• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Bảo mẫu” hoa mai

Nguồn tin: Thanh Niên, 07/01/2009
Ngày cập nhật: 12/1/2009

Những ngày giáp Tết, trước sân nhà ông Bé phủ một lớp vàng rực. Trên 200 gốc mai được ông chăm sóc cả năm đã nở hoa đúng hẹn. Công việc còn lại của ông giờ trở nên đơn giản là đợi chủ nhân của từng gốc mai đến “đón” chúng về.

Nghề "thời thượng"

Gần một năm trước, khi những bông mai cuối cùng lìa khỏi cành là khi chủ nhân mang chúng đến nhà ông Bé. Ông là nghệ nhân hoa kiểng có tiếng ở vùng Bình Chánh, Bình Long (Châu Phú, An Giang) nên sau mỗi Tết, người ta dồn dập mang mai đến gửi nhờ ông chăm sóc. Vì diện tích đất nhà hạn chế, ông Bé chỉ có thể nhận tối đa 200 gốc mai. Công việc của ông là hằng ngày chăm sóc cho những gốc mai cưng của khách phát triển tốt, o bế cho đẹp, để tới mùa những gốc mai này phải nở hoa đẹp, hoa đều, nhiều, đúng ngày Tết... Nhiều năm làm nghề này, ông Bé được người chơi mai ở khu vực đó tin tưởng gửi gắm. Năm nào cũng vậy, khi người ta mang mai đến gửi nhiều quá, từ chối không đành, ông phải mang những gốc mai của nhà mình đi gửi nhà hàng xóm để dành không gian cho mai của khách.

Ông Bé tâm sự với chúng tôi: Càng ngày nhu cầu gửi mai cho một số người chăm sóc hộ càng nhiều. Lý do là những người chơi mai không tự giữ và chăm sóc cây của mình được vì họ không có thời gian, không có “tay nghề” chăm sóc mai. Hoặc vì ở đô thị, chủ nhân muốn dành diện tích triệt để cho kinh doanh, sinh hoạt nên sự có mặt của những cây mai đã chiếm một diện tích không mong muốn. Người ta chỉ thích thưởng thức mai chứ không muốn bỏ công chăm sóc, nên dịch vụ “bảo mẫu” hoa mai càng trở nên thời thượng.

“Đồng tiền nhàn hạ”

Rẽ vào con đường nhỏ dưới chân cầu Cái Sơn (Q.Ninh Kiều, Cần Thơ), cách cầu không xa là căn nhà kín cổng. Phía trong khuôn viên nhà phủ đầy một thảm xanh hoa mai. Những ngày này, chủ nhà đang rất bận bịu cho đợt “khám tổng quát” các thân mai để đánh giá ngày nào “lãi” lá, có nên cho phân, cho thuốc vào không, nên cắt tỉa thế nào… để cho mai nở đẹp, nở đúng ngày.

Ông Năm Song (Nguyễn Văn Song) nhận giữ trên 200 cây mai. Khách hàng của ông cũng rất đa dạng, từ các cơ quan, cán bộ cấp tỉnh, các doanh nghiệp, cửa hàng tạp hóa cho đến những chị bán gạo, anh xe ôm… Và dĩ nhiên, giá trị của những cây mai họ sở hữu cũng khác nhau, từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng mỗi cây. Nếu cây đều khỏe, ông ra công tỉa, uốn cho đẹp, dưỡng đợi đến trước Tết 12-18 ngày thì tước lá cho mai nở hoa. Tùy theo quan sát nụ mai nhỏ hay to mà những người “nuôi” mai chọn ngày cắt lá để mai nở hoa đúng ngày Tết.

Ông Năm Song trước đây là chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng. Ông nói ông chọn nghề hoa kiểng cho “nhẹ đầu”, không tính toán, không lo âu nợ nần. Chúng tôi hỏi có lẽ thu nhập từ nghề hoa kiểng không thể bằng công việc buôn bán trước đây, ông Năm Song cười: Tình thiệt đâu có, thu nhập từ cây kiểng này cao hơn.

Mỗi “bảo mẫu” mai có cách tính thù lao khác nhau. Có người nhận mức “bồi dưỡng” tùy vào công sức bỏ ra như cây mai có cần tỉa, uốn hay làm sao cho mai đẹp mỹ mãn. Còn ông Năm Song thì có quy định cụ thể: “nuôi” mai tốt, ngày Tết có bông đẹp thì chủ nhân phải trả cho ông số tiền bằng 30 phần trăm giá trị cây mai đó. Với 200 gốc mai nhận giữ, hằng năm ông Song thu nhập hằng trăm triệu đồng thì không có gì lạ.

Rời quân ngũ, anh Phạm Văn Dưỡng kiếm sống bằng nghề bán chậu gốm sứ. Thời gian này, anh quen với nhiều người buôn bán hoa kiểng đến mua chậu về trồng mai. Thấy người ta chơi kiểng, anh cũng tập tành, rồi đam mê, rồi bước qua nghề hoa kiểng một cách rất tự nhiên như thế. 5 năm trước, anh đã bỏ tất cả vốn liếng để thuê 500 mét vuông đất làm nơi chăm sóc và nhận bảo dưỡng hoa mai. Vì có tay nghề chăm sóc, hằng năm mai đều cho hoa viên mãn. Tiếng lành đồn xa, người này giới thiệu cho người kia… Thế là không bao lâu, đã có trên 300 gốc mai được chở đến chất kín mảnh đất. Dưỡng nói vì không có chỗ nên anh từ chối nhiều người. Ngoài việc làm “bảo mẫu” cho mai, Dưỡng còn nhận chăm sóc, uốn, tỉa hoa kiểng tận nhà. Anh nói vì anh em thương, tín nhiệm nên anh có việc làm quanh năm. Qua Tết này, Dưỡng định sẽ mua một mảnh đất rộng hơn làm chỗ cho hoa kiểng.

Mai và người

Ông Bé nói tuy “nuôi” một lúc hàng trăm cây mai, nhưng ông nhớ mặt từng cây. Ông Song bảo có khi người ta vừa đứng ngoài cổng, ông đã biết chủ nhân của cây mai nào. Ông liên tưởng nghề “chăn mai” cũng giống như nghề giữ trẻ, mình cứ việc chăm sóc cho “con” của người khác như là con của mình. Là “con” người khác, nhưng mình lại thương nó như “con” mình. Anh Dưỡng tâm sự, đôi khi không nằm trong giao kèo, nhưng nhận mai thấy dáng cây có thể phát triển là anh nhiệt tình cắt, uốn, không cần thêm thù lao. Chăm sóc cả năm, đến mùa mai nở hoa đẹp thì những “bảo mẫu” này lại đưa chúng về cho chủ nhân của chúng. Vườn nhà ông Bé, ông Song, anh Dưỡng bốn mùa sum suê. Thế rồi đến những ngày tết, những khu vườn này trở nên trống rỗng. Ông Bé nói cỡ nào đến tết thì ông cũng chừa lại cặp mai trưng ở nhà. Thế nhưng đối với ông Song, anh Dưỡng thì có khi cây mình chăm sóc chưa đẹp như ý, họ lấy mai của nhà mình “bù” lại cho khách, coi như món quà an ủi.

Ngoài những người xem hoa mai trang điểm, làm vui cho ngày tết, thì cũng có người cho rằng hoa mai nở tốt đó là “điềm” báo cho một năm may mắn.

Tiến Trình

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang