• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vườn đào lưu niên lớn nhất Hà Nội bị bức tử

Nguồn tin: Tiền Phong, 15/08/2009
Ngày cập nhật: 17/8/2009

Chỉ còn một năm nữa, vườn đào cổ thụ sáu hécta với gần một vạn gốc đào các loại sẽ rung rinh cánh thắm đón đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếc rằng, hàng ngàn cây đào cả chục năm tuổi đang bị bức tử không thương tiếc.

Tan hoang

Trưa 14/8, chúng tôi nhận được tin báo vườn đào cổ thụ tại bãi đất ven sông Hồng thuộc thôn Đại Cát, xã Liên Mạc bị một số người vào đào gốc, chặt rễ, đẩy đổ. Chưa đủ, ngôi nhà trông vườn đào bị một số đối tượng quá khích tàn phá.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi gặp chị Cấn Thị Thanh (quê Ba Vì), người chăm sóc vườn đào. Chị Thanh cho biết, khoảng 8 giờ sáng, vài chục người tiến vào vườn đào. Một số xông đến đào bới các gốc đào rồi ẩy đổ. Một số khác (khoảng 20 người) xông đến ngôi nhà mà chị Thanh và một số nhân viên chăm sóc vườn đào đang ở dỡ tung hết mái nhà, dỡ mái bếp và nhà kho dụng cụ. Chị Thanh chỉ biết rớm nước mắt nhìn nhà và đào bị tàn phá.

Ngôi nhà trông vườn bị dỡ tung toàn bộ mái lợp. Trên sân, chị Thanh đang thu dọn tấm lợp xi măng và những tàn dư của cuộc phá nhà chớp nhoáng. Khu nhà bếp, rồi nhà kho cũng chỉ còn là những bức tường bao quanh không mái.

Chị Thanh dẫn chúng tôi ra vườn đào. Hơn 100 cây đào cổ thụ vừa bật gốc khỏi mặt đất, cành lá ủ rũ. Đường kính nhiều gốc đào lên đến 20cm, cao năm mét.

Bên cạnh đó, nhiều cây đào bị chặt rễ bứng bầu. Nếu trời nắng, chắc chắn chúng sẽ chết vì bị chặt rễ. Khi trời mưa, gió, chúng cũng sẽ chết vì đổ gục.

Ông Phạm Đình Quý, Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng (chủ nhân vườn đào), buồn rười rượi: “Xót lắm mà không cứu được”. Ông cũng cho biết, chỉ khi nhờ chính quyền xã can thiệp, những đối tượng phá vườn đào mới chịu ngừng tay.

Năm 2004, trước thực tế diện tích trồng đào tại Tây Hồ bị thu hẹp do phát triển đô thị, ông Quý nảy ý định sẽ gây dựng một vườn đào. Trước là thỏa lòng yêu hoa, sau để cho thiên hạ cùng thưởng ngoạn và, sau nữa, là làm một cái gì đó đặc trưng cho Hà Nội.

Sau khi được UBND huyện Từ Liêm cho phép, Cty liên kết với HTX Nông nghiệp Dịch vụ Đại Cát - xã Liên Mạc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diện tích 6 hécta khu bãi một để trồng đào. Lặn lội nhiều tỉnh thành, đến các vùng hoa nổi tiếng, cùng với số vốn nhiều tỷ đồng, ông Quý đưa được khoảng 4.000 gốc đào lâu năm về trồng tại khu đất.

Bên cạnh đó, hàng ngàn gốc đào vài năm tuổi cũng đang được chăm ươm. Vườn cây tươi tốt được quy hoạch khoa học đã có thể rực sắc hoa mỗi độ xuân về.

“Vườn đào của chúng tôi đã đủ điều kiện để trở thành một điểm đến mang tính văn hoá truyền thống của thủ đô, hướng tới đại lễ 1.000 năm” - Ông Quý tự hào.

Suốt năm năm qua, Cty chỉ biết dốc tiền, dốc sức dưỡng vườn đào mà không hề khai thác một chút lợi nhuận từ vườn cây.

Ai rắp tâm phá hoại vườn đào?

Theo hợp đồng giữa HTX Đại Cát và Cty, thời hạn thuê năm năm đã hết. Hai bên đang bàn bạc để ký hợp đồng thuê tiếp. Tuy nhiên, một số xã viên của HTX Đại Cát mới đây đưa ra yêu cầu tháo dỡ vườn đào để xã viên thuê canh tác cây ngắn ngày.

“Đòi hỏi này là vô lý vì trước đó Cty và HTX đã thống nhất chuyển đổi cây trồng, cụ thể là trồng đào. Chỉ khi hai bên thống nhất, chúng tôi mới đầu tư trồng đào. Hơn nữa, yêu cầu di chuyển vườn đào cũng chính là bức tử hàng ngàn cây đào lưu niên” - Ông Quý nhận định. Rất tiếc, việc phá vườn đào đã xảy ra.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc, cho biết, xã đã ngăn chặn vụ việc phá vườn đào vào sáng 14/8. Ông cũng cho biết, quan điểm của xã là đảm bảo an toàn cho vườn đào, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, trong khi các bên đang tiếp tục bàn hướng giải quyết.

Một doanh nghiệp bỏ nhiều tỷ đồng trồng đào, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà ngay cả chính quyền chưa thể làm được là việc làm đáng tôn vinh. Mong sao, thành phố Hà Nội cứu lấy vườn đào cổ thụ, trân trọng những giá trị văn hóa đặc sắc mà trong cuộc sống phồn hoa không phải ai cũng dễ dàng thấy được.

Khôi Vỹ

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang