• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghề chơi cũng lắm công phu

Nguồn tin: Báo Hải Phòng, 28/09/2009
Ngày cập nhật: 29/9/2009

Hằng năm, cứ vào ngày mồng chín tháng tám âm lịch, vùng đất Đồ Sơn lại tưng bừng mở Hội chọi trâu độc đáo. Nhưng để có được ngày hội ấy, người Đồ Sơn phải mất quá trình lâu dài để tìm và chăm sóc…

Tìm trâu chọi: chim trời, cá nước

Ở Đồ Sơn, có lẽ người nổi tiếng nhất trong giới chọi trâu phải kể đến tên ông Đinh Đình Phú (Phú Ngà), Hoàng Đình Phúc và Đinh Đắc Xề. Đây là những người có tiếng tăm trong giới chọi vì từng có trâu đoạt giải cao. Trong đó ông Xề “oách” hơn cả vì có trâu đoạt đủ 3 giải trong những lần lễ hội. Kể cả hội chọi trâu Du lịch 2006, trâu của ông cũng đoạt giải nhất. Tuy tiếng là chủ trâu, nhưng người chủ đạo đứng lên tìm kiếm, chăm sóc và huấn luyện là con trai ông: anh Đinh Đắc Đoàn (một giám đốc trẻ có dư tiền bạc và thời gian), nhưng lại có “máu” giống như bất kỳ người đàn ông Đồ Sơn nào: đó là đam mê chọi trâu từ thuở nhỏ.

Chuyện Đoàn tìm trâu nổi tiếng khắp Đồ Sơn, vì anh không chỉ tìm ở chung quanh theo kiểu “gà què ăn quẩn cối xay”, mà để có được trâu tốt phải mất công, mất thời gian, tiền bạc. Anh cho biết, để có được trâu ưng ý, trước hết anh phải tìm hiểu để làm quen với các mối lái từ Bắc vào Nam, thậm chí ở cả nước ngoài để họ giới thiệu cho mình những con trâu tốt. Có năm, anh lặng lẽ đi tới 10 lần vào miền Trung để tìm trâu, nhưng vẫn không tìm thấy trâu ưng ý, thế rồi vô tình anh biết được nguồn trâu tốt ở bên Lào và Mi-an-ma. Thế là anh cất công sang tìm và đưa về nhà chăm sóc, huấn luyện. Anh tâm sự: đã trót gắn với trâu chọi thì không được tiếc tiền, chẳng thế mà một con trâu bình thường, giá chỉ 20 đến 25 triệu, nhưng là trâu chọi thì giá tiền phải gấp đôi, bởi ngoài to khoẻ, trâu phải đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của một trâu chiến, đó là có cặp sừng chắc, gốc sừng phải to, hai đầu sừng rúc sát vào nhau. Cặp mắt của trâu thể hiện tập trung trâu dát hay trâu dữ, bởi nếu trâu dữ thì luyện dễ dàng hơn, còn trâu dát thì phải luyện cho trở thành dữ. Ngoại hình của trâu còn phải xem xét từ da dày, lông đen để chịu được mưa nắng; chân thẳng, kheo gập để có sức bật dẻo dai; đuôi to thì xương sống sẽ to, trâu chịu lực lớn; khoang nhỏ mờ, trâu kín hơi, ít mất sức.

Những tưởng tiêu chuẩn này của trâu thì sẽ dễ dàng tìm kiếm, nhưng Đoàn khẳng định, không hề dễ chút nào và tìm trâu chọi chẳng khác nào "chim trời, cá nước”. Biết là ở những vùng núi cao trâu khoẻ hơn, nhưng có khi hằng tháng trời lặn lội ở Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... anh vẫn không tìm được con trâu ưng ý. Tuy đặt quan hệ với khá nhiều lái trâu, nhưng có khi phải hằng năm trời ròng rã mới có được.

Chăm trâu chọi như chăm con mọn

Những ngày này, đi trên tuyến đường Phạm Văn Đồng vào buổi chiều muộn, thường gặp cảnh những ông trâu buộc ngay cạnh vệ đường bên cạnh là cờ quạt. Đó là một cách luyện trâu chọi của người Đồ Sơn để trâu làm quen với không khí ồn ào náo nhiệt. Cùng với đó là việc chăm sóc trâu ăn uống cũng chẳng khác gì chăm con mọn. Ai cũng biết trâu phải ăn cỏ để sống, nhưng đối với trâu chọi thì không những phải ăn cỏ mà còn ăn cả ngọn mía cùng với một số thứ khác. Cho trâu ăn cỏ già hong khô và ngọn mía, trước hết là tạo chất xơ vì trâu thường nhai lại, với lại cho ăn cỏ già, trâu sẽ tránh được bệnh đi ngoài. Những khi trâu yếu thì lấy thêm B1 nhét vào ngọn mía để trâu phòng bệnh tốt hơn. Nhiều người thiếu kinh nghiệm thấy trâu yếu bèn nấu cháo cho ăn, nhưng nếu ăn cháo thì trâu lấy gì mà nhai lại, hơn nữa sẽ dễ dẫn đến bị tụ huyết trùng, khi nặng, có thể sẽ phải bỏ cuộc như chơi.

Ngoài cho trâu ăn, tắm cho trâu, một việc nữa khá quan trọng là sáng sáng ra nơi nhốt trâu lấy que gạt... phân trâu để xem, vì điều đó cho thấy sức khoẻ và tình trạng bệnh tật của trâu. Những ai đã say trâu chọi thì phải làm từ việc nhỏ nhất. Khi lâm trận con trâu chỉ nghe lời người chăm nó. Khi hô lên kiểu gì, trâu sẽ theo chủ mà thực hiện, kể cả những miếng đánh chuyển đòn nếu gặp nguy. Chẳng thế mà có một số người ở Đồ Sơn tìm đủ mọi cách để... phá giọng của người chăm trâu. Chẳng hạn, nếu vào sới, người dắt trâu hô lên theo kiểu: đánh đi, đánh đi, thì ở bên ngoài, sẽ có một nhóm người hô ầm lên: chạy đi, chạy đi- đó là tiểu xảo mà bất cứ một chủ trâu hay người dắt trâu nào cũng phải đề phòng. Mỗi chủ trâu sẽ tìm đủ mọi cách để cho trâu mình thắng trận cho dù đẹp hay không đẹp. Đó là quy luật tranh chấp ngôi thứ trong mỗi trận đấu có giải thưởng.

“Con trâu là đầu cơ nghiệp” nhưng đối với người Đồ Sơn, con trâu còn là niềm tin và hướng về nét văn hoá của quê hương.

Đức Phong

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang