• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để đất trời còn tiếng chim hót

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 14/01/2009
Ngày cập nhật: 17/1/2009

Trong cuộc sống muôn thú, trong đó loài chim có tiếng kêu riêng để gọi bầy, đàn. Để hiểu được ngôn ngữ của chúng không phải là chuyện dễ. Vậy mà ở ấp Hiền Đức, xã Phước Thái (huyện Long Thành), anh Bùi Văn Minh là người hiểu và "nói" được ngôn ngữ của nhiều loài chim. Lợi thế đó đã giúp cho Minh tìm được niềm vui trong cuộc sống.

* Mê chim nên bị đòn roi

Nhà anh Bùi Văn Minh nằm khiêm tốn trên con đường liên ấp Hiền Đức - Tân Hiệp vừa mới được nâng cấp thảm bê tông nhựa nóng. Vừa bước vào cổng nhà, tôi đã nghe những âm thanh xào xạc xen lẫn tiếng kêu của nhiều loại chim phát ra từ chiếc lồng lưới khá lớn bên hông nhà. Những chú chim nhỏ bé hốt hoảng cứ chớp cánh bay qua, bay lại như muốn thoát ra khỏi chiếc lồng khi thấy có bóng người lạ. Đến chừng nghe anh Minh chụm miệng, đánh lưỡi phát ra nhiều tiếng... ríu... ríu... thì bầy chim mới bớt đi nỗi sợ hãi. Nhiều con còn sà xuống khoảng đất trống dưới đáy lồng tìm mồi. Nghe tôi thắc mắc vì sao lại phải nuôi chim trong cái lồng khá lớn như vậy, Minh giải thích là phải tạo cho chúng môi trường tự do bay nhảy như trong thiên nhiên, có như vậy thì chim mới khỏe mạnh không bị đau ốm, dịch bệnh.

Mùa xuân cận kề, không khí ở vùng quê này thật yên bình. Có dịp ngồi ôn lại chuyện chơi chim và học "nói" thứ ngôn ngữ của chúng, Minh cho biết từ thuở nhỏ anh đã yêu thích các loại động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim. Vì vậy, trong những năm tháng tuổi thơ, anh thường la cà từ cánh đồng này sang đồng khác để tìm tổ chim và bắt những chú chim non đem về nuôi để nghe tiếng hót của chúng. Mê chim đến mức đôi lúc bỏ cả học hành nên nhiều lần Minh bị bố mẹ đánh đòn đến phồng rộp cả mông! Tuy vậy, không ít lần Minh tự hỏi chim có tiếng nói riêng để gọi nhau, vậy tại sao mình không học tiếng kêu của chúng để hiểu được chúng?... Vậy là Minh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm tiếng kêu của các loài chim và dần dà bắt chước được thứ ngôn ngữ của chúng khi gọi bầy đàn cũng như lúc gọi nhau tìm mồi. Minh còn tỏ rõ sự tự tin khi giới thiệu với tôi rằng, anh có thể hiểu và "nói" được ngôn ngữ của khoảng 70% loại chim quen thuộc như cu đất, dồng dộc, le le, se sẻ, quành quạch, chào mào, sắc ô, cò, sáo, cưỡng, chích chòe, bìm bịp, gõ kiến, đa đa, tiu tiu, tỉ tỉ..., có loại chim chỉ dùng miệng, đánh lưỡi để gọi, nhưng cũng có loài phải chế "còi" để thổi thì chúng mới nghe. Trong số những loài chim quen thuộc thì loài chào mào là khó học được tiếng kêu của chúng cho thật giống vì giọng hót chim chào mào có nhiều âm điệu, cung bậc khác nhau.

* Ai ơi đừng giết chim trời!

Đưa tay nâng tách trà nóng nhấp môi, Minh bộc bạch: "Thú thật tôi có máu mê chim là vậy, thích bắt thật nhiều chim để nuôi cho vui cửa, vui nhà, nhưng cũng có giai đoạn tôi phải đành lòng săn bắt chim để kiếm sống. Đó là khoảng thời gian những năm 1980. Hồi đó tôi theo gia đình rời quê hương Thái Bình để vào Đồng Nai lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu trên quê hương mới còn quá nhiều khó khăn, do vậy tôi phải tìm mọi cách để phụ thêm cái ăn cho gia đình. Lúc bấy giờ ở Đồng Nai còn nhiều rừng, nhiều đồng trống với vô số loài chim quần tụ nên tôi đã vận dụng sở trường của mình để săn bắt chim đem bán cho những người có thú chơi chim cảnh và các quán nhậu đặc sản. Thời đó, tôi còn sắm mấy tấm lưới và dụng cụ bắt chim rồi lặn lội đến những cánh rừng, những cánh đồng mênh mông nơi có nhiều loài chim kết bầy để đặt bẫy, giăng lưới. Nhờ hiểu và nói được ngôn ngữ của các loài chim, nên khi tôi đặt chân đến đâu thì chim trời phải sa bẫy, lạc bầy tan tác!".

Từ giã cái nghề săn bắt chim rừng để chuyển sang làm thợ khoan giếng đã được mười mấy năm. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã cuốn hút Minh vào công việc. Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, nhớ tiếng chim, Minh cũng đi gọi chim cho vui. Thấy con nào hay thì anh bắt đem về thuần dưỡng. Để thử tay nghề của Minh, tôi đề nghị anh biểu diễn. Minh nói: "Khó đấy! Vì lúc này chim trời thưa vắng lắm! Xung quanh khu vực này chim bị con người tìm cách sát hại nên chúng rất nhác và khó dụ". Minh đưa tôi ra khoảng đất trống cạnh khu vườn tràm cách nhà chừng 10 phút đi bộ và nói: "Thông thường hàng năm vào khoảng tháng 10 âm lịch trở đi thì các loài chim kết bầy, gọi đàn để sinh sản. Đến hết mùa khô thì việc này sẽ chấm dứt. Lúc ấy bầy đàn sẽ đông đúc thêm. Do vậy, nếu đánh bắt chim trong thời gian này thì sẽ nhiều thuận lợi nhưng sẽ có nhiều tội lỗi vì hủy diệt môi trường và vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ các động vật trong thiên nhiên hoang dã!".

Minh đang biểu diễn động tác đặt lưới đánh bẫy.

Nói rồi, Minh bảo tôi tìm chỗ kín đáo ẩn nấp, còn anh thì bước ra một chỗ trống ngồi bất động. Quan sát một lúc thấy trên bầu trời có mấy con chim bay qua, Minh liền chúm môi, đánh lưỡi phát ra nhiều tiếng ríu ríu... éc... ẹc... Khi thấy tiếng kêu càng lúc càng dồn dập thì tôi thấy vài cánh chim, cánh cò chao lượn, đảo qua, đảo lại trên mấy ngọn tràm. Và rồi Minh liên tục đánh lưỡi phát ra tiếng kêu cọ... cọ... éc... ẹc. Những chú cò trắng như bị thôi thúc bởi tiếng kêu nên một con sà xuống đất, giương cao chiếc cổ dài nghiêng qua, nghiêng lại rồi thận trọng bước đến gần nơi phát ra tiếng kêu. "Chỉ cần có vậy là tôi có thể đánh lưới để bắt chú cò này. Bắt các loài chim khác thì cũng như thế miễn sao mình "nói" đúng thứ ngôn ngữ của chúng!". Kết thúc phần biểu diễn của mình, Bùi Văn Minh nói với tôi như thế.

* * *

Trên đường về, tôi miên man với niềm vui là "nhà phù thủy gọi chim" này đã nắm được quy định nghiêm cấm việc đánh bắt các loài động vật hoang dã mà sớm giã từ cái nghề đánh bắt chim rừng, nếu không thì tai họa khó lường đối với loài động vật có cánh này. Nhưng cũng không tránh khỏi đau xót khi đó đây vẫn còn có người kiếm sống bằng việc đánh bắt bẫy chim để cung cấp cho các quán ăn đặc sản, hoặc bắt chim để bán cho người thả chim phóng sanh cầu phước!

Đức Việt

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang