• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thú chơi chim khuyên

Nguồn tin: Tiếng nói Vn, 15/02/2010
Ngày cập nhật: 15/2/2010

Tới uống cà phê ở quán Cây si trên đường Lê Lai, bạn sẽ thích thú và ngạc nhiên khi giữa chốn đông đúc, ồn ã của phố phường Hà Nội, bỗng có một góc không gian yên tĩnh, trong lành, chỉ có tiếng chim khuyên líu lo vọng xuống từ những chiếc lồng treo cao.

Nhu cầu tìm đến thiên nhiên

Thú chơi chim không phải là mới với dân chơi Hà Thành nhưng nếu trước đây, họ thường chọn chim sơn ca, họa mi, yến, khướu…, thì gần chục năm trở lại đây, chim khuyên đã giữ ngôi vị đệ nhất.

Lý giải về điều này, Hoàng, một tay chơi chim chuyên nghiệp cho rằng, chim khuyên là loài chim nhỏ chỉ cần lồng nhỏ nên phù hợp với không gian chật hẹp trong nhà phố hơn là những loại chim khác. Có lẽ một phần nữa là tiếng chim khuyên cũng quen thuộc với nhiều người, có thể không chơi không biết nhưng hầu như ai cũng từng nghe tiếng chim khuyên hót ríu rít trên cây, nhất là vào mùa hè và những ngày nắng ấm...

Một buổi sáng thứ Bảy mùa đông, trời âm u rét buốt, tôi theo Hoàng xách lồng khuyên đi dãi (đưa chim đến một tụ điểm tập trung nhiều chim) ở cà phê Cây si. Tiết trời không thích hợp cho một buổi dãi chim nhưng khi chúng tôi tới nơi, đã thấy la liệt lồng khuyên trên cao và những nhóm người đang say sưa vừa ngắm chim, vừa bàn luận.

Trong không gian yên tĩnh của buổi sáng mùa đông, nghe chim líu lo bỗng thấy lòng mình rộn ràng niềm vui, bao muộn phiền, lo toan dường như lắng lại. Lại thêm một tốp thanh niên xách theo lồng chim đến. Chẳng mấy chốc, cả khoảng không gần như chật ních, tôi đếm sơ sơ cũng tới cả mấy chục lồng. Chim đua nhau hót, còn các ông chủ của chúng thì mải mê bình phẩm về những con chim cưng của mình.

Tôi đặc biệt thấy thú vị khi những người chơi chim toàn là thanh niên, người già nhất tôi gặp hôm ấy cũng chỉ tầm trên 40. Hoàng cười bảo: Thực ra thú chơi này không giới hạn tuổi tác, thanh niên giờ quay ra chơi chim nhiều có lẽ là do không gian thành phố quá chật hẹp, xe cộ đông đúc, bụi bặm ô nhiễm, người ta có nhu cầu tìm đến thiên nhiên như một cách để giải toả.

Đẳng cấp chơi chim

Có nhiều thứ thể hiện đẳng cấp của người chơi chim, từ cái lồng đến cóng (đồ đựng thức ăn cho chim), chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu được chú chim hay, độc. Hoàng cho biết, chủ yếu bây giờ người ta toàn dùng lồng Trung Quốc vì đẹp hơn, chắc chắn hơn, giá cả cũng rất đa dạng, từ vài trăm tới vài chục triệu đồng cũng có. Đẳng cấp của lồng thể hiện qua chất liệu, mức độ triện cũng như những chiếc ngà trăng trắng được gắn trên lồng. Hoàng bật mí: “Nói là ngà, thực chất là xương trâu, bò được đổ một lớp composit lên trên, toàn đồ nhập từ Trung Quốc cả”.

Chim được mua từ nhiều nguồn, nếu muốn mua chim rẻ thì ra chợ chim ở Hoàng Hoa Thám, tha hồ chọn mua chim bẫy với giá chỉ vài chục ngàn đồng/con. Nhưng mua cách này rất mạo hiểm, phải có con mắt tinh tường mới có thể chọn được đúng con đực và con tốt.

Chỉ một con chim đang nhào lộn rất điệu nghệ trong lồng, Hoàng bảo tôi: đấy là con chim bị tật, thường những con như vậy bị bỏ đi, trừ khi líu (đấu) hay lắm chủ mới giữ lại. Bởi nhào lộn như thế sẽ làm người chơi rối mắt, khó chịu và thường vấy đồ ăn lên mình rất bẩn. Chọn được chim rồi cũng phải mất thời gian khá dài để chăm sóc, luyện tập (khoảng trên 1 năm), chim mới có thể quen môi trường trong lồng mà hót. Bởi vậy, thông thường những tay chơi chuyên nghiệp mua lại khuyên đẹp của bạn bè, anh em, người quen…

Giá một con khuyên bé xíu có bộ lông màu xanh vàng óng ánh cũng vô cùng, thường từ vài trăm đến vài triệu đồng. Nhưng cũng cá biệt có con giá lên tới cả chục triệu đồng, thậm chí gần trăm triệu, đó là đối với những con khuyên màu cực độc, cực hiếm khi khoác lên mình bộ cánh lạ mắt. Hoàng cho biết, con chim “đỉnh” nhất hiện nay ở Hà Nội giá lên tới khoảng 80 triệu đồng, đó là con chim đột biến gene toàn thân màu vàng, lông bụng trắng muốt, hai cánh có những lông trắng xen kẽ rất đều, lông đuôi cũng bị đột biến chuyển từ xanh sang trắng.

Chú chim khuyên bé xíu có giá vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng

Say chim như say… người tình

Hoàng năm nay 30 tuổi nhưng đã có thâm niên chơi chim từ tuổi 13, khi còn học lớp 7. Hoàng kể, tình yêu chim cảnh, gà chọi của cậu được nhen nhóm từ những ngày đi theo ông cậu ruột, một tay chơi gà chọi có tiếng. Đến nhà Hoàng, thăm cơ ngơi “chim cảnh” của cậu mới thấy sự kỳ công và niềm say mê của những tay chơi chuyên nghiệp.

Hiện tại cậu nuôi khoảng hai chục con khuyên. Ngoài dăm bảy lồng chim thường xuyên treo trước cửa nhà, Hoàng còn quây hẳn một góc sân thượng bằng lưới B40 để thả hơn chục con khuyên khác. Đây thực sự là một không gian tự nhiên nho nhỏ của chim khi Hoàng bố trí khá cầu kỳ, cũng vài gốc cây to, vài cành cây bắc ngang cho chim tha hồ chuyền cành. Những con chim được nuôi nhốt tách biệt ở đây là những con đang trong thời kỳ thay lông, cần một chế độ chăm sóc đặc biệt. Nhìn cách Hoàng nựng chim, bắt từng con sâu dụ chim rồi thỉnh thoảng líu gọi chim, tôi nghĩ người ta say nhau cũng chỉ đến thế mà thôi.

Hoàng chia sẻ, chim khuyên mất nhiều công chăm sóc hơn các loại khác. Sơ sảy một chút, thiếu nước, thiếu thức ăn một hai tiếng là có thể chim đã bỏ ăn, bỏ líu... Bởi vậy, những người chơi khuyên phải rất nhẫn nại. Hoàng thường tự tay rang cám cho chim, từ rất nhiều thứ như đậu xanh, tôm, trứng… Đậu xanh là để lông chim thêm xanh mướt, tôm, trứng để cung cấp chất đạm, chất dinh dưỡng cho chim. Thỉnh thoảng cũng phải bồi bổ cho chim bằng thức ăn tươi là sâu và hoa quả.

Hoàng bảo, bây giờ người ta nuôi chim nhàn hơn nhiều rồi, vì có cám Trung Quốc có chứa chất kích thích. Chỉ cần ăn loại cám này thì bất cứ lúc nào chim cũng líu ác chiến. Nhưng như thế rất hại cơ thể, lông xác xơ. Nhiều người cho chim ăn vài lần xót quá lại thôi. Ngoài ra, đôi ba ngày tắm cho chim một lần, lúc chim thay lông lại phải có chế độ chăm sóc đặc biệt… Nói về thú chơi khuyên của con trai, mẹ Hoàng cười mắng yêu con: “Nó chăm khuyên cẩn thận, chu đáo lắm, giá mà chăm mẹ được nửa như thế thì tốt”.

Theo Hoàng, nuôi khuyên sống không khó, nhưng nuôi nó đẹp và hót như ngoài tự nhiên mới gọi là đạt yêu cầu. Huấn luyện được một chú chim khi mang đi dãi nó dám líu lại các con khác thì coi như thành công. Vì mất nhiều công sức, nên chỉ những chú chim hay mới được chủ xách đi chơi, nếu chú đấu đá tốt thì cũng là một cách đền đáp xứng đáng với công sức của chủ bỏ ra.

Những người ngoại đạo như tôi nghe con chim nào hót cũng líu lo như nhau nhưng những tay chơi chuyên nghiệp như Hoàng thì dễ dàng phân biệt được giọng con chim cưng của mình trong vô vàn tiếng chim đang líu ríu cùng lúc. Bởi theo Hoàng, cũng như người, mỗi con chim có một giọng, nếu dành tình yêu để lắng nghe sẽ dễ dàng nhận ra ngay./.

Hà Vy

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang