• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vì sao hoa Đà Lạt chưa "vượt vũ môn" ra biển lớn?

Nguồn tin: Báo Công Thương, 04/02/2010
Ngày cập nhật: 5/2/2010

Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, Đà Lạt hiện có khoảng 1.500 ha trồng hoa các loại, trong đó gần 1.000 ha được trồng trong nhà kính cao cấp.

Nếu như sản lượng hoa cắt cành của của địa phương năm 2001 chỉ đạt khoảng 150 triệu cành thì đến năm 2009, con số này đã là gần 1 tỷ cành. Theo tính toán, 1 ha trồng hoa ở Đà Lạt có thể cho thập nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hoa Đà Lạt hiện nay vẫn chỉ quẩn quanh sân nhà với giá thấp với chưa đến 10% trong số trên được xuất khẩu…

Sản xuất hoa ở Đà Lạt…

Đà Lạt là địa phương có truyền thống trồng hoa lâu đời, người nông dân ở đây có nhiều kinh nghiệm, cần cù, chịu khó, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa trong những năm qua cũng được bà con áp dụng rộng rãi (hiện tại Thành phố có khoảng 16 doanh nghiệp có khả năng sản xuất và kinh doanh hoa quy mô lớn, đạt trình độ sản xuất công nghệ cao cấp khu vực)...

Trong số 3.500 ha hoa của toàn tỉnh Lâm Đồng thì Thành phố Đà Lạt chiếm trên 40% diện tích sản xuất và 50% sản lượng cả tỉnh. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với gần 150 ha canh tác, chiếm 12% diện tích sản xuất và khoảng 18% sản lượng (chủ yếu là hoa chất lượng cao). Số diện tích còn lại tập trung chủ yếu vào các nông hộ, công ty TNHH trong nước và các trang trại.

Kỹ thuật canh tác hoa ở Đà Lạt nhìn chung có mặt bằng cao hơn các vùng trồng khác trong cả nước. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao được thực hiện rộng rãi đến quy mô hộ gia đình. Một trong những tiến bộ khoa học công nghệ có tác động mạnh mẽ tới việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa là kỹ thuật sản xuất giống hoa từ công nghệ nhân giống in vitro (đến nay, thành phố Đà Lạt có 29 cơ sở ứng dụng công nghệ này trong sản xuất hoa), hàng năm cung cấp cho thị trường từ 12 đến 14 triệu cây giống cấy mô thực vật, chủ yếu là các giống hoa cao cấp, xuất khẩu 7 triệu cây/năm.

Được xác định là vùng sản xuất hoa trọng điểm (chiếm trên 30% giá trị xuất khẩu hoa toàn quốc), nhiều năm qua chính quyền địa phương này đã ban hành nhiều chính sách, tạo thuận lợi cho sự phát triển của nghề trồng hoa nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích sản xuất như khảo nghiệm giống hoa mới, giống hoa hoang dại; sản xuất cây giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô; xúc tiến thương mại; tổ chức các kỳ festival. Bên cạnh đó, Hiệp hội hoa – “bà đỡ” của người nông dân trồng hoa vài năm gần đây cũng nhập nội được nhiều giống hoa mới làm phong phú hơn cho bộ giống hoa của Đà Lạt.

Chưa vượt “vũ môn” vươn ra “biển lớn”

Từ nhiều năm nay, sản lượng hoa sản xuất từ các nông hộ, công ty TNHH tại Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam bộ... Một số hộ nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân bước đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhưng con số này còn rất khiêm tốn.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho hoa Đà Lạt chưa vươn ra được thị trường ngoài nước, vì: diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt hiện nay còn rất nhỏ lẻ, manh mún, nguồn giống chưa chủ động; công tác chọn lọc nhân giống thực tế do người nông dân tự thực hiện, việc nghiên cứu của các đơn vị, trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kết quả nghiên cứu giống còn chậm so với thực tiễn. Việc xây dựng quy trình kỹ thuật cho các giống hoa nhập nội mới chưa được giải quyết một cách đồng bộ. Một số giống hoa địa phương đã bị thoái hóa, sản lượng thấp, màu sắc và độ bền kém (Layơn, Sa lem, Cẩm chướng, Hồng…) vẫn còn được sử dụng. Trong khi đó, các giống mới nhập nội chưa được thuần hóa, bị nhiễm sâu bệnh nhiều, màu sắc chưa chuẩn như giống gốc. Chất lượng sản phẩm hoa chưa đồng đều làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu hoa Đà Lạt - Lâm Đồng.

Một thực tế nữa là, hiện nay đại đa số nông dân trồng hoa ở Đà Lạt rất thiếu vốn để đầu tư canh tác theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao; nhiều nông hộ tìm lối thoát bằng cách đến với các ngân hàng nhưng lại gặp muôn vàn khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay ở đây. Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết của nông dân Đà Lạt về khoa học kỹ thuật trong ngành trồng hoa hiện nay chưa đồng đều, thiếu các kiến thức căn bản về đất đai, cây trồng, sâu bệnh... Phần lớn việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất của nông dân là tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Đa số nông dân thiếu thông tin về thị trường, kỹ thuật về giống hoa mới… Công nghệ thu hoạch và bảo quản hoa sau thu hoạch được áp dụng rất ít trong các nông hộ.

Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, Đà Lạt hiện có khoảng 1.500 ha trồng hoa các loại, trong đó gần 1.000 ha được trồng trong nhà kính cao cấp. Nếu như sản lượng hoa cắt cành của của địa phương năm 2001 chỉ đạt khoảng 150 triệu cành thì đến năm 2009, con số này đã là gần 1 tỷ cành. Theo tính toán, 1 ha trồng hoa ở Đà Lạt có thể cho thập nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hoa Đà Lạt hiện nay vẫn chỉ quẩn quanh sân nhà với giá thấp với chưa đến 10% trong số trên được xuất khẩu.Việc xuất khẩu hiện nay gần như chỉ nằm trong tầm kiểm soát của một số doanh nghiệp hoặc một số công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài như: Dalat Hasfarm, Boniefarm, Việt Nam Thành Công, Hoa lan Lâm Thăng, Hiền Hòa, Sakimco, Rừng Hoa, xuất khẩu được một số loại hoa như Hồng, Cúc, Lily, Hồng môn, Cẩm chướng, Bất tử, Sa lem, Ngàn sao… sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Úc, Philippin, Singapore, Đài Loan, Campuchia… Nhiều doanh nghiệp đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, lượng hoa xuất khẩu cũng còn rất khiêm tốn so với tiềm năng (hàng năm xuất khẩu khoảng 60-65 triệu cành, chỉ chiếm 7 - 8% sản lượng hoa của tỉnh). Giá trị xuất khẩu năm 2005 đạt 8,31 triệu USD; năm 2006 đạt 8,937 triệu USD; năm 2007 đạt 9 triệu USD, năm 2008 đạt 9,637 triệu USD và năm 2009 ước đạt 13 triệu USD.

Để hoa Đà Lạt được “bay xa bay cao”

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng (Trung tâm Phát triển quốc tế – Đại học Nông nghiệp Hà Nội), hai điểm mạnh của Đà Lạt ít nơi nào có được hiện nay là cơ cấu hoa trồng (cúc, hồng, lyly, cẩm chướng, cát tường…) phù hợp với thị hiếu nhập khẩu hoa của Nhật và ưu thế độ cao, khí hậu, đất đai màu mỡ, trình độ canh tác tương đối cao. Với những lợi thế này, hoa Đà Lạt hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường khó tính nếu như ngành hoa được đặt vào đúng quỹ đạo phát triển.

Để thúc đẩy hoa Đà Lạt xuất khẩu được theo ông Phan Văn Đát, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ – Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng), Nhà nước nên tổ chức các đơn vị chức năng để nhập giống và mua bản quyền của các nước tiên tiến, đặc biệt các giống hoa cao cấp, nhân giống bán cho các công ty, người dân để thu tiền bản quyền. Trước mắt, vùng hoa Đà Lạt nên đẩy mạnh xuất khẩu các loại hoa đặc thù của Lâm Đồng như cúc, hồng, lyly, cẩm chướng, cát tường... Về lâu dài, để chủ động về giống, Lâm Đồng nên đầu tư mạnh mẽ vào công tác chọn lai giống hoa mang bản quyền Việt Nam trên cơ sở kết hợp công nghệ truyền thống và công nghệ sinh học hiện đại.

Còn theo ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và bà con nông dân trồng hoa Đà Lạt khó xuất khẩu vì tình trạng sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, chưa có quy trình công nghệ chuẩn nên chất lượng không đồng đều, số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu. Do vậy, chính quyền địa phương cần có chính sách thuận lợi cho người nông dân vay vốn đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hoa, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, theo nông dân Nguyễn Đăng Hiến, phường 12, Thành phố Đà Lạt thì nhà nước cần khuyến khích và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các tổ chức và cá nhân tạo giống hoa và cây cảnh mới có giá trị cao, độc đáo, mang tính độc quyền của Đà Lạt để góp phần tạo dựng uy tín và nâng cao thương hiệu cho nghề trồng hoa Đà Lạt hiện tại và tương lai. Cùng với đó chính quyền cũng cần khuyến khích việc hình thành các làng nghề sản xuất hoa, các hợp tác xã chuyên canh hoa tại Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm, khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua các hợp đồng, hình thành các liên minh sản xuất..

Nằm ở độ cao lý tưởng trên 1400 m so với mực nước biển, Đà Lạt có nhiều ưu thế trong ngành sản xuất hoa so với các địa phương khác trong cả nước: khí hậu, đất đai thích hợp cho sự phát triển ngành trồng hoa; có thể sản xuất hoa quanh năm với số lượng lớn; chủng loại phong phú, đa dạng với nhiều giống hoa ôn đới, bán ôn đới. Với những ưu thế đó, doanh thu của ngành hoa ở Đà Lạt chắc chắn sẽ được nâng lên nhiều lần nếu như phần lớn các sản phẩm của nông dân được đưa ra tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành hiện thực khi nó được sự phối hợp một cách hợp lý của chính quyền và người nông dân.

Minh Đức

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang