• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người “ép” đào nở hoa trên đất phương Nam

Nguồn tin: Web ĐCSVN, 13/02/2010
Ngày cập nhật: 15/2/2010

Vào Nam lập nghiệp không lâu, nhưng nỗi nhớ nụ đào hồng chúm chím thấm chút mưa xuân đã thôi thúc ông thúc bằng được cho cây đào ra hoa. Ông là Trần Thuấn – người đầu tiên “ép” đào nở hoa trên đất phương Nam.

Gặp ông vào những ngày đầu năm Canh Dần, khi cái nắng xuân chói chang của đất trời phương Nam dội xuống. Ông bắt đầu câu chuyện bằng hình ảnh của bậc tiền nhân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh – Người hơn 300 năm trước đã đến mở cõi khai sinh miền đất phương Nam từng cho đem giống hoa đào trồng thử ở vùng đất mới. Thế nhưng, cành đào lạ đất, lạ nước chẳng ra hoa, thấy hoa mai rụng lá, nở đúng dịp xuân về nên ông chọn làm loài hoa báo hiệu mùa xuân phương Nam.

Biết bao thế hệ của những người con đất Bắc vào Nam lập nghiệp cũng canh cánh nỗi lòng như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông Trần Thuấn cũng không nằm ngoài “quỹ đạo” đó, để rồi một lần tình cờ ông đã thử nghiệm thành công giống đào nở hoa được dưới cái nắng chói chang của mùa xuân miền Nam.

Ông đến với cây đào cũng rất tình cờ, ông bảo: “Một người anh em ở ngoài Bắc có cho ông 70 cây giống, ông mang về trồng thử. Thấy miền Bắc có đào mà miền Nam thì không, nên cứ thử xem sao”. Ban đầu, ông làm thử 5 cây, đến tháng 8 thấy ra hoa, hoa đẹp. Còn 65 cây, ông ghép hết và đều thành công. Ông mang ra chợ Trảng Bom nhưng không bán được, ai cũng bảo “đào của ông là ở Bắc mang vào chứ miền Nam đâu có trồng được đào”.

Không bán được nhưng ông vẫn không nản lòng, hàng năm vẫn cứ trồng đào, trồng rồi cho, trồng để rồi mỗi độ tết đến xuân về lão nông ấy chỉ lặng lẽ nhìn đào nở trong vườn.

Đến năm 2007 các cơ quan đầu ngành của huyện, bạn bè mới vào thăm vườn đào và bắt đầu mua đào của ông, mỗi năm, ông bán được chục cây. Năm 2007 bán được nhiều, ông có điều kiện sắm sửa, tân trang cho ngôi nhà.

Hai năm nay, quanh nhà ông có khu công nghiệp, họ xây nhà trọ, đổ đất tràn nan, vườn đào nhà ông trở nên trũng, nước ngập và đào chết gần hết. Vì vậy, năm nay vườn nhà ông không có nhiều đào bán.

Ông Trần Thuấn quê gốc ở Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên, 30 năm làm công nhân đến tuổi hưu mới vào Nam “lập nghiệp”. “Gốc rễ” từ nông dân nên khi đến tuổi hưu, ông không để cho chân tay ngơi nghỉ, ông bảo: “làm vườn vừa là thú vui, cũng là khoảng thời gian để ông trở về với những kỷ niệm từ thuở thiếu thời”.

Ở miền Bắc, gia đình ông không được phân mảnh đất mà diện tích của nó không đủ để cất mái nhà vì vậy ông mới vào trong Nam mua đất, cùng con cháu tạo dựng cuộc sống mới.

Vào Nam năm 2001, năm 2003 ông bắt đầu trồng đào và cũng từ đó đến nay, năm nào ông cũng trồng ít nhất vài chục gốc.

Hiện tại gia đình ông có 3000 m2 đất, vừa trồng rau, xây chuồng heo, trồng mai, trồng đào, diện tích trồng đào chiếm khoảng 1/4.

Hoa đào của ông trồng trên đất Trảng Bom được ghép từ gốc đào hạt Sapa với đào cành của Nhật Tân. Cây sinh trưởng khỏe, vẫn giữ được vẻ đẹp của đào Nhật Tân nhưng hoa to và thắm sắc hơn.

Theo ông Thuấn, trồng đào trong Nam cũng không khó, nhưng từ lúc bắt đầu ghép đào phải ghi rõ nhật ký, ngày trồng ngày ghép, bón phân, chăm sóc thế nào, ngày tuốt lá, tỉa cành, có như thế mới rút ra kinh nghiệm cho những vụ sau.

Theo nhật ký đó, ông Thuấn cũng chỉ mất một năm trồng thử còn những năm sau cứ thế mà tiến hành các công đoạn trồng đào.

Cũng theo ông Thuấn, công đoạn khó nhất là lúc đào mới mới ghép, trong này gió to, vì thế mà cần phải che chắn, cắm cọc cẩn thận không thì gãy ngang mối ghép. Cách chăm sóc cây đào ở miền Nam có phần tỉ mỉ hơn miền Bắc, nhất là vào mùa mưa. Mùa mưa trong Nam kéo dài 6 tháng liên tục, mưa ghê gớm nên phải trải ni lông ở dưới gốc, để cho đào không bị ẩm nhiều và nước đọng trên ni lông thì rút đi ngay. Còn khâu quyết định để đào ra hoa là phải cho đào đầy đủ chất dinh dưỡng, thì cây mới sum. Khi cây phát triển, người trồng cũng cần phải khống chế đốt đào, kích thích nở bông.

Công đoạn tuốt lá trong miền Nam trễ hơn, gần tết hơn, cách tết 25 ngày mới tuốt. Hiện tại, ông Thuấn cũng vừa tuốt lá cho những cây đào trong vườn, sở dĩ tuốt muộn như vậy vì trong này nắng to, nếu tuốt lá sớm thì đến Tết đào sẽ bung hết.

Thời gian trồng đào ít nhất cũng phải hai năm, đủ năng lượng thì nụ mới tròn, hoa mới đẹp, nếu “ăn non” thì cây kém chất lượng.

Hiện tại, diện tích vườn đằng trước ông Thuấn cũng vừa đổ thêm đất, ra tết sẽ ươm hết đào ở đó, để có đào kế cho vụ sau. Vườn bên trong, ông cũng có hơn 200 gốc đào đang xanh mơn mởn, dự định đến tết năm sau là có nhiều đào bán.

Tết cổ truyền đang đến gần, nhưng ông lão già đam mê đào ngày ngày vẫn miệt mài bên vườn đào, nâng niu, chăm sóc chúng tỉ mỉ để hi vọng cho mùa thu hoạch năm sau./..

Vương Hà

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang