• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đau đáu với đào quất

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng, 31/12/2008
Ngày cập nhật: 2/1/2009

Đến thời điểm này, người trồng đào ở Hà Nội đang “nín thở” đợi tết. Trái với lo lắng trước đó rằng trận mưa lũ lịch sử vào đầu tháng 11 vừa qua đã nhấn chìm cả làng đào quất Hà Nội trong biển nước, rằng năm nay người Hà Nội, người Sài Gòn không có đào quất mà chưng tết, câu mà chúng tôi nghe được từ chính miệng những người trồng đào quất Hà Nội là: bà con cứ yên tâm, đào quất rất nhiều.

Tết này vẫn nhiều đào để chơi

Trong khi ở các làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm), Văn Giang (Hưng Yên), vùng trồng đào La Cả (Hà Đông)… người dân đều đau lòng khi nhìn công sức chăm bón hoa tết của mình bị trôi theo đợt lũ lụt vừa qua, thì người dân vùng trồng đào Nhật Tân, Tứ Liên và quất Quảng Bá không bị thiên tai tàn phá nhiều.

Trái lại, người trồng đào đang hy vọng một mùa đào quất bội thu. Đi khắp cánh đồng Nhật Tân vẫn thấy bạt ngàn đào và đào, xen giữa đào là quất và hoa cúc đang chờ ngày đua nở.

Bà Trần Thị Hà, cụm 2, Nhật Tân, nhanh tay xới đất cho gốc đào, vừa làm vừa cho biết, nhờ trời nên không bị mưa lũ làm trắng tay, vì người trồng đào Nhật Tân giờ đây lấy đất bãi trồng đào, lại đắp đất cao nên không bị thiên tai tàn phá. “Nhưng cũng chưa nói chắc điều gì cả. Cứ phải đợi đến tận rằm tháng chạp mới chắn chắc đào có đẹp không. Nếu mà làm cho vài trận rét như năm ngoái thì lại trắng tay”, bà Hà nói.

Còn nhớ vụ đào năm ngoái, trước rằm tháng chạp, người dân Nhật Tân thấy người các nơi chở đào chúm chím nở bán đầy đường phố, bèn cười thầm vì đào nở sớm. Dè đâu mãi đến sau 20-12 âm lịch đào vẫn không chịu nở vì rét quá chịu không thấu, người dân Nhật Tân cười mà ra nước mắt.

Năm ngoái cũng là năm mà đào Hà Nội lỗi hẹn với tết, nở muộn. Nhà bà Hà có 200-300 cây đào, mấy năm trước đều thu 70-80 triệu đồng, năm 2007 chỉ được 30 triệu đồng, năm nay thì chưa biết thế nào.

Đào Nhật Tân giờ đây chủ yếu được trồng trên đất bãi, cái đất mà trước kia người nông dân chuyên trồng ngô, nay chuyển sang trồng đào. Tuy vậy, giữa muôn đào từ khắp nơi được mang về Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn kiêu hãnh với sắc thắm của mình.

Năm nay, người Nhật Tân cũng có cái tự hào riêng của mình, khi mà người trồng hoa ở nhiều nơi bị hư hại, thì làng hoa Nhật Tân vẫn không bị ảnh hưởng. “Do chúng tôi đã đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vào việc đắp đất cao, làm hàng rào để bảo vệ cây đào”, bà Hà nói.

Do lợi thế ở vị trí cao, hệ thống thoát nước tốt, chảy trực tiếp ra sông Hồng nên hầu như bà con trồng đào ở đây đều thoát nạn trận mưa lụt lịch sử.

Câu cửa miệng mà người trồng đào nói về đào tết, đó là phải chờ trời. Phải đợi đến tận 20 tháng chạp, lúc đó mới biết chắc chắn là đào có đẹp hay không. Vì vậy, bây giờ, chẳng người trồng đào nào dám khẳng định năm nay đào có được mùa hay không, mà chỉ có thể chắc chắn một điều là tết năm nay, đào quất không thiếu so với các năm. Đào quất không thiếu, nhưng chắc chắc giá sẽ cao.

Dự kiến giá đào quất năm nay phải tăng ít nhất 30% so với năm trước.

Đừng để đào Nhật Tân thành dĩ vãng

Hỏi chuyện người trồng đào Nhật Tân mới thấy hết được niềm đau đáu với đào của họ. Trong số những người trồng đào ở Nhật Tân, có người đã có thâm niên 50-60 năm trồng đào, có người mới chỉ trồng khoảng chục năm nay nhưng các thế hệ người trồng đào Nhật Tân đều giống nhau ở niềm tự hào về thương hiệu đào Nhật Tân.

Nhưng giờ đây, trong cơn lốc đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt hàng ngày, hàng giờ, ngày ngày người trồng đào vẫn mang cày, cuốc ra đồng, ra bãi xới đất, cắt tỉa cho đào, mà trong lòng không nguôi nỗi lo mất đất trồng đào.

“Chúng tôi lại nghe phong thanh họ đang định lấy 2,8 ha đất trồng đào còn lại ở trong đồng đấy. Bà con buồn lắm. Lấy hết thế, còn đâu đất trồng đào đẹp nhất nữa”, bà Hà than thở.

Đất trồng đào Nhật Tân trước kia (là đất đồng) đã bị các khu đô thị “ăn” gần hết, chỉ có khoảng 3ha trồng đào. Trồng đào ở đất bãi bây giờ (đã trên 40ha) cũng có cái hay, đó là có thể “tai qua nạn khỏi” bởi thiên tai, vì có thể thoát nước rất nhanh, mà điển hình nhất là vụ nưa lũ vừa qua, đào trồng ở ngoài bãi Nhật Tân gần như vô can.

Nhưng người trồng đào Nhật Tân không thể hết tiếc nuối vì chỉ có đào trồng ở đồng vẫn là đào đẹp nhất, cành khỏe, bông hoa to và màu rất thắm. Đào Nhật Tân phải di cư từ đồng ra bãi, đã là một sự tàn phai.

Điều mà người dân nơi đây lo lắng, đó là làng đào sẽ bị cái gọi là “đô thị hóa” rượt đuổi mãi. Đào đã bị đuổi từ dinh, từ đồng ra bãi, rồi còn bị đuổi nữa thì sẽ không biết đi về đâu.

Dù vẫn tự hào “chỉ có người Nhật Tân mới biết đâu là đào Nhật Tân, đâu là người Nhật Tân” nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, cụm 3, phường Nhật Tân cũng không khỏi xót xa: “Tuy đào trồng ở ngoài bãi nhiều mênh mông, đường sá cũng được đầu tư thuận lợi, nhưng không ai có thể thôi nuối tiếc về đào đồng, đào dinh. Tôi 14 tuổi đã trồng đào. Trồng đào đối với tôi là cả một nghệ thuật. Đất trồng đào rất quan trọng, nên tôi có thể tự hào rằng, không ở nơi đâu trồng đào đẹp như đồng Nhật Tân”.

Bà Hiền buôn lửng câu nói, cầm lấy vòi nước tưới tắm cho đào. Rồi bà chỉ ra bãi đào ngút ngàn trước mặt: “Chúng tôi nghe nói dự án “Thành phố ven sông Hồng” cũng đang dòm đất bãi này đấy. Thế thì hết mất à?”.

Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi của bà Hiền, cũng như không thể chia sẻ hết nỗi đau đáu của người Nhật Tân với cây đào yêu quý của mình. Người Nhật Tân muốn giữ nghề trồng đào, không phải chỉ vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con cháu họ, mà trong thẳm sâu cõi lòng, họ muốn giữ những gì tinh túy của ông cha, của một nét văn hóa Hà Nội ngàn năm.

Sự thật là, đồng đào Nhật Tân giờ chỉ còn lại trên dưới 1ha. Và người ta dễ có cảm giác đó là… vườn hoa tô điểm cho khu đô thị Nam Thăng Long hơn là cánh đồng đào Nhật Tân nổi tiếng ngày nào…

Thu nhập từ trồng đào của người dân Nhật Tân thực ra không nhiều, nhà nào cao cũng chỉ khoảng 200-300 triệu đồng mỗi mùa tết, còn lại khoảng 50-60 triệu đồng. Để có được một mùa đào tết, quanh năm người dân chăm sóc cây đào cẩn thận như chăm sóc người thân của mình.

Lúc nào người Nhật Tân cũng lấy làm tự hào bởi sự chung thủy của mình, đó là chưa bao giờ người dân Nhật Tân bỏ đất, bỏ đào. Trận rét lịch sử năm 2007, đào chỉ ra búp non, không thể nở. Người Nhật Tân nén lòng chặt bỏ hết và đốt hết, nhưng sau đó lại chăm bẵm để đón mùa đào năm sau.

Về Nhật Tân tầm này, đào cúc đã bắt đầu khoe sắc, sẵn sàng cho một mùa đua nở nếu thời tiết ấm áp. Năm nay, Hà Nội sẽ không thiếu đào. Và hy vọng, sau bao năm nữa, Hà Nội cũng sẽ không thiếu vắng bóng đào...

Trở lại Tứ Liên, Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) trong những ngày này, người ta bị hút hồn bởi màu xanh ngắt của lá và màu vàng tươi của quả quất. Thiên tai không loại trừ ai, nhưng may mắn cũng không bỏ qua tất cả mọi người.

Ngược với nỗi buồn mất trắng của nhiều nhà trồng quất Văn Giang (Hưng Yên) là sự thở phào nhẹ nhõm của làng trồng quất Tứ Liên, Quảng Bá. Do đây là vùng đất cao nên trận mưa lũ vừa qua không ảnh hưởng gì nhiều đến số lượng và chất lượng của quất Quảng Bá.

Cũng giống đào Nhật Tân, quất Quảng Bá năm nay giá cả dự kiến cũng sẽ tăng lên rõ rệt. Giá cả leo thang, cây giống tăng giá gấp đôi, phân đạm, thuốc trừ sâu cũng tăng giá… nên người trồng quất dự báo năm nay giá tăng gấp đôi đối với những cây đẹp và tăng 2-3 lần đối với cây thường.

PHAN THẢO-THU HÀ

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang