• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Việt Nam hướng đến xuất khẩu một tỷ cành hoa

Nguồn tin: TTTT.TM, 22/12/2006
Ngày cập nhật: 27/12/2006

Theo chương trình phát triển sản xuất hoa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2010 sẽ xuất khẩu một tỷ cành hoa các loại, trong đó có tới 85% là hoa hồng, cúc và phong lan.

Theo chương trình này, diện tích trồng hoa của cả nước sẽ đạt 8.000 ha (tăng gấp đôi diện tích hoa hiện nay) cho sản lượng 4,5 tỷ cành. Doanh thu từ việc xuất khẩu hoa đạt 60 triệu USD. Các vùng trồng hoa tập trung sẽ là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Sapa (Lào Cai), Đà Lạt, Đức Trọng (Lâm Đồng), Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình...

Tiến sĩ Tống Khiêm, Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông, Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện nay cả nước có gần 4.000 ha trồng hoa, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Lâm Đồng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc. Do sản xuất hoa cho thu nhập cao, bình quân đạt khoảng 130 triệu đồng/ha, nên nhiều địa phương đã mở rộng diện tích hoa trên những vùng đất có tiềm năng. Diện tích trồng hoa hiện nay không chỉ tập trung ở các vùng trồng hoa truyền thống mà đã mở rộng phát triển ở nhiều vùng khác. Trong đó, Hà Nội có xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm), xã này đã phát triển nghề trồng hoa từ năm 1995.

Hiện trên 330 ha đất canh tác của xã đã được chuyển đổi thành vùng chuyên canh hoa, mỗi năm cho thu nhập bình quân 130-150 triệu đồng/ha, đưa Tây Tựu trở thành làng hoa mới thay thế cho các làng hoa truyền thống của Hà Nội như Ngọc Hà, Nhật Tân đã bị đô thị hóa.

Thành phố Hà Nội có kế hoạch mở rộng diện tích trồng hoa xã Tây Tựu lên 500 ha. Huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) có 230 ha trong tổng số 400 ha đất nông nghiệp chuyên canh hoa. Năm 2002, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cũng trồng thử 10 ha hoa hồng xuất khẩu sang Trung Quốc, năm đầu đã đạt 160 triệu đồng/ha, mở ra hướng phát triển nghề trồng hoa trên quê lúa.

Diện tích hoa hiện nay đã có thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt của thị trường trong nước, nhất là ở các thành phố lớn. Tính riêng ở Hà Nội có khoảng 300 cửa hàng bán các loại hoa chất lượng cao, chưa kể lực lượng hùng hậu các hàng hoa nhỏ và cả những người bán rong. Ước tính, lượng hoa tiêu thụ từ các nguồn trên ở mức hơn một triệu cành các loại trong một ngày. Hoa của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu.

Hiện nay, kỹ thuật trồng hoa của Việt Nam đã được cải tiến, đặc biệt kỹ thuật nhân giống hoa bằng công nghệ sinh học Vitro đã được ứng dụng tại Việt Nam. Ưu điểm của phương pháp này là hệ số nhân giống cao, cây khỏe, sạch bệnh, chất lượng hoa tốt. Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới phun, chăm sóc tự động cũng đang được phổ biến, đặc biệt là ở Đà Lạt, Đức Trọng (Lâm Đồng).

Bio-organic Hasfarm là đơn vị kinh doanh sản xuất hoa cắt cành ở Đà Lạt đã thành công trong việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất hoa tiên tiến. Hiện Hasfarm được coi là cơ sở có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam với 22 ha nhà kính hiện đại xây dựng trên diện tích 28 ha với quy trình sản xuất hiện đại và liên hoàn từ nhân giống, trồng, chăm sóc, cắt cành, bảo quản và đóng gói xuất khẩu. Hiện nay, 60% sản lượng hoa của Hasfarm gồm hoa hồng, lili, cẩm chướng, cúc, đồng tiền, sao tím được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Ôxtrâylia, Singapo, Arập. 40% còn lại được dành cho thị trường nội địa thông qua mạng lưới phân phối hoa tươi cao cấp của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Khiêm, kỹ thuật trồng hoa ở nhiều địa phương của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống cổ truyền; trồng theo các phương pháp này, tuy chủng loại hoa của Việt Nam khá phong phú nhưng thiếu giống hoa đẹp, chất lượng cao.

Hiện một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu có nhu cầu nhập khẩu hoa với số lượng lớn. Với 35-40% tổng diện tích trồng hoa hồng, 25-30% trồng hoa cúc, Việt Nam đang có cơ cấu hoa phù hợp với thị hiếu nhập khẩu của các nước này. Tuy nhiên, đây là những thị trường khó tính, đòi hỏi hoa Việt Nam phải có hình thức đẹp, chất lượng cao và lợi thế cạnh tranh về giá.

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang