau cư ngụ tại chỗ chứ không di chuyển vùng sinh sống theo con nước, mồi kiếm được đầy đủ hơn nên luôn có kích cỡ lớn và mập, tròn hơn “cá đi” - ốm bụng và dài đòn.

Độ hơn một năm nay, một điểm khác mà nhóm hay tập kết là trên cầu Mỹ Thanh II, bắc qua cửa Trần Đề, nối liền tuyến đường Nam sông Hậu từ Cần Thơ tới tận Cà Mau. Vì ngay cửa nên cá ở đây cũng thường lớn hơn cá trong sông. Đức Hoa đã lên ở đây một chú bông lau 8,5kg và lập kỷ lục “người lên cá to nhất” của nhóm “Dơi ngựa lớn”. Sẵn đây kể luôn chuyện kỷ lục. Người đang giữ kỷ lục cá ngát to nhất là anh Bắc, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Út Xi với chú cá ngát nặng 5,6kg câu được ở cầu Mỹ Thanh I. Cũng ở đây, tài xế Tý câu được con cá đắt nhất, đó là chú cá lù đù dính ngang bụng nặng chưa tới 100g nhưng tiền mồi phải chia là 48.000đ...

Dân câu Sóc Trăng đa số dùng mồi trùn lá, giá trung bình 80.000đ/kg. Trùn lá cực tanh thành ra mỗi khi dân câu ôm cần về nhà, thường phải làm vệ sinh thật sạch mới dám bước vô nhà. Cần thủ Thành Long đã từng bị vợ... đạp ra khỏi mùng và con gái út thì giãy nảy: “Ba ơi... ra sân đi! Tanh quá hà”. Với dân câu Sóc Trăng thì xài trùn biển là quá sang vì mỗi phần câu (200g) giá tới 120.000đ. Nhưng cũng phải nói rằng với trùn biển thì những loại mồi khác mà gặp thì chỉ có nước... “xách cần câu đi chỗ khác” vì loanh quanh ở đó chả có cá nào thèm dòm ngó.

Mai này còn cá để câu?

Cá bông lau có nhiều ở những vùng cửa sông và những giọt dòng chảy mạnh, nền đáy láng trên sông Hậu. Nhưng quãng 2 năm gần đây thì chủ yếu có nhiều ở cửa Định An và cửa Mỹ Thanh. 2 năm trước, dọc theo khu vực cảng Trần Đề từng là điểm đến của dân câu bông lau Sóc Trăng nhưng nay thì hầu như chỉ... lác đác vài con “đi lạc”. Tại sao ư? Ngoài chuyện cửa Trần Đề đang bị bồi lắng, thay đổi dòng chảy thì vấn nạn “pha loãng” nước thải, chất thải của các nhà máy chế biến thủy sản đổ ra sông Hậu cũng làm đàn cá bông lau không còn dám ghé đến và cư ngụ như trước. Tháng 8 năm ngoái (2008) ở cầu Mỹ Thanh, nhóm “Dơi ngựa lớn” đã liên tục kéo lên hơn 20 chú bông lau... đều có “lác” trong 2 con nước. Tất cả những con cá này đều mang trên mình những mảng mụn đỏ. Cả nhóm đồ rằng có thể bầy cá này “mắc bệnh” do ô nhiễm môi trường nước vùng cửa sông hoặc trong sông gây nên. Cần thủ Thành Long cũng mang một chú cá mắc bệnh đi hỏi các kỹ sư thủy sản nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Nhưng dù gì vẫn có một điều mà chúng tôi tin chắc là cá bông lau trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh hiện đang vắng dần. Dù vậy, những cần thủ bông lau vẫn miệt mài theo con nước vì “nhớ nước” và nhớ cảm giác khó tả khi “ngồi thiền” nhìn đọt cần câu chờ “cú mổ” để làm một cú “rờ-ve” hoành tráng, với hy vọng cú này sẽ bắt được “khủng long”.

Nhưng hỡi ôi... “thời oanh liệt nay còn đâu”, vì dòng sông coi bộ bị ô nhiễm quá rồi!

CAO LONG – NGỌC TRẢNG

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang