• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Nữ hoàng" cần được phục sinh

Nguồn tin: LĐ, 28/10/2006
Ngày cập nhật: 29/10/2006

Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh đứng đầu trong cả nước về nguồn lợi lan rừng - loài hoa được ví là "nữ hoàng" của các loài hoa. Công cuộc tìm kiếm, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ, nghiên cứu, nhân giống ... các loài hoa lan đã và đang được tiến hành một cách khẩn trương trên vùng đất này.

"Tuy nhiên, một số loài hoa lan, đặc biệt là lan trong môi trường tự nhiên, của tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên đang được xếp vào hạng VU, CR..." - tiến sĩ (TS) Dương Tấn Nhựt, Phó phân viện trưởng Phân viện Sinh học Đà Lạt, cho biết.

TS Dương Tấn Nhựt giải thích thêm: "Hoa lan Đà Lạt rất phong phú. Đó là một thông tin vui. Nhưng trong số những loài lan được ví là "nữ hoàng" của các loài hoa, một số loài đang đứng vào cấp "sắp bị tuyệt chủng" (VU), "đang bị tuyệt chủng" (EN), "đang bị tuyệt chủng trầm trọng" (CR)... lại là một thông tin đáng buồn".

Chiếc nôi của "nữ hoàng"

Đà Lạt nói riêng và Nam Tây Nguyên nói chung với khí hậu được ưu đãi một cách đặc biệt chính là chiếc nôi lý tưởng của các loài hoa lan. Trên vùng đất này, con người ta không những đã sớm biết khai thác từ tự nhiên một nguồn lợi - hoa lan rừng - để nâng "nghề chơi" thành một dạng hàng hóa có hàm lượng văn hóa cao mà còn sớm biết làm phong phú cho bộ sưu tập hoa lan của mình bằng cách du nhập từ bên ngoài vào "xứ sở của nữ hoàng" nhiều giống lan có giá trị về nhiều mặt. Nhờ vậy, Đà Lạt ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước đã sớm khẳng định vị thế đầu bảng trong danh sách những tỉnh có hoa lan xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh việc khai thác nguồn lợi kinh tế, Đà Lạt - Lâm Đồng cũng đã sớm ý thức được việc việc sưu tầm và lưu giữ các nguồn gien quý của hoa lan, trong đó đáng kể là việc sưu tầm, nghiên cứu một số loài lan hài - "nữ hoàng" trong các "nữ hoàng". TS Dương Tấn Nhựt nói: "Qua công tác sưu tầm và thống kê, có thể khẳng định Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu trong cả nước về hoa lan; đặc biệt là lan rừng, với gần 400 loài thuộc trên 100 chi đã được biết đến - chiếm gần 77% về loài và trên 55% về chi lan rừng Việt Nam hiện nay".

Ở phạm vi cả thế giới, gần đây có một vài loài hoa lan lần đầu tiên được phát hiện tại vùng rừng Nam Tây Nguyên nên nó đã được mang tên Đà Lạt. Ơ phạm vi Việt Nam, Đà Lạt - Lâm Đồng hiện có 10 loài lan được xếp vào hạng quý hiếm trong tổng số 12 loài quý hiếm của cả nước. Đặc biệt trong số này, hồng hài là loài vừa phát hiện trở lại ở Việt Nam (tại vùng núi giáp tỉnh Bình Thuận) được thế giới xem là loài lan cực kỳ quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao và có phạm vi phân bố rất hẹp (hồng hài, hay còn gọi là hài đỏ, được phát hiện từ những năm 60 nhưng sau đó không còn tìm thấy nên thế giới xếp loài hoa này vào giống đã bị tuyệt chủng).

Từ "vu" đến "cr"

Nếu hồng hài vừa được phát hiện trở lại khoảng ba năm trước đây vừa là một thông tin vui (tưởng đã tuyệt chủng nhưng đã tìm thấy lại) và cũng vừa là một thông tin đáng buồn (vì đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao) thì tương tự, một số loài lan vừa được tìm thấy thông qua cuộc tìm kiếm khoa học của các nhà khoa học Phân viện Sinh học Đà Lạt cũng là một thông tin được công chúng đón nhận với hai trạng thái tâm lý diễn ra một cách đồng thời.

Tạm khép lại đề tài khoa học "Điều tra thu thập bảo tồn nguồn gen thực vật chi lan hài paphiopedilum thuộc họ lan ở Lâm Đồng", nhóm các nhà khoa học thuộc Phân viện Sinh học Đà Lạt do thạc sỹ Nông Văn Duy chủ trì đã công bố thông tin có đến 6 loài vừa được phát hiện, nhưng đồng thời chúng đang đứng trước bờ vực của sự tuyệt chủng từ cấp VU (sắp bị tuyệt chủng) đến EN (đang bị tuyệt chủng) và CR (đang bị tuyệt chủng trầm trọng).

Đó là các "nữ hoàng" chưa kịp đặt tên theo tiếng Việt: paphiopedilum vilosum, paphiopedilum delennatii, paphioprdilum purpuratum, paphiopedilum callosum, paphiopedilum x dalatense và paphiopedilum appletonianum vừa được tìm thấy ở vùng rừng Tây Nguyên (chủ yếu là Nam Tây Nguyên) và một vài tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận...

Trong các loài lan thì lan hài có chiếc nôi chính là Việt Nam. Nhiều tổ chức trên thế giới đã và đang tìm mọi cách để bảo vệ các loài lan nói chung và lan hài nói riêng trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là đối với Việt Nam. Gần đây, những hoạt động của các nhà khoa học thuộc Phân viện Sinh học Đà Lạt tuy diễn ra ở phạm vi hẹp là vùng đất Nam Tây Nguyên - Việt Nam nhưng có giá trị rất lớn ở phạm vi toàn thế giới đó là nghiên cứu bằng nhiều phương pháp để nhân giống các loài hoa lan hài, trong đó đặc biệt chú trọng đến các loài lan hài được xếp vào các cấp VU, EN và CR.

"Chúng tôi đã nghiên cứu và nhân giống thành công giống lan hài hồng (và một vài giống hoa khác) bằng phương pháp gây vết thương kết hợp với nuôi cấy trong môi trường lỏng - phương pháp mới nhất hiện nay" - TS Dương Tấn Nhựt đã công bố thông tin này trong thời gian gần đây.

Trước thông tin này, không những sự thành công trên đối tượng lan hài hồng là điều đáng mừng mà giá trị của nó còn được ghi nhận ở phương pháp: "Gây vết thương kết hợp nuôi cấy trong môi trường lỏng" còn có thể áp dụng trên nhiều đối tượng hoa lan, trong đó có các loài lan hài quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, và cả các đối tượng ngoài hoa lan.

Và hơn thế, với đề tài "Sản xuất thữ nghiệm nhân giống invitro cây địa lan phục vụ cho công tác trồng hoa chậu và cắt cành tại Đà Lạt" của TS Dương Tấn Nhựt, chúng ta có quyền hy vọng về sự phục sinh của những "nữ hoàng", trong đó có lan hài - "nữ hoàng" của các "nữ hoàng".

Đà Lạt - Lâm Đồng và Việt Nam được xem là một trong những chiếc nôi của thế giới về "nữ hoàng" hoa lan, đặc biệt là với lan hài (trong đó lan hài hồng được tôn vinh ở vị trí số một).

Vậy, với những giải pháp khoa học, trong đó đáng kể là phương pháp gây vết thương kết hợp nuôi cấy trong môi trường lỏng của các nhà khoa học thuộc Phân viện Sinh học Đà Lạt, chúng ta có quyền hy vọng về sự phục sinh của các "nữ hoàng" hoa lan nói chung và lan hài nói riêng.

Khắc Dũng

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang