• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện “nước mắt người trồng mai”

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị, 17/1/2009
Ngày cập nhật: 18/1/2009

Những trận mưa trái mùa cuối tháng 12 vừa qua đã làm cho những người trồng mai thuộc vùng Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre, “khóc” tập một. Giữ gìn, chăm sóc, gom góp những cây mai đẹp còn lại để mang lên TP.HCM, họ lại phải “khóc” thêm “tập hai” khi phải chạy vạy tìm cho mình một chỗ bán mai…

Vỉa hè mắc hơn… nhà trọ

Nhác thấy người phóng viên vác máy chụp chợ mai, bà T., người có lô bán mai ở gần cầu số 1, bến Bình Đông, thuộc quận 8, vội vã kêu lại để kể khổ hàng loạt. Lô mai của bà chỉ trưng bày lưa thưa vài chậu, như chỉ để “xí” chỗ, còn lại thì để dưới ghe, vì bà chưa có chỗ chính thức tại khu chợ hoa kiểng tết thuộc vỉa hè bờ sông bến Bình Đông này.

Cầm xấp bạc còn cột sợi thun, bà bức xúc: “Đây là năm triệu đồng để mua hai lô này, đưa cho người ta rồi mà giờ họ trả lại, không chịu bán”. Mỗi một lô như bà nói, có chiều ngang khoảng hai mét, có “giá chính thức” chỉ 800.000đ, nhưng giờ có người ra giá cho bà đến ba triệu đồng. Bán mai tết ở khu vực này đã mười mấy năm, chỉ riêng năm nay là bà không có lô nào để chưng hàng.

Kế cận lô mai bà T. là một sòng nhậu. Hai cô gái trẻ trong nhóm khề khà: “Buồn quá anh ơi, giành chỗ bán mai tới mức đánh lộn, giành không lại người ta nên tụi em… nhậu cho đỡ buồn”. “Khoe” những dấu cào trên mặt, và những vết xước ở trên tay, D., một trong hai cô, nói: “Suýt chút nữa là tụi em bị lọt xuống sông, hết đầu thai luôn vì nước ở đây thúi hoắc. Lên đây từ hôm tháng 10 tới giờ để đăng ký, mà cũng không có một lô nào, trong khi đó có người không có bán mai mà cũng có mười mấy lô, toàn là bán ra với giá chợ đen”.

Theo bà T. và cô D., năm nào chính quyền phường 14 cũng tổ chức bốc thăm phân phối lô một cách khá chặt chẽ, công bằng, thế nhưng năm nay, nhiều lô đã bị đầu cơ, nâng giá, và rất nhiều người trồng mai đã phải bấm bụng mua lô với giá 2,5 triệu đồng một lô.

Nạn ăn cắp mai

Khi đã “yên vị” ở các lô hàng của mình, các chủ bán mai còn phải đối phó với nạn ăn cắp mai hoành hành. Nói “ăn cắp” cho nhẹ, chứ thực chất nhiều vụ lấy mai trắng trợn như ăn cướp. Có những chủ mai đã phải giằng co với kẻ cắp để giành lại những cây mai của mình. Nhiều chủ đã bật khóc khi sáng ra thấy dãy mai chưng bày của mình hổng mất đến ba bốn chỗ.

Ông N.V.H, người tối hôm trước đã giành lại được cây mai của mình, than thở: “Năm nay sao trộm cắp nhiều quá. Tối nào cũng phải thức canh, hễ lơ đi một chút là nó lấy. Hầu như chủ mai nào ở đây cũng đã bị mất ít nhất cũng một hai cây mai”. Ông bảo rằng các chủ mai như ông dù đã phát hiện kẻ cắp cũng không dám làm dữ, vì đa số kẻ cắp là dân nghiện ngập, hút chích, nên họ rất sợ bị trả thù. “Nó lấy cây mai của mình giá mấy trăm ngàn để bán chỉ có ba chục ngàn, đủ chích một liều thôi. Mình làm dữ, nó dùng kim tiêm chích cho một cái là nguy”, ông nói.

Giải thích của chính quyền

Ông Phạm Hồng Hải, phó chủ tịch phường 14 khẳng định là không hề có hiện tượng đầu cơ trục lợi trong mua bán, phân phối lô bán kiểng tết. Ông cho rằng, việc phân phối các lô hàng năm nay có xáo trộn do số lượng các chủ ghe hoa kiểng đến mua bán ở phường có tăng lên so với năm ngoái, vì nhiều người buộc phải dồn sang phường 14 do phía bến Trần Văn Kiểu đối diện, và một phần bến Bình Đông thuộc phường 13, nơi có bán hoa kiểng tết như mọi năm, bận thi công làm đường và bờ kè. Theo ông, tuy còn nhiều lô trống nằm ở phía cầu số 2, thừa sức đáp ứng nhu cầu của người bán hoa kiểng tết, thế nhưng, sự tranh chấp thường diễn ra ở những lô phía đầu cầu số 1, nơi “đầu chợ” dễ mua bán hơn so với đoạn gần “cuối chợ”.

Ông Hải cho biết năm nay uỷ ban phường không trực tiếp tổ chức phân lô cho bà con tiểu thương hoa kiểng, mà giao cho hội sinh vật cảnh ở phường đứng ra tổ chức phân phối. Ông khẳng định rằng, phường có nhận đăng ký và thu tiền nhận lô của các tiểu thương vào những ngày 7, 8 và 13.12.2008. “Cũng có những người đã đăng ký rồi lại quay lại đăng ký nữa, có thể họ sẽ nhượng lại người khác với giá chênh lệch nào đó, nhưng chắc không tới cái giá hai ba triệu đâu, vì tiểu thương họ bán có lời nhiều đâu mà mua giá đó?”, ông Hải nói.

Nguyễn Thuý

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang