• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Săn "đào tiên"

Nguồn tin: Khoa học & Đời sống, 11/02/2010
Ngày cập nhật: 12/2/2010

Những cây đào đầu tiên có mặt ở Mẫu Sơn từ bao giờ không ai biết. Loài đào này còn được người dân Mẫu Sơn gọi là đào tiên vì có những "tố chất" đẹp và độc. Hoa năm cánh với sắc tía, quả to như những chiếc bát nhỏ và ăn thì rất ngon. Vì vậy mà các đại gia cứ mỗi dịp Tết đến lại săn đào Mẫu Sơn về để chơi. Những cây đào cổ thụ lần lượt bị đánh bật gốc...

Chỉ còn loại dưới 70 tuổi

Những ngày cuối năm, đường Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vốn vắng vẻ bất chợt có phần tấp nập hơn. Thi thoảng những chiếc xe tải chở những cây đào "khổng lồ" lao nhanh xuống núi. Từ lâu tôi vẫn nghe nói đào Mẫu Sơn là một trong những thú chơi kỳ quái, đắt đỏ của các đại gia.

Theo một đầu nậu gom đào ở đây, giá mỗi cây đào ở tuổi ngoại "bách niên" bét nhất cũng bán được "gần chục củ" (10 triệu đồng). Nếu "chẳng may" phải cây sinh ra đã được trời phú cho dáng đẹp thì giá không thể kể hết. Tất nhiên, giá thành này cộng luôn cả tiền công đi săn, đánh và vận chuyển đến tận nhà.

Giá mỗi cây đào ở tuổi ngoại "bách niên" bét nhất cũng bán được "gần chục củ" (10 triệu đồng).

Vào vai một người cần đi săn đào Tết về biếu sếp, tôi hỏi đường tìm đến chốn đào tiên sinh sống. Một thanh niên tôi gặp trên đỉnh Mẫu Sơn hất hàm: "Chú cần mua loại gì. Đào đã "thuần hóa" hay "hoang dại" 100%. Giá chênh nhau khá đấy. Các đại gia dưới Hà Nội lên đây là muốn kiếm loại "hoang dại" về chơi. Chứ còn mấy loại đào thế, "sống bị uốn nắn" Hà Nội thiếu gì."

Thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn chưa cắn câu, hắn tiếp tục nhả lời: "Đã lên đến đây mua còn lăn tăn tiền bạc thì đừng lên. Mà anh nói trước là không có ít nhất "5 củ" thì về luôn đi. Còn nếu chú định mua loại "hàng cực độc" thì phải đặt trước để anh em trên này còn đi săn. "Hàng cực độc" nhiều đại gia đặt hàng lắm”.

Ngã giá lên xuống, hắn kết luận: "Bây giờ tôi dẫn các ông đi xem. Thích cây nào thì mặc cả cây đó. Đứng đây mất thời gian không được việc gì cả. Nhưng tôi nói trước là chỉ còn những gốc đào khoảng 60 - 70 tuổi đổ lại là cùng thôi. Những gốc trên 100 tuổi gần như vắng bóng rồi".

Từ trên đỉnh Mẫu Sơn, chúng tôi ngược trở lại đường lên rồi rẽ vào địa phận thuộc xã Công Sơn, huyện Cao Lộc. Đó là một con đường độc đạo ven theo vách núi đá dựng đứng. Mò mẫm trên con đường đó, tôi có cảm giác như đây là thử thách để vào cõi tiên.

Mỗi đoạn đường chỉ cần sơ sẩy là có thể về chầu tiên tổ. Nhưng rồi cái giá của thử thách ấy cũng đáng. Tôi như lạc vào cõi tiên và câu chuyện truyền thuyết về đào tiên của người Dao.

Truyền thuyết đào tiên

Đào Mẫu Sơn gắn liền với một câu chuyện của người dân tộc Dao ở đây. Theo lời kể của ông Đặng Tăng Phúc (người dân địa phương), tại vùng Mẫu Sơn xưa kia có một cặp vợ chồng. Người chồng khoẻ mạnh và dũng cảm. Người vợ khéo léo, chung thuỷ. Họ sống hoà thuận trong một mái nhà trên vùng núi quanh năm mây phủ, có con sông Kỳ Cùng chảy vòng quanh.

Một ngày nọ, có quân ngoại xâm đến xâm lược. Vâng mệnh nhà vua, người chồng ra trận chiến đấu bảo vệ bờ cõi biên cương. Sau khi chiến thắng trở về người chồng đã nghe lời kẻ xấu và tin rằng vợ mình ở nhà phản bội.

Điều thú vị là mặc dù nhiệt độ ở độ cao hơn 1km so với mặt nước biển nhưng đào Mẫu Sơn vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng.

Trong một phút thiếu tỉnh táo người chồng đã rút gươm giết chết người vợ yêu. Những giọt máu đào của người vợ đổ xuống đã rải đỏ trên các triền núi mỗi mùa xuân về. Máu của người vợ thấm trên những cánh hoa đào đỏ tía trong sương mù, huyền ảo và quyến rũ. Người chồng khi nhận ra việc làm sai lầm của mình thì đã quá muộn.

Ông đi khắp nơi để cầu xin cho hành động sai trái của mình. Những giọt nước mắt của người chồng đã biến thành những dòng suối mát ngày đêm tưới cho những gốc đào.

Câu chuyện này của người Dao gắn với đặc tính của đào Mẫu Sơn. Giống đào tiên với những cánh hoa sắc tía này nếu đem xuống khỏi núi Mẫu Sơn sẽ không còn giữ được nét đẹp vốn có của nó. Sắc hoa sẽ nhạt dần. Quả nhỏ hoặc không có quả.

Thế nhưng vì thú chơi mà mỗi Tết đến người ta vẫn lên đây đánh những gốc đào cổ thụ để thưởng Tết. Hết Tết, hết đào, hết cả đặc sản của đỉnh Mẫu Sơn. Những gốc đào cổ thụ kêu cứu.

"Tôi sợ các đại gia thành phố"

Có một người đàn bà rất yêu đào Mẫu Sơn. Tên của bà là Thanh Phương. Vì tình yêu với đào mà người đàn bà này bỏ nhà lên núi sinh sống.

"Tôi sợ các đại gia thành phố vung tiền mua hết những gốc đào cổ thụ Mẫu Sơn. Tôi sợ chẳng mấy chốc mà Mẫu Sơn vắng bóng một trong những đặc sản làm nên nét riêng của nơi này.

Từ ngày lên đây tôi đi khắp các bản làng để mua gom tất cả những gốc đào còn lại. Tôi mua không phải để bán. Tôi mua để rồi giao cho chính chủ của khu đất đó trông nom. Hàng năm họ vẫn được thu hoạch quả, thưởng thức hoa nhưng họ không được bán". Có lẽ, chẳng có người đàn bà nào "điên" dễ thương như vậy.

Mỗi dịp Tết có vài trăm gốc đào "hạ sơn", điều đó làm không ít người xót xa.

Người dân bản vài năm trở lại đây cũng đã biết họ đang sở hữu một trong những giống đào quý. Vì vậy mà họ đi săn tìm những cây đào để mang về trồng thành vườn, nhân giống chúng lên. Dọc con đường mà chúng tôi đi vào địa phận xã Công Sơn, thi thoảng lại xuất hiện một vườn đào.

Những vườn đào được trồng rải rác trên các triền núi đầu các bản. Mặc cho cái hoang vu của rừng núi, khắc nghiệt của đất trời, mỗi dịp xuân về những cành đào lại vươn ra vạm vỡ, trổ hoa tinh khôi.

Theo người đàn bà "điên" vì hoa đào thì đào Mẫu Sơn đẹp một cách kín đáo. Mỗi bông hoa đào chỉ có 5 cánh, ngoài màu hồng đỏ chủ đạo còn có sắc tía. Điều thú vị là mặc dù nhiệt độ ở độ cao hơn 1km so với mặt nước biển nhưng đào Mẫu Sơn vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng.

Đặc biệt, giống đào quý này sau khi chơi hoa còn cho quả, cũng là một trong những đặc sản của xứ này. Quả có vị ngọt lịm, cùi dày, hương thơm phảng phất khác hẳn với đào Trung Quốc chín đỏ rực, thơm nức nhưng thịt lại mềm nhũn. Cứ 3 - 4 quả là được 1kg, nhưng hạt lại chỉ nhỏ bằng hòn bi ve.

Câu chuyện bảo tồn "đào tiên" được tiếp nối bằng việc vì sao bà phải bỏ nhà bỏ cửa lên tận đây để ăn ngủ với đào. Đã có lần người đàn bà “điên” này vào rừng sâu tìm được một gốc đào 15 tuổi. Bà đánh nó từ rừng sâu mang về bản chỉ để cho tiện chăm sóc.

Thế nhưng cây đào đó đã hờn dỗi và chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Do vậy mà mang đào Mẫu Sơn ra khỏi núi Mẫu Sơn cũng đồng nghĩa với việc bức tử nó.

"Cứ vào dịp Tết, một số khách du lịch lên khu nghỉ dưỡng Mẫu Sơn. Họ tìm đến các vườn đào chọn những cây đẹp đánh "cả cụm" khuân về xuôi. Mỗi dịp Tết có vài trăm gốc đào "hạ sơn", điều đó làm không ít người xót xa. Giá mà du khách chỉ cưa lấy cành về chơi Tết, thì đào Mẫu Sơn vừa được quảng bá, vừa được bảo tồn".

Cho đến khi ra về, câu nói đó của bà Phương vẫn đâu đó vang lên trong đầu tôi. Ngay kể cả ý định mang một cành đào nhỏ về cũng không còn. Tôi sợ loài đào tiên, loài hoa nhạy cảm này sẽ đau đớn lụi tàn. Yêu đào Mẫu Sơn, mỗi năm tôi sẽ lên đây một lần vào dịp giáp Tết để thưởng ngoạn nó. Đó mới là yêu đào. Đó mới là thú chơi.

Lần mò cả ngày với đào Mẫu Sơn, gặp toàn những tay môi giới đào cho đại gia, tôi những tưởng giống đào này rồi sẽ tuyệt diệt. Thế nhưng những người như bà Phương nhen nhóm lên trong tôi hy vọng bảo tồn.

Người đàn bà "điên" này còn đang dự định có thể sang năm sẽ tổ chức lễ hội đào Mẫu Sơn. Bà muốn giới thiệu hình ảnh đào Mẫu Sơn tới tất cả những người yêu hoa đào và hãy gìn giữ nó.

Nguyên Thủy

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang