• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hưng Yên: Sinh vật cảnh, nghề mới cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 30/04/2009
Ngày cập nhật: 5/5/2009

Những người thổi hồn vào cây

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Bá Ngoan ở thôn 2, xã Đức Hợp (Kim Động). Nằm cạnh con đê sông Hồng lúa ngô xanh mướt, vườn cây của gia đình ông như một điểm nhấn cho bức tranh nông thôn thêm sống động. Vườn cây chỉ vài trăm mét vuông nhưng chất chứa bao nỗi niềm của ông chủ yêu cây ở tuổi thất thập này. Ông tâm sự: sau nhiều năm bươn trải, vật lộn mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, năm 2000 được nghỉ chế độ, có thời gian tĩnh tại, ông Ngoan mới đến với cây cảnh. Trong quá trình chăm sóc, nghiên cứu học hỏi, ông đã tìm được thú vui tuổi già. Cũng từ cây cảnh ông đã tìm được những người bạn tâm giao trong, ngoài tỉnh và thành lập câu lạc bộ cây cảnh liên tỉnh với 32 hội viên. Các hội viên không chỉ giao lưu tình cảm mà còn hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật, kinh tế… Trong số hàng chục cây cảnh với nhiều dáng, thế khác nhau, ông Ngoan giới thiệu rất kỹ một cây sanh thế “lão mai” gần 200 tuổi, được truyền từ cụ thân sinh 3 đời của dòng họ Lê nhà ông. Ông chia sẻ: "Nghệ thuật chơi cây cảnh đậm đà tính dân tộc, tính nhân văn cao quý, tính thẩm mỹ độc đáo, tính sáng tạo mới mẻ, tinh tế... Trong khuôn viên có rất nhiều thế cây cảnh như: thế phượng vũ, thế ngũ phúc, thế huynh đệ, thế phụ tử, thế long giáng, thế lão mai, thế ngẫu tự, thế bạt phong…, mỗi cây có một kỷ niệm riêng, có đời sống tâm hồn riêng mà những người bạn mỗi lần đến thăm, góp ý, hỗ trợ tôi từng nhát kéo, độ nhả cành, vịn thế để cây có được vẻ đẹp đỉnh cao của nghệ thuật".

Chơi cây không chỉ là thú vui của người già mà nó còn hớp hồn cả những người trẻ tuổi. Anh Lê Duy Hòa (câu lạc bộ Phố Hiến) có thú chơi cây cảnh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 30 năm gắn bó với cây cảnh, giờ anh đã sở hữu một vườn cây bạc tỷ và vốn kinh nghiệm phong phú về cây, về triết lý nhân sinh trong mỗi dáng, thế cây. Với anh Hòa, cây cũng như con người, mỗi cây đều có lịch sử, có cuộc sống, tâm hồn và ý nghĩa riêng. Bởi thế, dưới bàn tay của nghệ nhân, người yêu cây, mỗi cọng rễ, lát cắt, thế uốn trên thân cây đều thể hiện tâm tư, tình cảm với cây và sự hiểu biết, công phu của chủ nhân về triết lý sống mà họ gửi gắm. Từ cây phôi ban đầu, các nghệ nhân phải mất từ 5 đến 10 năm, thậm chí 20 năm mới thể hiện được ý tưởng, và để cây đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật các nghệ nhân phải mất rất nhiều tâm sức. Như với cây sanh được coi là đẹp nhất trong số hàng chục cây thế có giá trị trong bộ sưu tập cây cảnh của anh Hòa là cả một câu chuyện dài từ khi anh gặp, mua được cây của một người bạn ở Nam Định từ năm 2002. Ban đầu cây có dáng cổ “phúc, lộc, thọ, khang, ninh”, sau 7 năm uốn, tỉa anh đã có được một cây sanh hoàn toàn mới có dáng lão mai “tích lộc phụ tử”, có nghĩa là cha mẹ ăn ở phúc đức để lộc lại cho con cháu. Hay như cây sanh 5 tán trên 60 năm tuổi có thế “ngũ lão giảng đình” có nghĩa là 5 vị quan, lão ngồi đàm đạo…

Người ta nói “chơi cây giữ chí” hẳn không sai. Với doanh nhân Phan Thanh Hải (câu lạc bộ Phố Hiến), chính việc tạo dáng cho cây đã giúp cho anh rèn được chữ “nhẫn”, giúp anh có được những quyết định sáng suốt, vững tâm đưa doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn, khẳng định vai trò là một doanh nghiệp mạnh trên thị trường tân dược đầy cạnh tranh hiện nay. Anh Hải tâm sự: khác hẳn với chăm sóc cây ngoài môi trường tự nhiên, nghệ thuật bon sai là phải làm thế nào để cây nhỏ bé, sống trong môi trường cằn cỗi, khắc nghiệt nhưng vẫn khẳng định sức sống mãnh liệt. Sau những giờ làm việc căng thẳng, chỉ với cây kéo, vài đoạn dây thép, con dao, chiếc bu lông nhỏ bé đã giúp anh gửi gắm nỗi niềm của mình về nhân sinh thế sự, giúp anh thoát khỏi cuộc sống ồn ào và tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống.

Sinh vật cảnh, một tiềm năng kinh tế

Được thành lập từ năm 2007, đến nay Hội sinh vật cảnh của tỉnh đã thu hút được 2.228 hội viên, rải đều ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó, huyện Mỹ Hào 254 hội viên, Văn Lâm 214 hội viên, Văn Giang 323 hội viên, Khoái Châu 305 hội viên… Tuy chỉ là một tổ chức hội nghề nghiệp đơn thuần, song với niềm đam mê, lòng nhiệt huyết, nhiều tổ chức hội trực thuộc đã phát triển rất mạnh cả về số lượng hội viên và nội dung hoạt động như: Câu lạc bộ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), câu lạc bộ liên xã Khoái Châu, chi hội sinh vật cảnh huyện Yên Mỹ…

Sinh vật cảnh không chỉ là thú vui tao nhã của những người yêu quý thiên nhiên, hòa đồng với cảnh quan môi trường mà nó còn là ngành kinh tế đặc thù, giàu tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Tùy theo lợi thế của từng địa phương, trong hội sinh vật cảnh tỉnh đã hình thành những nhóm, vùng hoạt động đặc thù. Nếu như vùng các huyện Văn Giang, Khoái Châu chuyên phát triển nghề cung cấp cây phôi thì khu vực các huyện Yên Mỹ, Kim Động, Phù Cừ phát triển cây thế, khu vực thành phố Hưng Yên do điều kiện đất đai hạn chế nên các chủ nhà vườn thường phát triển nông nghiệp đô thị gắn với những loại cây thế, bonsai… Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh và hiệu quả kinh tế xã hội về sinh vật cảnh, nhiều người ham mê cây cảnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho vườn cây của mình, nhiều người trong số đó đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Cũng đã có nhiều cây quý được chủ nhân của nó mang đi dự triển lãm ở các lễ hội lớn và được giới chơi cây trong và ngoài nước đánh giá cao, thậm chí có cây được định giá lên đến vài tỷ đồng. Nhiều hội viên đã tạo dựng được những vườn cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, điển hình như anh Trần Văn Khuê (Yên Mỹ), Đỗ Xuân Hưởng (Khoái Châu), Lê Duy Hòa (thành phố Hưng Yên), Nguyễn Xuân Phong (Văn Giang)… Cũng nhờ phát triển sinh vật cảnh mà nhiều địa phương có được những cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm như khu vực các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ… Theo thống kê của Hội sinh vật cảnh tỉnh, hiện có khoảng 15% số hội viên có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, khoảng trên 100 hội viên có mức thu nhập hàng tỷ đồng/năm trở lên.

Lệ Thu

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang