• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để hoa Đà Lạt đứng vững trên thị trường

Nguồn tin: Công Thương, 20/04/2009
Ngày cập nhật: 21/4/2009

Hoa thành phố Đà Lạt luôn giữ được mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Diện tích canh tác tăng đều hàng năm đã kéo theo lượng hoa xuất khẩu cũng tăng tỷ lệ thuận.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là những năm qua, hoa Đà Lạt được xuất khẩu đi các nước Nhật, Đài Loan, Hồng Kông... chủ yếu do một số công ty nước ngoài đóng trên địa bàn thành phố Đà Lạt như Đà Lạt Hasfarm, Công ty Boniefarm… một tay thực hiện. Trong khi đó người nông dân- lực lượng quan trọng tạo ra những sản phẩm hoa thì chẳng biết sản phẩm của mình sau khi ra khỏi cửa vườn sẽ về đâu?

Điều đáng ghi nhận trong vài năm gần đây là nền sản xuất hoa của thành phố Đà Lạt đã có những bước thay đổi tích cực so với những năm trước, thể hiện được tiềm năng một lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương. Qua những chặng đường phát triển nghề trồng hoa Đà Lạt cũng cho thấy, định hướng cho ngành hoa mà chính quyền thành phố đặt ra trong thời gian gần đây là phù hợp với xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Hiện nay, một số chủng loại hoa đang chiếm ưu thế tại thành phố Đà Lạt như cúc, hồng, layơn, cẩm chướng, đồng tiền, ly ly, cát tường.. đang được ngành chức năng thành phố này khuyến khích đầu tư. Tính đến tháng 4/2009, riêng hoa cúc có mặt tại thành phố sương mù này đã đạt số lượng trên 70 giống; hoa hồng trên 20 giống nhập từ Ý, Pháp, Hà Lan; hoa địa lan với nhiều giống mới nhập từ Nhật Bản, Úc, Đaì Loan .. đã từng bước làm phong phú thêm bộ sưu tập các giống hoa truyền thống của thành phố Đà Lạt. Các giải pháp về công nghệ sản xuất hoa cũng đã và đang được các nông hộ, doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới thấm, phân bón giải chậm và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá rộng rãi từng bước cải thiện được chất lượng sản phẩm hoa và ổn định sản lượng theo hướng tăng hàng năm. Bà Phan Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt cho biết: “Nhờ tích cực vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích rau màu kém chất lượng sang trồng hoa nên diện tích hoa của địa phương liên tục tăng, đồng thời đời sống người nông dân địa phương cũng có bước khởi sắc từ những mùa bội thu. Trong Festival hoa 2007 vừa qua, thôn Xuân Thành của xã cũng được tôn vinh là một làng hoa điểm của thành phố Đà Lạt”.

Trồng hoa tại Đà Lạt.

Phòng công- nông nghiệp thành phố Đà Lạt cho biết, từ năm 2000 đến nay, ngành hoa thành phố luôn giữ được mức tăng trưởng bình quân từ 15-20%/năm. Diện tích canh tác cũng đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ khoảng 320 ha năm 2001 lên 650 ha năm 2009; sản lượng hoa cắt cành ở mức 150 triệu cành năm 2001 đã tăng lên 500 triệu cành năm 2009. Trong đó, riêng lượng hoa xuất khẩu của thành phố luôn giữ mức trên 15%. Tuy nhiên,có một thực tế đáng quan ngại là trong những năm qua, hoa Đà Lạt được xuất khẩu đi các nước Nhật, Đài Loan, Hồng Kông.. chủ yếu do một số Công ty nước ngoài đóng chân trên địa bàn thành phố cung ứng, trong khi đó hoa trồng tại vườn nhà của người nông dân tuy chiếm diện tích lớn nhưng chỉ tiêu thụ được trong thị trường nội địa; việc tổ chức tìm kiếm thị trường xuất khẩu xem ra còn rất hạn chế và cũng chỉ mới thực hiện được ở bước thăm dò thị trường.

Thực tế trong những năm qua đã có hàng chục đối tác đến thâm nhập thị trường hoa Đà Lạt và ngỏ ý đặt vấn đề xuất khẩu nhưng khi nhìn thấy việc sản xuất của bà con không được đồng trà, đồng vụ. Bên cạnh đó, công đoạn bảo quản đóng gói sau thu hoạch của bà con nông dân cũng chỉ đạt trình độ thủ công... nên các đối tác này đành bỏ dở các hợp đồng ra về tay không.

Ông Nguyễn Đình Sơn- Phó chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt- cũng thừa nhận một thực tế là hiện nay, công nghệ khép kín cho ngành hoa Đà Lạt còn quá non trẻ không chỉ so với nước ngoài mà còn thua xa so với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Từ đó, các sản phẩm hoa sau thu hoạch chất lượng thường không đồng đều. Và đặc biệt là khi các doanh nghiệp muốn tiêu thụ một chủng loại hoa nào đó với số lượng lớn thì không thể thu gom tập trung được..

Làm thế nào để công nghệ đóng gói đạt được tiêu chuẩn tối thiểu và thương hiệu hoa Đà Lạt được xây dựng bền vững vẫn là câu hỏi hiện vẫn chưa có lời giải. Theo ý kiến một số nhà doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất hoa trên thành phố Đà Lạt thì để việc xuất khẩu hoa ra thị trường quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì bên cạnh các nhà đầu tư, vai trò của chính quyền địa phương chính là yếu tố sống còn. Tuy nhiên, hiện nay công tác phối hợp ở địa phương này vẫn chỉ dừng lại ở những động thái khuyến khích thâm canh tăng vụ, xuống giống đúng lịch, lựa chọn công nghệ chăm sóc, vật tư phân bón.. còn việc định hướng cho người dân canh tác hoa theo quy trình công nghệ chặt chẽ; mở cửa kêu gọi các doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư; khai thông hành lang pháp lý tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp đưa hoa ra bên ngoài và đưa công nghệ mới vào địa phương thì vẫn còn dậm chân tại chỗ. Đó chính là những lý do khiến cho các doanh nghiệp từ xa đến rồi lại lắc đầu bỏ đi.

Năm 2008, một phái đoàn Singapor gồm những chính khách cấp Bộ đến Đà Lạt làm việc với chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã từng nhận định: “Đà Lạt có được một điều kiện trồng hoa không hề thua kém Nhật, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc; người Đà Lạt cũng cần cù yêu lao động không thua ai. Tuy nhiên, với tư duy trồng hoa công nghiệp còn quá thấp nên sẽ còn một thời gian dài nữa các sản phẩm hoa địa phương này mới có thể cạnh tranh được với hoa của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Là một trong những địa phương thuộc loại hiếm hoi có lợi thế về độ cao và điều kiện khí hậu ưu đãi, thành phố Đà Lạt đã trở thành một vùng sản xuất rau hoa đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với những đòi hỏi ngày càng khắc khe của thị trường tiêu thụ, xem ra ngành chức năng thành phố này cần có thêm những định hướng hợp lý hơn từ việc sản xuất đến tiêu thụ để hoa Đà Lạt có thể tìm được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Cùng tâm huyết muốn cho ngành hoa địa phương được bay cao bay xa hơn, có nhiều ý kiến cho rằng, về lâu về dài, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến quy trình sản xuất của người nông dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng được một chợ hoa ngay tại trung tâm thành phố Đà Lạt cũng cần được xúc tiến sớm, vì đây không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu các loại hoa mà còn là địa chỉ để các đối tác đến giao dịch mua bán hoa.

Minh Đức

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang