• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Về núi nuôi chim

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 29/09/2009
Ngày cập nhật: 30/9/2009

90% dân làng Phú Sơn, huyện Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre, sinh sống bằng nghề sản xuất và mua bán giống cây trồng. Bà con nơi đây làm ăn theo hình thức cá thể nên khi xuất hiện những thương hiệu cây giống của các “đại gia” như Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn trái miền Nam… thì các thương hiệu nhỏ lẻ như ông đành thu gọn lại. Ông Hai Bính quyết định về chân núi Cấm huyện Tịnh Biên, An Giang sinh sống.

Ở đây, Hai Bính không còn phải lo khâu sản xuất mà chuyên tâm vào việc mua bán nên chuyện làm ăn tương đối thoải mái hơn. Rồi có những lần đi đây đi đó, ông phát hiện nơi này có nhiều giống chim hiếm quý và quen nhiều người có tay nghề săn bắt chim. Với cái nhạy bén của người lăn lộn thương trường, ông tham gia vào lĩnh vực nuôi bán chim.

Theo ông Hai Bính, loài chim bán có giá nhất hiện nay là chìa vôi. Có nhiều loại chìa vôi. Chìa vôi than: đầu, lưng đen tuyền, bụng ức trắng, cánh và đuôi có lông trắng, tiếng hót véo von, trong vắt. Chìa vôi đất, giống chìa vôi than nhưng nhỏ con hơn, cỡ ngón chân cái người lớn, hót hay và hiếu chiến. Trong 2 loài này, gặp được con màu xám là khỏi nói, giá trị gấp đôi ba lần. Còn con màu trắng là rất quý hiếm.

Năm 2000, Năm Hùng, một người chuyên buôn bán chim quý ở huyện Tri Tôn (An Giang) theo dõi ổ chìa vôi than tận trong An Tức - Cô Tô. Đến ngày hốt, Hùng bắt được 3 con, có một cặp trống mái toàn lông trắng. Biết là chim quý nhưng không biết quý cỡ nào? Nuôi chưa đầy tháng, Ba Khanh một tay chơi chim ở Long Xuyên hay tin tìm tới mua với giá 7 triệu đồng. Ba Khanh đem cặp chim chìa vôi lông trắng về nuôi hơn tháng sau bán lại cặp chim trên cho ông khách Đài Loan sơ sơ có… 70 triệu đồng.

Đó là trường hợp cực kỳ hãn hữu, chớ 1 con chìa vôi trống khỏe mạnh và biết hót, than hay đồng cũng vậy, chỉ ở khoảng 700.000 đồng.

Ông Hai Bính nói: Con chìa vôi quý hiếm nhất hiện nay là con chìa vôi lửa. Đúng như tên gọi, nó là con chim chìa vôi, đầu, lưng, đuôi, cánh đen tuyền nhưng ức bụng lại một màu đỏ như lửa. Tiếng hót cực hay mà hăng đá không thua gì con chìa vôi đất. Khách hàng ở thành phố xuống, trả giá mua “mão” 30 con chìa vôi lửa của ông với giá 800.000 đồng/con nhưng ông không chịu.

Mới đây, được sự cố vấn của Hội Chim cá kiểng TP Cần Thơ, ông đã xây chuồng lồng, cố tạo một không gian nho nhỏ y hệt thiên nhiên: có bọng cây khô, có tàng cây mát, có bãi cát, có hồ nước… để tạo điều kiện cho chim đẻ. Nhưng ngay cả khi chim đẻ được rồi, ông cũng không có đủ chim để bán, vẫn phải mua thêm từ những người săn bắt.

Săn bắt chim có 2 cách. Cách thứ nhất là bắt chim non. Cách này xem ra có phần hòa bình nhưng mất công và mất thời gian lắm. Đến vùng nào đó, thấy có loài chim trong số mình đang cần, phải theo dõi tìm ra ổ. Để ý hoạt động của chim bố mẹ, ngày nào chim tha rơm rác, ngày nào chim bắt đầu tha mồi, mà định ngày chim con lớn.

Bắt theo cách này, người săn chim lúc nào cũng có trong túi của mình một danh sách các ổ chim, giống như là họ đang gửi chim cho trời nuôi vậy. Trong thời gian theo dõi phải thiệt khéo, làm sao chim không biết mà những người ở gần đó cũng không biết luôn. Năm Hùng kể cái lần sau khi bán cặp chìa vôi bạch cho Ba Khanh, Hùng trở vô An Tức, theo dõi thêm cặp chim bố mẹ (chim đẻ trong điều kiện tự nhiên thì cứ 1 năm 2 lần liền nhau, 1 lần trong tháng 3, tháng 4 Âm lịch, 1 lần trong tháng 5, tháng 6 rồi thôi, nghỉ đẻ).

Vì ham lợi lớn, nên ngày nào Hùng cũng ra vô, làm cho một người ở gần đó để ý. Đến ngày bắt chim, Hùng leo lên cây thốt nốt và gặp một cái ổ không. Sau này nghe lối xóm nói lại, người đó hốt được 4 con chim con, có 1 con toàn trắng. Năm Hùng tiếc đứt ruột.

Cách săn bắt thứ hai là dùng chim mồi. Cách này rất tàn nhẫn, cố bắt cho được con chim rừng hoang dã. Đôi khi có những người ham lợi quá bắt chim luôn trong mùa sinh đẻ của chúng, coi như bắt một con mà giết cả bầy.

Muốn bắt chim theo cách này, còn gọi là gác chim, phải có phương tiện hỗ trợ. Thứ nhất phải có con chim mồi. Chim mồi là con chim đã được huấn luyện, không còn sợ người, biết hót theo sự điều khiển của chủ. Chim mồi loại nào chỉ để bắt chim rừng loại đó. Thành ra những người săn chim bây giờ đều thủ những cuồn băng cassette, có băng của cu đất, có băng của chìa vôi, của sáo sành, bìm bịp …

Tính bắt con chim nào, người bắt chim cho phát cuồn băng của con chim đó. Nghe tiếng hót của con chim lạ trong lãnh địa của mình, con chim rừng sẽ bay tới đá. Người bắt chim bày sẵn tấm lưới giựt, dựng tấm gương soi mặt. Thấy bóng mình trong gương, chim không phân biệt được thật giả, nhào vô đá. Người săn chim nhanh tay giựt lưới, chụp ngay. Bắt như thế hên xui, có khi gặp con chim rất quý, có khi chỉ là con chim thường. Nhưng dù là thường cũng bán được 50.000 - 60.000 đồng/con.

Ông Hai Bính nói, ông Ba Vượng trên Núi Cấm có con chim mồi chìa vôi lửa rất độc đáo. Khi đi gác với nó, gặp con chim rừng nhát, không dám tới, nó sẽ bay ra câu mỏ con chim kia cho cả hai cùng té, Ba Vượng chỉ cần nhanh chân tới thộp cổ con chim rừng. Hai Bính đã trả 3.000.000 đồng để mua con chim mồi này nhưng Ba Vượng không chịu. Tháng rồi, vì chim quá dạn, bị thằng nhỏ lối xóm bắt bán cho người ta 400.000 đồng, Ba Vượng tìm đến nhà xin mua lại. Người ta chối không có. Ba Vượng chết điếng nửa người…

Chim rừng bắt về phải tuyển sơ sơ một bước. Con nào coi được dưỡng lại chờ thời. Dưỡng lại thì cực lắm. Rất lâu chim mới quen cảnh trong lòng và có thể rất lâu nữa mới hót. Đồ ăn, thức uống cũng phải tập từ từ, sơ ý và gặp con chim nhát quá, không ăn uống thì có thể chết như chơi.

Nuôi chim vui và có thu nhập cao. Nhưng như đã kể trên, có khi vì mối lợi nhỏ mà có người săn bắt có thể giết một bầy chim nhỏ đang chờ mẹ về…

ĐÀO CẨM SƠ

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang