• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngày xuân thăm suối cá 'thần'

Nguồn tin: Đất Việt, 13/02/2010
Ngày cập nhật: 14/2/2010

Trên đường du xuân, nếu bạn có ý định ghé thăm khu lăng mộ các vua nhà Lê (Thọ Xuân, Thanh Hóa), hãy nhớ đến dòng suối ken đặc cá môi đỏ ở huyện Cẩm Thuỷ, cách vùng di tích Lam Kinh vài chục phút đi xe.

Từ ngày đường Hồ Chí Minh thông xe, đi từ đầu đường Láng-Hoà Lạc (Hà Nội), chưa đầy hai giờ chạy xe, bạn đã có mặt tại cầu Cẩm Thuỷ bắc qua dòng sông Mã nổi tiếng của tỉnh Thanh. Nhìn từ trên cầu, những dãy bè nuôi cá nối đuôi nhau theo một đường cong bên cạnh vách đá dựng đứng. Từ bờ Nam cầu Cẩm Thuỷ, nối vào đường Hồ Chí Minh có quốc lộ 271 hướng về đồn biên phòng Na Mèo. Ngược lên phía Tây 12km là đến bến sông Cẩm Lương. Bây giờ bạn có thể qua sông Mã ngược sang bờ Bắc bằng cầu treo, chứ cách đây mấy năm, nếu đi ô-tô, phải gửi lại bờ Nam, còn đi xe máy, bạn có thể đưa lên đò để sang sông.

Băng qua những cánh đồng mía xanh mướt, bạn sẽ đến suối cá Lương Ngọc nép mình dưới chân núi Trường Sinh ở bản Ngọc, một bản có đa số đồng bào Mường sinh sống, nằm cách bờ sông Mã khoảng 3km. Dòng suối nhỏ, rộng khoảng ba mét, bị chắn bằng một đập tràn. Đi từ ngoài ruộng vào phía chân núi, ngược theo dòng nước thấy rất nhiều cá bơi lội lững lờ. Càng vào gần trong chân núi, cá càng nhiều và lớn.

Dưới bóng rợp của những rặng cây, con suối nằm kết thúc tại một cửa hang rộng chỉ mấy gang tay thông vào lòng núi. Trước cửa hang, suối hơi phình ra, ở đó, hàng nghìn con cá to bằng bắp chân, nằm sát bên nhau kín đặc lòng suối, như xếp chồng lên nhau. Du khách có cảm giác rằng, muốn múc một xô nước, phải rẽ cá sang hai bên.

Bà con bản Ngọc cho biết, cá ở đây chủ yếu là giống cá dốc. Thân cá giống cá trắm, nhưng môi đỏ chót. Ngoài ra, suối cũng có các giống cá trôi, chép, leo hoa, chày… Cá dốc cũng sinh sống ngoài sông, nhưng cá sông màu trắng, còn cá ở suối này có màu xanh sẫm. Những con cá nằm ở trước cửa hang nặng từ 2-5kg.

Suối Lương Ngọc bắt nguồn từ trong lòng núi, trong đó có một hệ thống hang động rất rộng. Cá sinh sống trong con suối ngầm, ngày chui ra ngoài cửa hang chơi, tối chui vào lòng núi để ngủ. Người già ở Cẩm Lương cũng chịu, không biết cá sinh sống ở đây từ bao giờ. Cá chỉ ăn rêu và lá cây hai bên bờ rụng xuống suối. Lá dâu da xoan, lá bạng, lá cây long lạnh, thậm chí cả lá bưởi, lá lim (một loài lá rất độc) cá đều ăn được.

Nếu có thời gian, bạn sẽ có cơ hội được chứng kiến hàng nghìn con cá lũ lượt nối đuôi nhau chui ra khỏi cửa hang lúc mờ sáng, hay ngược lại, cảnh cá "về nhà" khoảng 19 giờ hàng ngày.

Theo lời người dân, thịt cá dốc sông ăn ngon như thịt cá trắm. Nhưng cá dốc ở Cẩm Lương, tục truyền là cá "thần", không ai dám ăn thịt bao giờ, vì tương truyền nếu ăn thịt cá "thần" sẽ gặp điều không may. Dân làng còn lập bàn thờ bên suối đề thờ cúng, và hằng năm, từ ngày 8 đến 15 tháng Giêng âm lịch, mở hội tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối.

Người dân Cẩm Lương rất tôn trọng cá suối "thần". Nhiều lần nước lụt cá tràn cả ra ruộng lúa. Đến lúc nước rút, bà con nhìn thấy cá dốc màu xanh đen, biết không phải cá sông đều đem về suối thả lại.

Cá suối "thần" rất bạo dạn, không hề sợ người. Trẻ con thường hái những chùm lá dâu da bán với giá vài nghìn đồng để du khách cho cá ăn. Mỗi khi lá được đưa xuống sát mặt nước, cá đua nhau nhảy lên đớp, khiến mặt nước đang yên tĩnh xao động trong giây lát. Cá thường chỉ nằm lững lờ dưới mặt nước, nhưng mỗi khi chúng vờn đuổi nhau là dân làng biết hôm sau trời sẽ có mưa.

Một điều đặc biệt của cá "thần" là dù cá sinh sống kín mặt suối, nhưng nước suối không hề có mùi tanh. Chỉ cách miệng hang một đoạn ngắn, dân làng vẫn tắm gội, giặt giũ bình thường, có khi ngay bên cạnh cá. Thậm chí, trước đây, người dân Lương Ngọc còn dùng nước suối để ăn uống.

Một nhân viên tổ bảo vệ suối cá cho biết, cách đây nhiều năm, cửa hang thông từ dòng suối vào núi còn rộng, anh còn nhìn thấy con cá nặng đến 20 kg. Nhưng sau đó, địa chất biến động, cửa hang sụp xuống chỉ còn hẹp như bây giờ, từ đó không còn nhìn thấy con cá lớn lạ thường này nữa, không biết nó đã chết trong suối ngầm hay mắc kẹt không ra được.

Từ mấy chục năm nay, nghe tiếng suối cá “thần”, du khách đổ về tham quan rất đông, nhất là các dịp lễ tết. Mấy năm gần đây, xã Cẩm Lương tập trung phát triển dịch vụ du lịch, xây cầu treo qua sông, sửa sang đường sá, mở bãi đỗ xe, dựng nhiều hàng quán bán hàng và đồ lưu niệm. Mỗi năm, suối cá “thần” thu hút trên 100.000 du khách khắp nơi, đem lại cho địa phương nguồn thu trên 1 tỷ đồng. Giữa năm 2009, một suối cá độc đáo tương tự suối cá "thần" được phát hiện ở huyện Cẩm Thuỷ. Đó là suối cá Đóng ở thôn Rùng, xã Cẩm Liên, nằm bên phía bờ Nam sông Mã, cách suối cá Cẩm Lương khoảng 15 km.

Mã Giang

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang