• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng hoa Tây Tựu sau trận lụt lịch sử

Nguồn tin: Nhân Dân, 11/12/2008
Ngày cập nhật: 12/12/2008

Trận lụt cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội gây ảnh hưởng nặng nề đến nghề trồng hoa ở xã Tây Tựu. 300 ha hoa sắp thu hoạch ngập trong nước lũ khiến nhiều gia đình gần như trắng tay.

Cách trung tâm thủ đô gần 30 km, Tây Tựu được xem là làng hoa lớn nhất ngoại thành Hà Nội với diện tích hơn 300 ha, toàn xã có gần 2.500 hộ dân (trong tổng số 2.600 hộ) làm nghề trồng hoa.

Hằng năm, xã Tây Tựu cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước hơn 250 triệu bông hoa.

Nhưng năm nay, hình ảnh những xe hoa Tây Tựu bon bon trên đường về các chợ đầu mối sẽ không còn nữa. Trận lụt vừa qua, nhấn chìm toàn bộ 300 ha hoa sắp thu hoạch.

Những ngày cuối năm này, thay vào cảnh rực rỡ sắc hoa chờ Tết, cánh đồng hoa Tây Tựu bao phủ một mầu khô xám...

Nhìn cánh đồng hoa giập nát, khô héo, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Tây Tựu thẫn thờ: "Ðau quá! Ðến thời điểm này tất cả các hộ dân đều dốc hết vốn cho vụ hoa Tết. Ðúng lúc gần thu hoạch, đang trông chờ để trang trải nợ nần, chi phí đầu tư, thì ai ngờ...Vậy là trắng tay!".

Năm 2007, Tây Tựu được đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho dự án tổng thể vùng trồng hoa. Ðược khuyến khích, hỗ trợ về hạ tầng, công nghệ, người dân phấn chấn dốc công sức, tiền của cho hoa. Không ít hộ mạnh dạn vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để mở rộng sản xuất.

Theo thống kê của xã, tổng số tiền các hộ dân Tây Tựu vay đầu tư cho sản xuất hiện lên tới hơn 6 tỷ đồng.

Cũng năm ngoái, khi bắt đầu thử nghiệm trồng giống hoa ly trên đồng Tây Tựu, một số hộ có lãi lớn liền dồn vốn nhân rộng diện tích trồng ly với hy vọng thắng lớn trong vụ Tết 2009.

Không ngờ sau trận mưa lịch sử, giờ đây tất cả họ đều tay trắng, nợ nần. Toàn xã có 340ha diện tích nông nghiệp (chủ yếu trồng hoa) thì có tới 330 ha mất trắng (chiếm tới 96%), trong đó Hợp tác xã (HTX) số 2 thiệt hại nhiều nhất với 110ha, HTX số 3 với 102 ha, HTX số 1 với 96ha, cộng thêm hàng chục ha của các hộ cá thể.

Ðợt mưa đã khiến toàn xã thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng.

Gia đình ông Trần Văn Quang, ở thôn Trung trồng sáu sào hoa, chăm sóc cắt tỉa, đầu tư bao công phu... tất cả giờ đều biến thành củi.

Ông xót xa: Mặc dù lường trước, ông cho đắp bờ cao hơn mặt ruộng tới 50 - 60 cm để ngăn nước tránh úng, nhưng vẫn không ăn thua. Trận mưa nhấn chìm toàn bộ cánh đồng hoa trong biển nước sâu gần hai mét. Gia đình ông thất thu tới 50 - 60 triệu đồng.

Gia đình anh Ðặng Trần Duyên đầu tư hai mẫu hoa ly và đồng tiền, thiệt hại 300 triệu đồng.

Chị Tự Thị Ngọ, 52 tuổi ở thôn 2, người được tiếng là kỹ tính trong chăm trồng hoa của xã kể: Sau đêm mưa đầu tiên, sốt ruột quá, sáng chị vội ra đồng thì ba sào hoa hồng đang nụ của gia đình đã ngập kín nước. "Tôi đứng chôn chân ở ruộng hoa, không nỡ về, vừa khóc vừa thầm khấn cho trời tạnh, nước rút... Nhưng nhìn cánh đồng mỗi lúc nước càng dâng cao thì đành chống gậy dò nước quay về mà ruột đau như cắt. Cả toàn bộ vốn liếng công sức cả năm thế là đi tong".

Sau mưa, nhiều gia đình xót của vội huy động người, máy bơm hút nước, cứu hoa, nhưng đã quá muộn. Trạm bơm xã hoạt động suốt ngày đêm cũng không xuể do nước ngập quá sâu.

Tây Tựu lại nằm trong hệ thống thoát nước liên hoàn của cả thành phố nên nước rút rất chậm. Ðến tận ngày 22-11 vừa qua những mảnh ruộng ngập úng cuối cùng mới thoát được hết nước. "Hồng là giống hoa chịu nước khỏe mà cũng không thể trụ nổi nói gì đến những loại cây hoa khác như thược dược, đồng tiền, ly..."- Bà Vũ Thị Tính, 72 tuổi, ở đội 2, thôn Trung nói. Gia đình bà mất ba sào rưỡi hoa hồng" . Hai con tôi, một đứa chín sào hồng, đứa tám sào đồng tiền, mất sạch".

Ðau nhất là những gia đình trồng hoa ly như gia đình ông Nguyễn Văn Ðông ở đội 5. Năm 2007, trồng thử nghiệm một sào hoa ly, thấy lãi gấp đôi, gia đình ông Ðông quyết định đầu tư gần năm trăm triệu đồng để mở rộng ba sào ly hy vọng bội thu vào dịp Tết này.

Ông Ðông mua giống ly tận Hà Lan với giá 12 nghìn đồng/củ. Ba sào ly riêng tiền giống đã mất hơn 300 triệu đồng. Vừa xuống giống được mươi ngày thì trận mưa đổ ập xuống.

Xót của, ông gọi mấy chục người nhà đội mưa gió ra mò củ ly lên đem về rồi gửi đất ruộng tận Sơn Tây, nhưng vẫn không cứu vãn được.

Cũng trong tình cảnh dốc vốn cho hoa, cuối cùng tay trắng, anh Chu Hữu Hùng, còn gọi là Hùng "đào" ở thôn Thượng chưa hết bàng hoàng vì mất ba mẫu hoa đào. Vườn đào của gia đình anh nổi tiếng bởi gốc cổ, dáng đẹp, nụ thắm, khách hàng gần xa ưa chuộng. Vậy mà giờ đây phải chứng kiến hàng nghìn cây đào (cây to có thâm niên năm năm, cây nhỏ hai năm) đang chết héo dưới nắng, anh Hùng mất ăn, mất ngủ bao ngày nay.

Không chỉ mất đào, gia đình anh Hùng còn mất hai mẫu hoa đồng tiền đang sắp kỳ thu hoạch.Thiệt hại của gia đình anh lên tới tiền tỷ.

Thiệt hại của Tây Tựu cũng như những làng hoa chung quanh Hà Nội khiến cho thị trường hoa Tết được dự báo sẽ rất khan hiếm. "Tết này Hà Nội sẽ trông chờ vào nguồn hoa từ Ðà Lạt và phía nam chuyển ra, tuy nhiên số lượng cũng sẽ không nhiều, hơn nữa cộng chi phí vận chuyển, khiến giá thành hoa sẽ tăng lên rất cao"- Chị Huyền, chủ cửa hàng hoa lớn ở phố Hàng Bè nói.

"Mất 130 tỷ đồng là cái trước mắt, nhưng nguy hại hơn là ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất và nguồn thu năm 2009". Ông Vũ Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu nói.

Không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho dân trong xã với mức ước tính 180 triệu đồng/ha mà nghề trồng hoa của Tây Tựu còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ dân các xã chung quanh. "Hằng năm, cấy lúa xong người dân các xã khác về Tây Tựu làm hoa, mỗi ngày được trả công từ 50 đến 60 nghìn đồng. Giờ mất mùa, không chỉ ảnh hưởng tới các hộ trong xã mà còn với những xã khác"- Ông Việt cho biết.

Ðồng hoa Tây Tựu chủ yếu trồng cây hoa hồng (70% diện tích). Trong khi, theo ông Nhân, người được cả xã gọi là "vua hoa" thì hồng thường đến mùa đơm bông thứ hai mới cho ra nụ đẹp. "Nếu lo đủ về nguồn giống và thời tiết thuận lợi thì cữ này năm sau cây hoa hồng Tây Tựu mới cho ra lớp hoa bói đầu tiên, chưa thể có thu nhập.

Ðể khôi phục lại đồng hoa ít nhất phải hai năm nữa. Có nghĩa tới năm 2010 Tây Tựu mới có hoa cung cấp cho thị trường, đồng thời mới có nguồn thu" - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Việt khẳng định.

Sau những ngày thẫn thờ xót của, những ngày này người dân Tây Tựu đang gượng dậy tính cách khôi phục sản xuất.

Suốt hai tuần qua, những ruộng hoa chết héo đã được bà con chặt đi để làm lại đất. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ xuống cho ruộng hoa giờ chặt bỏ chất đống góc ruộng để đốt, ruột ai cũng xót xa. "Nhưng chẳng nhẽ ngồi nhìn đất chết, phải tìm cách sản xuất tiếp"- Anh Hào ở xóm 2, nói.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn giống, đặc biệt là giống cây hoa hồng"- Ông Nhâm, Chủ nhiệm HTX nói.

Từ trước đến nay, các hộ dân trồng hoa ở Tây Tựu đều chủ động về cây giống. Họ mua từ các vùng chung quanh hoặc vào tận Ðà Lạt, hay sang Trung Quốc.

Tuy nhiên đợt mưa vừa qua rơi vào thời điểm nhỡ thời vụ về giống, đặc biệt là giống cây hoa hồng. "Nếu mưa lũ xảy ra sớm hơn khoảng hai tháng thì vấn đề giống không đến nỗi khan. Hiện nay, hồng đang kỳ thu hoạch, không ai đi cắt cành để bán giống. Trong khi nhu cầu cây giống của Tây Tựu là ồ ạt, không đâu có thể cung ứng một lúc đủ cho 346 ha". - Ông Nhâm giải thích. Trong những ngày qua, nhiều hộ gia đình đã cử người đi các tỉnh như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Hưng Yên... mua cây giống, nhưng cũng không được nhiều và chất lượng không bảo đảm, vì đợt mưa vừa qua hầu hết các tỉnh phía bắc đều ảnh hưởng, cũng đang khó khăn về nguồn giống.

Nhu cầu lớn khiến giá thành về giống tăng gấp đôi, gấp ba, dập tắt hy vọng hồi phục sản xuất của không ít hộ dân vốn vừa trắng tay sau lũ. Dồn hết vốn liếng cho vụ hoa vừa rồi, hiện nay nhiều gia đình không còn một đồng nào để chi phí sinh hoạt chưa nói đến đầu tư sản xuất.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, UBND xã Tây Tựu đã thống kê thiệt hại để kiến nghị thành phố hỗ trợ. Nhưng với mức hỗ trợ chung 7,5 triệu cho một ha hoa màu mà thành phố đã vận dụng cho các xã nói chung và Tây Tựu nói riêng thì quá nhỏ so với nhu cầu khôi phục sản xuất hiện tại. Nhiều gia đình nợ cũ chưa trả hết lại sắp phải đối mặt nợ mới. " Tây Tựu đang rất trông chờ vào sự hỗ trợ của các cấp thành phố để được tiếp tục vay vốn ưu đãi đầu tư phục hồi sản xuất, khôi phục cánh đồng hoa, sớm ổn định cuộc sống sau trận mưa lớn vừa qua"- Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã nói.

PHAN THANH PHONG

Các tin khác:

31/12/2013
31/12/2013
30/12/2013
28/12/2013
28/12/2013
27/12/2013
27/12/2013
26/12/2013
25/12/2013

 

Các tin năm 2014

Các tin năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006:

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang